Một nữ doanh nhân phá cổ thành Bắc Kinh?

Một nữ doanh nhân Trung Quốc được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới về lòng từ thiện và bảo vệ di sản lịch sử. Dư luận Trung Quốc lại mô tả bà là “sát thủ di tích lịch sử”. Sự thật ra sao?

Một nữ doanh nhân phá cổ thành Bắc Kinh?
Thành cổ Bắc Kinh đã trở thành một khu mua sắm sầm uất vào hàng bậc nhất thế giới - Ảnh: Chinaluxus

 

Trần Lệ Hoa, 71 tuổi, chủ tịch Tập đoàn quốc tế Phúc Hoa tại Hong Kong, được giới thiệu kèm theo thư “tiến cử” của ngôi sao điện ảnh Thành Long, trong đó có đoạn viết: “Tập đoàn bất động sản quốc tế Phúc Hoa mang đến cho bà tiền bạc, nhưng thành công của bà đến từ việc hiểu chân thành người dân, cống hiến cho giáo dục và nghệ thuật, ủng hộ hết mình cho sự nghiệp từ thiện”.

 

Bà Trần Lệ Hoa có người chồng kém bà 15 tuổi - ông Trì Trọng Thụy, là diễn viên chính thủ vai Đường Tam Tạng trong bộ phim Tây du ký (phiên bản năm 1986 do Lục Tiểu Linh Đồng thủ vai Tôn Ngộ Không).

 

Trùm bất động sản trở thành nhà từ thiện

 

Trần Lệ Hoa xuất thân cơ hàn, nghỉ học sớm và lập nghiệp từ bàn tay trắng. Năm 1981, bà bắt đầu phất lên nhờ kinh doanh bất động sản. Tạp chí Forbes bình chọn bà Trần là người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc năm 2012 với tổng tài sản lên đến 2,3 tỉ USD. Bà còn là đại biểu Hội nghị hiệp thương toàn quốc khóa VIII, IX, X, XI.

 

Kể từ khi bà Trần bỏ ra 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 31,7 triệu USD) xây dựng Viện bảo tàng Tử Đàn - bảo tàng gỗ tư nhân lớn nhất thế giới chuyên cất giữ các tác phẩm được làm từ loại gỗ tử đàn quý hiếm (cùng họ với gỗ sưa), bà trở nên nổi tiếng như cồn trong giới bảo vệ di tích ở Trung Quốc và nước ngoài.

 

Bà Trần từng trở thành “Nhân vật của năm” của tạp chí Life Week (Trung Quốc) và được ca ngợi là “người kiên quyết bảo vệ hutong”, tức các con hẻm nhỏ chạy ngang dọc len lỏi giữa các khu dân cư.

 

Một nữ doanh nhân phá cổ thành Bắc Kinh?
Bà Trần Lệ Hoa và chồng là nam diễn viên Trì Trọng Thụy - Ảnh: Tin Tức Tứ Xuyên

 

“Sát thủ” cổ thành Bắc Kinh?

 

“Thật không thể nào tin được tạp chí Time danh tiếng lại xướng danh kẻ hủy hoại hàng trăm di tích lịch sử vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới. Đây là một sự sỉ nhục đối với người Trung Quốc. Hành động vinh danh này chẳng khác nào cổ xúy người khác hủy hoại di tích - chuyên gia bảo vệ di tích Hoa Tân Dân phẫn nộ, và cho biết đã gửi thư yêu cầu tạp chí này giải thích rõ việc chọn lựa của mình - Tạp chí Time gọi bà này là nhà từ thiện, nhưng rõ ràng bà ta không hề từ thiện!”.

 

Theo Tân Hoa xã, năm con đường nhỏ thời nhà Nguyên (hutong) và hơn 400 tứ hợp viện, nơi cư trú trước kia của các nghệ nhân tài danh như Mai Lan Phương, Thẩm Tòng Văn..., đã bị san bằng dưới bàn tay “nhà từ thiện bảo vệ di tích” Trần Lệ Hoa.

 

Theo báo mạng Tin Tức Trung Quốc, khu vực hàng trăm di tích “có một không hai trên thế giới” này được mua vào năm 1999 giờ đã thành con đường mua sắm cao cấp Kim Bảo mà theo như lời quảng cáo của công ty này là có thể sánh ngang với các khu mua sắm thượng lưu như đại lộ số 5 của New York hay đại lộ Champs Élysées ở Paris. Tập đoàn Phúc Hoa đang rao bán các căn hộ và cửa hàng ở đây với giá 85.000-140.000 nhân dân tệ/m2 (tương đương 281-462 triệu đồng/m2).

 

“Niềm tự hào của những người dân Bắc Kinh đã bị vùi lấp” - bà Mạnh Tường Ái, một trong những người dân bị Tập đoàn Phúc Hoa cưỡng chế thu hồi đất, phẫn nộ.

 

Không những là một trùm bất động sản thế lực, bà Trần Lệ Hoa còn bị nghi ngờ đã thao túng cả giới truyền thông nước này. Ngày 10-5-2012, Tân Hoa xã đã gây xôn xao dư luận khi đăng bài về việc bà Trần Lệ Hoa bị nghi ngờ thao túng công luận, giả danh nhà từ thiện hủy hoại di tích. Thế nhưng chỉ một ngày sau đó, Tân Hoa xã lại khiến dư luận không ngớt hoài nghi khi xóa sạch bóng dáng bài báo này mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào.

 

Bài báo tố cáo bà Trần Lệ Hoa đã sử dụng tiền bạc và thế lực của mình để bịt miệng giới truyền thông. Năm 2005, bà Trần đã “buộc” được một tạp chí tại Thượng Hải và một tạp chí tại Hong Kong phải đưa ra lời xin lỗi vì đăng bài tố cáo các thủ đoạn làm ăn bất hợp pháp của Tập đoàn quốc tế Phúc Hoa trong các vụ cưỡng chế đất. “Truyền thông không dám đăng bất cứ bài viết nào phản bác bà Trần vì thế lực của bà ấy quá lớn” - trang tin Kinh Tế Trung Quốc dẫn lời một nhà báo giấu tên cho biết.

 

Theo Đông Phương

Tuổi trẻ