Mua bán doanh nghiệp “chết”: Cơ hội kinh doanh mới
Hàng năm, hàng chục ngàn doanh nghiệp mới được thành lập thì cũng khoảng ngần ấy doanh nghiệp phải nói lời cáo chung. Thành lập và giải thế, sáp nhập hay phá sản... đây chính là cơ hội cho những công ty kinh doanh doanh nghiệp chết.
Một doanh nghiệp ra đời mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, nhưng khi nó chết đi cũng tạo ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp khác. Mua bán doanh nghiệp “chết” đang là mảnh đất tiềm năng.
“Dây chuyền sản xuất mì gói, mì ăn liền có công suất 2,5 tấn bột trong một ca tám tiếng ở Thanh Hóa giá bán 200 triệu đồng. Công ty kinh doanh vận chuyển hành khách bán 45% cổ phần ở TPHCM với giá 1,6 tỷ đồng...”. Đó là những mẫu quảng cáo trên trang web mua bán doanh nghiệp (http://www.muabandoanhnghiep.com.vn/home/).
Trên trang web này người ta còn thấy nhiều loại hàng hóa khác được rao bán, từ những cơ sở kinh doanh nhỏ như cửa hàng bán quần áo, trang sức ở Hà Nội với giá 50 triệu đồng đến những công ty lớn hoặc dự án đang được triển khai như doanh nghiệp sản xuất chế biến thủy sản xuất khẩu giá 42 tỷ đồng ở Khánh Hòa, hoặc dự án xây dựng khu biệt thự nhà vườn kết hợp tiện ích, dịch vụ nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái vườn ở TPHCM với giá 48 tỷ đồng...
Ông Trần Trọng Hiếu, Giám đốc đầu tư Công ty IDJ cho biết: trên chợ ảo này có hơn 200 mặt hàng đang được rao bán thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng tập trung nhiều nhất là sản xuất, bất động sản và dịch vụ với giá chào thấp nhất là 50 triệu đồng và nhiều nhất là vài chục tỷ đồng. IDJ là công ty chuyên về môi giới mua bán doanh nghiệp, đang quản lý trang web mua bán doanh nghiệp.
Theo ông Hiếu, hầu hết doanh nghiệp được rao bán đang gặp khó khăn trong kinh doanh. Có doanh nghiệp thiếu vốn, hoặc không có người quản lý.
Có doanh nghiệp không có thị trường hoặc không cạnh tranh nổi với những đối thủ khác. Những khó khăn này của doanh nghiệp nếu tiếp tục kéo dài, phá sản là điều không thể tránh khỏi, vì vậy rao bán là cách tốt nhất để cứu vãn tình thế khó khăn cho nhà đầu tư, nhưng cũng có doanh nghiệp rao bán vì đã bắt đầu giai đoạn “chết”.
Theo nhận định của các nhà kinh tế, ra đời và giải thể là hoạt động rất bình thường của doanh nghiệp. Không chỉ có doanh nghiệp trong nước mà ngay cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng không thoát khỏi qui luật cạnh tranh và đào thải.
“Đây chính là cơ hội cho những nhà đầu tư khác muốn tham gia vào cuộc chơi thị trường”, ông Hiếu phát biểu. Ông cho biết nhu cầu mua bán doanh nghiệp chết đang là thị trường tiềm năng, bởi lẽ không phải chỉ có nhu cầu bán doanh nghiệp chết mà rất nhiều nhà đầu tư có nhu cầu mua lại những doanh nghiệp này.
Việt Nam là thị trường hấp dẫn ở khu vực châu Á. Sự hấp dẫn của Việt Nam không bằng Trung Quốc hay Ấn Độ nhưng Việt Nam không thể là cơ hội dễ bỏ qua của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng năm, hàng tỷ USD được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam để thực hiện những dự án mới.
Những dự án mới luôn có những khó khăn cho bước khởi đầu của nhà đầu tư, chính vì vậy nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn con đường ít vất vả hơn nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu đầu tư của mình, đó là mua lại những công ty chết. Mua lại những công ty chết sẽ giúp các nhà đầu tư giảm bớt nhiều chi phí và thời gian như xin giấy phép, tìm kiếm mặt bằng, tạo dựng thị trường, tuyển dụng lao động...
“Bắt đầu một kế hoạch kinh doanh bằng việc mua lại công ty khác trở nên khá phổ biến ở các nước và nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng muốn bắt đầu bằng việc này vì đỡ vất vả hơn với một dự án mới hoàn toàn”, ông Hiếu nói. Ông Hiếu cho biết: qua một tháng khai trương chợ mua bán doanh nghiệp trên mạng, đã có 20 doanh nghiệp được các nhà đầu tư mua lại.
Các nhà đầu tư mua doanh nghiệp chết luôn có kế hoạch tái cấu trúc lại doanh nghiệp bằng những chiến lược và kế hoạch thích hợp. Họ bỏ vốn và đưa công nghệ mới hoặc thay đổi phương pháp quản lý để vực dậy và phát triển doanh nghiệp chết theo “bản sắc” của nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, có nhà đầu tư mua doanh nghiệp chết không phải để thực hiện dự án đầu tư sản xuất kinh doanh mà để bán lại cho nhà đầu tư khác.
Công ty Cổ phần Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai là một ví dụ. Công ty mới thành lập này đã mua lại một công ty nước ngoài Cheerfield Rama, được xem là công ty phá sản hồi cuối tháng bảy qua với giá 1 USD. Đây được xem là giá trị hình thức để mua công ty phá sản, bởi lẽ việc mua bán có thực hiện hay không thì công ty này cũng sẽ chết do những khoảng nợ lớn không thể thanh toán.
Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai cho biết: công ty kỳ vọng sẽ kiếm được một số tiền khá từ việc bán lại công ty chết này sau khi đã làm sạch nợ cho nó. 34 tỷ đồng là khoản nợ lớn đối với Cheerfield Rama và đối với Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai sẽ rất khó bán nếu không đầu tư giải quyết khoản nợ này.
Mặc dù có nhiều nhà đầu tư có nhu cầu mua lại doanh nghiệp chết nhưng việc bán lại những doanh nghiệp này không phải dễ dàng vì những khoản nợ và những rắc rối liên quan dễ làm nản lòng các nhà đầu tư. “Làm sạch nợ và giải quyết các vướng mắc sẽ làm cho món hàng dễ bán hơn”, ông Hiếu thổ lộ.
Bà Trần Kim Thy, Trưởng đại diện Văn phòng Công ty tư vấn Concetti tại TPHCM cho biết: Luật phá sản không cho phép chủ đầu tư hoặc thành viên hội đồng quản trị của một doanh nghiệp bị tòa tuyên bố phá sản thành lập doanh nghiệp mới hoặc tham gia vào hội đồng quản trị doanh nghiệp mới trong khoảng thời gian từ một đến ba năm.
Đây là lý do khiến nhiều chủ doanh nghiệp chết không muốn tuyên bố phá sản nhưng nếu bán cho nhà đầu tư khác thì họ tránh được qui định này. Hơn nữa theo bà Thy, phá sản cũng có nghĩa là thất bại nên nhiều doanh nghiệp muốn chọn con đường bán doanh nghiệp sẽ danh dự hơn.
Đối với những nhà đầu tư, mua lại doanh nghiệp chết cũng có những qui định ràng buộc liên quan. Theo Luật Doanh nghiệp mới, chủ đầu tư hoặc những cổ đông sáng lập được phép chuyển nhượng 100% doanh nghiệp, thậm chí trong thời gian ba năm đầu thành lập doanh nghiệp. Nhà đầu tư trong nước mua lại doanh nghiệp tức trở thành cổ đông sáng lập của doanh nghiệp này.
Còn đối với nhà đầu tư nước ngoài, qui định này có sự khác biệt. Luật sự Phan Trung Hoài cho biết mua pháp nhân hay mua doanh nghiệp không phải là khái niệm pháp lý được pháp luật điều chỉnh. Mua pháp nhân trong thực tế là việc nhận chuyển nhượng vốn góp hay cổ phần. Tuy nhiên, theo luật sư Hoài, Luật Doanh nghiệp qui định thông thoáng về điều này, chủ yếu do bên mua và bán tự thỏa thuận.
Việt Nam đang chuẩn bị tham gia WTO, những qui định phân biệt về quyền sở hữu giữa các nhà đầu tư sẽ dần bị loại bỏ. Các nhà đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu 100% cổ phần doanh nghiệp trong nước sẽ được cho phép trong tương lai và khi đó hoạt động mua bán hay chuyển nhượng doanh nghiệp sẽ sôi động. Cơ hội sẽ thực sự đến với những công ty kinh doanh doanh nghiệp “chết”.
Theo Minh Quang
VnEconomy