Một con bò chết cần 5 chữ ký xác nhận!

(Dân trí) - Bảo hiểm nông nghiệp được thí điểm tại Việt Nam từ năm 2011. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc ban hành các hướng dẫn thực hiện, lợi nhuận bảo hiểm thấp và sự hạn chế về hiểu biết của người dân đang đặt những người trong cuộc vào thế bí.

Ngành nông nghiệp ngày càng khẳng định vị thế và vai trò đối với nền kinh tế nước ta khi nông nghiệp đóng góp 20% vào GDP, xuất khẩu nông sản chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta và nông nghiệp tạo công ăn việc làm cho 70% dân số cả nước.

Trước những rủi ro gia tăng với ngành nông nghiệp như tác động của hội nhập, thiên tai, dịch bệnh và những thay đổi của thị trường, việc bảo vệ cho người nông dân là yêu cầu quan trọng và bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là một giải pháp nhằm tạo “áo giáp” mới cho người nông dân.

Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản là ba lĩnh vực được bảo hiển nông nghiệp (Ảnh minh họa)
Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản là ba lĩnh vực được bảo hiển nông nghiệp (Ảnh minh họa)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Bộ Tài chính cho biết, theo Quyết định số 315 ban hành ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, BHNN được thực hiện thí điểm với ba lĩnh vực của ngành nông nghiệp là: trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản tại 20 địa phương trên cả nước như Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Dương, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau… nhằm hỗ trợ các rủi ro về thiên tai và dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp.

Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm với các hộ nghèo, 90% với các hộ cận nghèo, 60% với các hộ nông dân khác. Có 3 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình thí điểm này là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Công ty CP Bảo hiểm Bảo Minh và Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam.

3 năm thực hiện...1,5 năm làm chính sách

Chương trình thí điểm BHNN sẽ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2013. Điều này có nghĩa về mặt hình thức BHNN sẽ được thí điểm trong 3 năm nhưng trên thực tế việc thực hiện chỉ kéo dài khoảng 1,5 năm do sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện.

Tháng 3/2011 Chính phủ ban hành QĐ 315 về việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013, nhưng ba tháng sau Bộ NN&PTNT mới ban hành thông tư số 47 hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN. Mãi đến tháng 12/2011 Bộ Tài chính mới ban hành Quyết định số 3035 về quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm BHNN; và tháng 8/2012 Bộ NN&PTNT mới ban hành Thông tư số 43 sửa đổi, bổ sung một số điều của TT 47 về BHNN.

“Sự chậm trễ này làm cho các nhà quản lý, các công ty bảo hiểm và cả người nông dân lung túng trong quá trình triển khai thí điểm BHNN,” TS Trần Công Thắng, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn – IPSARD nhận định tại Hội thảo về "Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế" diễn ra sáng 13/11 tại Hà Nội.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/8/2013, có 316.545 hộ nông dân tham gia BHNN với tổng doanh thu phí bảo hiểm trực tiếp trên 20 địa phương là 339.576 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm là 6.434 tỷ đồng và số tiền bồi thường đã chi trả cho người dân là 588,5 tỷ đồng.

Do BHNN gặp rủi ro cao, nhất là ngành thủy sản, và doanh thu từ bảo hiểm chỉ chiếm 0.02% tổng doanh thu bảo hiểm nên các công ty bảo hiểm không mặn mà với hoạt động tái bảo hiểm. Năm 2012 Chính phủ quyết định tăng phí BH với ngành thủy sản lên 41% và giảm 10% chi phí quản lý với doanh nghiệp BH nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia BHNN.

Việc thực hiện BHNN gặp nhiều khó khăn do cơ chế cồng kềnh, việc thành lập quá nhiều ban chỉ đạo đã làm tăng chi phí thực hiện, thủ tục thì phức tạp gây khó khăn và kéo dài thời gian bồi thường BH. Ở Bạc Liêu, người nuôi tôm vẫn chưa nhận được bồi thường bảo hiểm mặc dù những rủi ro trong sản xuất đã xảy ra cách đó 10 tháng.

“Có những trường hợp để xác định nguyên nhân một con bò chết cần tới 5 chữ ký của các bên liên quan trong đó có cả chủ tịch xã mặc dù họ không hề có chuyên môn về thú y. Có tới 33% hộ tham gia BHNN ở Hà Nội không được đền bù khi bò chết do các bệnh liên quan đến sinh sản, không nằm trong phạm vi được bảo hiểm,” TS Thắng cho biết.

Hiện vẫn còn thiếu những cơ chế hỗ trợ tài chính cho các bộ xã và thiếu quy định về bên chịu chi phí xét nghiệm cũng gây khó khăn trong quá trình triển khai. Do hiểu biết của người dân về BHNN còn hạn chế nên họ cũng ngại tham gia BH, đa số người dân đều muốn được trợ cấp 100% phí BH.

Để cải thiện tình hình trên, phủ cần có chính sách đa dạng hóa các loại hình BHNN và mở rộng phạm vi bảo hiểm để tạo thêm nhiều lựa chọn cho người dân.

Nhằm nâng cao năng lực quản lý BHNN và phát triển liên kết công tư (PPP) ở Việt Nam, Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha tại Việt Nam (AECID) đã hỗ trợ IPSARD thực hiện dự án Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý rủi ro BNHH thông qua liên kết công tư. Theo đó, Việt Nam sẽ học hỏi kinh nghiệm quản lý BHNN của Tây Ban Nha để góp phần hoàn thiện khung chính sách và đưa vào áp dụng sau khi dự án hoàn thành vào năm 2015.

Thảo Nguyên

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước