1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Một loạt lãnh đạo doanh nghiệp thuộc Vinalines bị bắt

Cơ quan công an vừa quyết định khởi tố vị can và bắt tạm giam một số lãnh đạo Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines và các doanh nghiệp liên quan về hành vi tham ô tài sản.

Ngày 7/2, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với các ông Trần Hải Sơn - tổng giám đốc, Trần Văn Quang - trưởng phòng kế hoạch Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, Trần Bá Hùng - phó trưởng bộ phận vỏ thuộc Công ty TNHH Hyundai Vinashin, Phạm Bá Giáp - giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân. Các bị can này đều bị khởi tố về hành vi tham ô tài sản.

 

Trước đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) liên quan đến sai phạm trong việc mua và sửa chữa ụ nổi thuộc dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam.

 

Tháng 6/2007, chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines phê duyệt chủ trương lập dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng. Tháng 10/2007, chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines phê duyệt mua một ụ nổi cũ sản xuất tại nước ngoài từ năm 1965, tổng mức đầu tư hơn 14 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó Vinalines thay đổi phương án mua bằng cách chi 9 triệu USD mua ụ, thuê vận chuyển về VN hết 4,5 triệu USD.

 

Khi thiết bị này được vận chuyển về, Vinalines giao Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines sửa chữa. Công ty chi 193 tỉ đồng, trong đó thuê Nhà máy Hyundai Vinashin Nha Trang sửa chữa hết 97 tỉ đồng, thuê một số đơn vị sửa chữa hết 96 tỉ đồng. Chi phí sửa chữa tại VN đắt hơn việc mua và sửa chữa ở nước ngoài, vận chuyển về nước khoảng 10 triệu USD.

 

Theo cơ quan công an, sở dĩ việc giá thành sửa chữa trong nước cao gấp nhiều lần nước ngoài vì trong quá trình sửa chữa, một số cá nhân tại Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines đã “gửi giá” nguyên vật liệu sửa chữa nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Theo đó, mỗi cân thép hàn các bị can Sơn và Quang yêu cầu ông Trần Bá Hùng cộng thêm 10.000 đồng. Các bị can này còn nâng khống khối lượng sắt hàn trên hồ sơ quyết toán nhằm tham ô tài sản của Nhà nước.

 

Để rút được tiền chuyển cho bị can Sơn và Quang, Trần Bá Hùng đã thông qua Công ty TNHH Nguyên Ân do Phạm Bá Giáp làm giám đốc để làm hợp đồng, chứng từ thanh quyết toán. Qua đó, Hùng rút tiền và chuyển hơn 1,5 tỉ đồng cho Trần Văn Quang, chi cho Phạm Bá Giáp 50 triệu đồng.

 

Theo Minh Quang

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm