Một lạng hóa chất thành 2.000 ly cà phê
Một lạng hóa chất mua với giá 35.000 đồng có thể được dùng để chế 2.000 ly bảo đảm có vị đắng và mùi thơm của cà phê, nhân viên một cửa hàng hương liệu, phụ gia thực phẩm ở Đà Nẵng nói với phóng viên.
Tại TP Đà Nẵng, hàng chục cửa hàng bày bán hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Đủ loại hóa chất, phụ gia không nhãn mác
Cuối tháng 9, theo chân Tổ liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Đà Nẵng, chúng tôi có mặt tại cửa hàng hóa chất lớn trên đường Điện Biên Phủ. Cửa hàng của Cty CP KHCN Việt Mỹ. Tại đây, hàng chục loại hóa chất công nghiệp không nhãn mác được bày bán công khai, bên cạnh là những loại phụ gia, hương liệu dùng để chế biến thực phẩm, đồ uống.
Trong cửa hàng, mùi hóa chất nồng nặc khiến những người không quen xây xẩm mặt mày. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đã sang chiết, đóng chai rồi dán nhãn các loại nước rửa chén, nước lau sàn nhà, toa lét… từ những thùng hóa chất lớn, bên trong không rõ hóa chất gì. Các loại nước này, sau khi sang chiết được đóng chai bán với giá 8.000 - 11.000 đồng/lít. Nhân viên cửa hàng cho hay, khách hàng chủ yếu là nhà hàng, khách sạn, bếp ăn khu công nghiệp.
Cửa hàng còn sang chiết các loại bột hóa chất vào các bao bì nhỏ không đúng với mẫu mã ban đầu của nhà sản xuất; trên các bình hóa chất không có bảng thông tin phụ bằng tiếng Việt… Bên trong cửa hàng có một phòng chứa hóa chất với ngổn ngang bao bì, chai lọ. Cơ sở này còn có một lượng lớn chất bột dạng pha lê màu trắng có ghi chữ Sodium Metabisulfite (N2S2O5). Từ những bao lớn, chất bột này được chia nhỏ, nhân viên tự đóng gói và tự dán nhãn mác để phân phối ra thị trường dùng làm chất chống oxy hoá và chất bảo quản trong thực phẩm. Qua tham khảo một số tiểu thương buôn bán tại các chợ, nhiều khả năng loại bột trên đã được dùng để làm trắng và bảo quản bắp chuối xắt thời gian gần đây, tựa như chất vàng ô dùng để bảo quản măng tươi.
Theo Tổ công tác, cửa hàng đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Nghị định 67 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế, trong đó yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải bảo quản riêng biệt từng loại phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.
Bên cạnh những thùng hóa chất lớn là những bao bì dán nhãn phụ gia và hương liệu dùng trong chế biến thực phẩm, nước uống như: chất tạo màu, bảo quản và giữ màu, chất tạo giòn, tạo đông, tạo hương thơm các loại thịt…Riêng các loại màu thực phẩm được bán với giá 240.000 - 520.000 đồng/kg. Có hai loại nước và bột để khách hàng lựa chọn.
Nhân viên của cửa hàng nói rằng, các loại phụ gia và hương liệu chế biến chỉ là hàng mẫu cho khách tham khảo. Nếu khách có nhu cầu, cửa hàng sẽ nhập về để bán. Các loại hóa chất này chủ yếu được đưa về từ TPHCM.
Nhân viên cửa hàng hóa chất trên đường Lê Duẩn giới thiệu về loại “Cafe Mỹ”: chỉ cần 35.000 đồng có thể chế được 2.000 ly cà phê;Ảnh: Nguyễn Thành.
Một giọt hóa chất thành 1 ly cà phê
Theo chân T., từng là chủ một quán cà phê cóc ở quận Thanh Khê, chúng tôi có mặt tại một cửa hàng hóa chất, phụ gia ở đường Lê Duẩn. T. là khách ruột của quán, chuyên mua các loại hương liệu, phụ gia phục vụ việc chế biến cà phê, đồ uống. Cửa hàng rộng khoảng 15m2, xung quanh chi chít chai lọ đựng hóa chất và phụ gia thực phẩm; mùi hóa chất nồng nặc. Có hai người đàn ông đứng bán cửa hàng.
T. giới thiệu chúng tôi với chủ quán: “Anh em mới mở quán cà phê nhưng vì giá mặt bằng quá cao, nên cần mua hương liệu và phụ gia dùng để pha chế”. Không chút nghi ngại, nam thanh niên xách một can nhựa lớn giấu từ hộc bàn đặt lên giới thiệu. Trên can nhựa có nét chữ nguệch ngoạc “Cafe Mỹ”. Mở nắp can cho khách ngửi, nam thanh niên nói: “Đây là hương cà phê Mỹ chính gốc. Chỉ cần một giọt là đủ tạo hương cho ly cà phê đầy”. Thấy khách nghi ngờ về nguồn gốc, nam thanh niên này quả quyết: “Cà phê Mỹ, chất lượng đảm bảo. Cứ an tâm”. Chúng tôi thắc mắc việc “đảm bảo” nhưng sao lại phải giấu đi, anh này bối rối: “Giấu đi là để qua mắt quản lý thị trường. Họ (quản lý thị trường) vào hỏi thì nói không có. Anh em quen biết, chúng tôi mới bán”. Giá loại “Cafe Mỹ” này được cửa hàng bán với giá 350.000 đồng/kg.
“Anh em mới lần đầu nên mua 1 lạng dùng thử thôi. Đảm bảo khách uống cà phê sẽ mê”, nam thanh niên vừa nói vừa chiết hương liệu qua chai nước suối nhỏ, cân đúng 1 lạng (35.000 đồng) rồi đưa cho khách. Hỏi về cách sử dụng, người này hướng dẫn: mang về rồi chiết qua lọ thuốc nhỏ mắt. Khi pha cà phê chỉ cần nhỏ 1 giọt vào phin pha thì đảm bảo có vị đắng và thơm của cà phê dù đã pha chế mấy lần. Anh này còn dặn: dùng nhớ khôn khéo, dùng xong nhớ giấu đi. “Cứ yên tâm mà dùng. Chỉ cần 1 lạng, các anh có thể chế được cho 2.000 ly cà phê”, nam nhân viên nói.
Theo T., dùng loại hương liệu này sẽ đem lại siêu lợi nhuận bởi nếu một phin cà phê sau nước đầu tiên sẽ nhạt và mất dần mùi vị, nhưng chỉ cần nhỏ một giọt này vào thì mùi vị của cà phê sẽ như ban đầu, khách không thể phân biệt đâu là cà phê thật, đâu là cà phê đã pha chế phụ gia, hương liệu.
Ngoài loại “Cafe Mỹ”, cửa hàng còn bày bán nhiều loại phụ gia và hương liệu khác như: hương chanh, trà xanh, trà sữa, hương đậu xanh…Tất cả đều được đựng trong những can nhựa lớn và được dán giấy, viết chữ bên ngoài.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến một cửa hàng khác trên đường Ông Ích Khiêm (cạnh chợ Cồn) nơi bày bán hàng trăm loại hóa chất, phụ gia và hương liệu. Tại đây, một nhân viên nữ giới thiệu một loại bột hương liệu dùng để pha chế khi rang cà phê nguyên chất. Đó là một thứ bột sẫm màu, không nhãn mác.
“Giờ người ta thích uống cà phê hạt rang rồi xay nguyên chất. Trước khi rang, chỉ cần tẩm qua hạt cà phê bằng thứ bột này, đảm bảo cà phê sẽ tăng mùi hương. Cà phê nguyên chất thường rất khó uống và ít mùi. Quan trọng khi rang, các em phải biết cách tẩm bột sao cho khéo”, nữ nhân viên cửa hàng nói. Thấy khách hỏi nhiều mà không mua, cô này bực bội chỉ tay qua đường Đào Duy Từ đối diện rồi nói: “Qua bên đó, thứ gì cũng có”.
Đúng như lời chỉ dẫn, cửa hàng trên đường Đào Duy Từ là một chợ hóa chất thu nhỏ. Nhân viên ở đây tỏ ra khá dè dặt khi thấy khách lạ. Khi chúng tôi hỏi về giá cả cũng như thông tin về các loại hóa chất, phụ gia, hương liệu, chủ cửa hàng tỏ ra bực bội: “Mua gì thì nói nhanh. Ở đây cái gì chả có. Đừng hỏi nhiều mất thời gian, khách đông đang chờ”.
Bốc thăm để kiểm tra bất ngờ
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, trong 3 tháng vừa qua, Tổ công tác ATVSTP đã tấn công mạnh thực phẩm bẩn theo phương pháp thống kê các cơ sở chế biến, cung cấp trong diện nguy cơ cao và kiểm tra đột xuất. Để hạn chế việc lộ lọt thông tin, ông Thơ chỉ đạo lực lượng chức năng bốc thăm trúng tên cơ sở nào thì lập tức kiểm tra cơ sở đó. Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ viết tên cơ sở lên các mảnh giấy, trước giờ kiểm tra thì bốc thăm.
Theo Tổ công tác, sáng kiến của Chủ tịch UBND thành phố đã phát huy tác dụng, chấm dứt được việc chưa kiểm tra mà chủ cơ sở đã biết, để đối phó. Theo ông Nguyễn Văn Hoà, Tổ phó Tổ công tác, danh sách các địa điểm kiểm tra được phân thành 3 nguy cơ gồm đỏ, vàng, xanh theo thứ tự ưu tiên giải quyết những bức xúc của người dân đối với các vấn đề nóng. Có đợt sẽ ưu tiên bếp ăn tập thể, đợt khác lại đánh mạnh chất phụ gia, bảo quản… Mỗi tuần, Tổ sẽ kiểm tra 8-10 cơ sở, cửa hàng. Trước khi bốc thăm, các thành viên trong tổ cũng không biết là mình sẽ đi đâu. “Phương pháp này hiệu quả và sẽ được tiếp tục thực hiện thường xuyên ”, ông Hòa cho biết.
Việc kiểm tra đột xuất tại các cửa hàng cũng chỉ mới dừng lại ở việc kiểm tra trực quan, bằng mắt thường. Tại cửa hàng của Cty CP KHCN Việt Mỹ, tổ kiểm tra cũng chỉ lập biên bản đơn vị này về hành vi không bảo quản riêng biệt từng loại phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến gây ra nguy cơ ô nhiễm chéo cao. Tổ kiểm tra chỉ lấy một mẫu phẩm chất bột màu trắng có ghi chữ Sodium Metabisulfite để xét nghiệm. Riêng hàng trăm loại hóa chất, đặc biệt là phụ gia, hương vị không được đề cập đến.
Theo: Nguyễn Thành
Tiền Phong