Một năm miệt mài, quyết liệt của Thủ tướng

Với khẩu hiệu thực thi là nói đi đôi với làm, hành động và hành động, Thủ tướng và Chính phủ ngày ngày miệt mài, quyết liệt, tháo gỡ, chấn chỉnh, xây dựng, thúc đẩy.

Một năm miệt mài, quyết liệt của Thủ tướng - 1

TS Lưu Bích Hồ cho rằng niềm tin của người dân và doanh nghiệp đang được lấy lại và vun đắp. Chính phủ khóa mới hoạt động đã được ba phần tư thời gian của năm. Với khoảng thời gian đó, thật chưa đủ để xem xét, đánh giá một cách thấu đáo những kết quả và sự chuyển biến của tình hình kinh tế, xã hội. Nhưng với những ghi nhận bước đầu, người dân và doanh nghiệp đã có thể cảm nhận được những điểm sáng và những gì chưa được.

Nghị quyết của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 đã khẳng định kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016 là tích cực, nay đã có những số liệu cuối cùng của năm càng cho thấy thành công rất đáng ghi nhận và khích lệ.

Kết quả đó được đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội trong nước có rất nhiều khó khăn của những năm trước để lại trên rất nhiều mặt từ tăng trưởng đến cân đối vĩ mô, đặc biệt là tài chính, ngân sách; doanh nghiệp trì trệ, bộ máy bất cập.

Trong khi đó, bối cảnh quốc tế, thị trường thế giới đã và đang biến động lớn, tăng trưởng kinh tế sụt giảm, thương mại trầm lắng, nhu cầu và giá cả nhiều mặt hàng quan trọng với kinh tế nước ta giảm mạnh… Đúng lúc đó, nông nghiệp lại gặp thiên tai. Sự cố môi trường biển 4 tỉnh Miền Trung gây ra nhiều hậu quả.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, Chính phủ mới đã nắm bắt kịp thời, đưa ra những quyết định quan trọng và hành động quyết liệt. Việc đầu tiên, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã triển khai một loạt các cuộc gặp doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lắng nghe ý kiến và kiến nghị đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng với đó, Thủ tướng và Chính phủ đã làm việc ngay với lãnh đạo các ngành, các địa phương có liên quan để lắng nghe, đưa ra các quyết định chính sách và giải pháp mới đi cùng với việc triển khai thực hiện. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách mạnh các thủ tục hành chính không cần thiết cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Thông điệp được đưa ra là quyết xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp. Khẩu hiệu thực thi là nói đi đôi với làm, hành động và hành động. Cứ theo đó, công việc của Thủ tướng và Chính phủ ngày ngày miệt mài, quyết liệt, tháo gỡ, chấn chỉnh, xây dựng, thúc đẩy.

Đặc biệt, một hình thức mới ra đời giúp Thủ tướng điều hành là Tổ công tác của do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đứng đầu, bám sát các quyết định, nhiệm vụ, đi đến từng ngành, địa phương trọng điểm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc. Đó là cách làm việc rất thiết thực đem lại kết quả và hiệu quả ngay và liên tục. Người dân, doanh nghiệp, các ngành, các địa phương hoan nghênh cách làm việc mới đó. Tình hình đã được cải thiện, không khí mới được tạo ra, niềm tin đang được lấy lại và vun đắp.

Vậy hạn chế và điểm nghẽn có còn không và ở đâu? Đã nhiều năm, bây giờ càng thấy rõ hơn điểm nghẽn là ở tổ chức bộ máy và con người – cán bộ. Nhiều quyết định không được triển khai như mong muốn, chậm trễ, dừng lại, kéo dài. Hiệu suất, hiệu quả của bộ máy chưa có chuyển biến rõ rệt. Điều này không chỉ tùy thuộc Chính phủ mà ở cả hệ thống, nhưng Chính phủ cần đi đầu, đột phá, tháo cởi dù chỉ trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình. Không giải quyết được vấn đề này, không thể tiếp tục tiến lên được.

Điều có thể khẳng định là, dù hoàn cảnh khó khăn trong nước và bất định chưa thể lường trước trên thế giới như thế nào, con đường và giải pháp tốt nhất vẫn là kiên trì và tiếp tục cải cách đổi mới toàn diện, sâu rộng, phù hợp với tình hình và bối cảnh mới.

Năm 2016, vừa tròn 30 năm Đổi mới. Mong rằng năm 2016 đã in dấu ấn mới sẽ khởi đầu cho quá trình đổi mới tiếp theo, đưa đất nước ta thật sự đi vào sự phát triển bền vững, bao trùm.

Năm 2017, nối tiếp những thành quả đã đạt được của năm 2016, vượt qua những khó khăn, thách thức đang hiện hữu và sẽ còn nảy sinh mới, kinh tế và xã hội nước ta sẽ tiếp tục đứng vững, ổn định, tăng trưởng khá hơn. Các quyết sách đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đưa ra nhất định phải được thực hiện.

Các trọng điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ nên được tập trung vào giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết nợ xấu, kiểm soát nợ công dưới trần, linh hoạt tỷ giá và lãi suất trong biên độ cho phép.

Làm tốt việc tái cơ cấu ngành, nông nghiệp nông thôn đi nhanh vào hiện đại hóa, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Tất cả các ngành đều gia tăng tốc độ ứng dụng công nghệ mới, trước hết là công nghệ thông tin.

Đẩy nhanh cổ phần hóa và đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước đi cùng với khuyến khích hỗ trợ mạnh kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp; điều chỉnh, lựa chọn, nâng cao thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Sự đồng bộ của các ngành các cấp, sự đồng hành và kết nối của doanh nghiệp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tiếp tục cải cách, đổi mới, đột phá vào các khâu then chốt, đó phải là phương hướng hành động nhất quán, liên tục.

Theo TS. Lưu Bích Hồ
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chinhphu.vn