Một cổ phiếu tăng 93% trong 4 phiên: Ngỡ ngàng hiện tượng lạ!
(Dân trí) - Bất chấp VN-Index để vuột mất ngưỡng 1.000 điểm trong ngày hôm qua do áp lực bán mạnh, thị trường giao dịch lình xình thì trên UPCoM có một mã cổ phiếu vẫn tăng giá sốc. Chỉ trong 4 phiên giao dịch, mã này đã tăng giá gần gấp đôi.
Bất ngờ đã diễn ra trong phiên giao dịch hôm qua (30/9). Chỉ số VN-Index sau khi bứt phá, chinh phục xong ngưỡng 1.000 điểm thì bất ngờ đã “rơi tự do” vào những phút cuối và ấn định mức giảm 1,28 điểm tương ứng 0,13% còn 996,56 điểm. Trong khi đó, trên sàn HNX, chỉ số đi ngang, tăng nhẹ 0,28 điểm tương ứng 0,27% lên 105,05 điểm.
Thanh khoản đạt 176,21 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.853,86 tỷ đồng và hơn 21 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 287,83 tỷ đồng.
Với áp lực bán mạnh, nhiều cổ phiếu đã nhuốm đỏ trong phiên cuối tháng 9. Nếu như trong phần lớn thời gian phiên giao dịch hôm qua, độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã tăng giá thì kết phiên, số lượng mã tăng giảm cân bằng với 310 cổ phiếu giảm, 27 mã giảm sàn cùng 323 mã tăng, 45 mã tăng trần.
Trong số cổ phiếu đảo chiều có những mã lớn và có ảnh hưởng tiêu cực là VCB, BID, SAB, MSN, MWG. Ngược lại, một số mã vẫn duy trì trạng tháng tăng là GAS, HVN, BVH, HDB.
Trong phiên hôm qua có một mã cổ phiếu rất đáng chú ý là EME của Công ty cổ phần Điện cơ. Mã này giao dịch trên UPCoM và gần như không có thanh khoản trong suốt thời gian qua, cho tới phiên 25/9.
Chỉ trong 4 phiên trở lại đây, EME đã tăng giá một cách “thần tốc” đến mức khó hiểu, trong đó có 3 phiên tăng trần liên tiếp (25/9; 26/9; 27/9). Hôm qua, mã này tăng thêm 5.700 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng 11,56% lên mức giá 55.000 đồng. Cuối phiên, mọi lệnh bán và lệnh mua đều được “quét sạch” nhưng khớp lệnh chỉ đạt 1.000 cổ phiếu.
Với 4 phiên tăng mạnh vừa qua, EME đã ghi nhận tăng tới 26.500 đồng/cổ phiếu, biên độ tăng giá tổng cộng tới 92,98% (tức gần gấp đôi). Đây là một tỷ lệ tăng giá không khỏi gây sửng sốt với bất cứ nhà đầu tư chứng khoán nào, đặc biệt trong bối cảnh chỉ số “lình xình” trong thời gian gần đây.
Công ty cổ phần Điện cơ là một doanh nghiệp hoạt động chính trong các lĩnh vực sản xuất trụ bê tông, sản phẩm vật tư thiết bị cơ khí phục vụ đường dây trên không, vật tư viễn thông, thân trụ thép trạm biến áp một cột; thi công xây lắp (trung - hạ thế; cao thế; hệ thống điều khiển tự động, thị công công nghệ cao)…
Theo báo cáo thường niên năm 2018, công ty này có vốn điều lệ 37,8 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn sở hữu 53% vốn. Thời điểm mới lên sàn hồi tháng 7/2017, Tổng công ty Điện lực TPHCM nắm 38,44% vốn điều lệ của EME, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh Điện lực TPHCM nắm 13,23% vốn, Công ty cổ phần Siêu Thanh nắm 6,85% vốn và cổ đông Lâm Tích Đường nắm 5,82% vốn điều lệ.
Cổ phiếu EME đang có diễn biến "lạ" trong 4 phiên trở lại đây
Tuy chỉ số thêm một lần “lỗi hẹn” với ngưỡng 1.000 điểm song VDSC cho rằng, tình hình chung chưa trở nên bi quan khi dòng tiền vẫn đang hiện diện khá tích cực ở nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dẫn dắt thời gian qua là ngân hàng vẫn đang khá tích cực.
Nhóm phân tích cho rằng, nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu dự báo có kết quả kinh doanh quý 3 tốt mà không cần quá quân tâm đến chỉ số chung.
Trong khi đó, BVSC cho rằng, thị trường dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh trong một vài phiên tới. VN-Index có thể sẽ giảm về kiểm định vùng 990-995 điểm, tại đây chỉ số sẽ cần thời gian tích lũy để tạo đà trước khi được kỳ vọng sẽ quay lại quá trình tăng điểm và breakout thành công qua ngưỡng cản tâm lý quan trọng 1.000-1.005 điểm.
Theo nhận xét của BVSC, diễn biến thị trường có sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu. Áp lực chốt lời gia tăng đáng kể khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 1.000-1.005 điểm. Các mã trụ kéo trong các phiên trước như VCB, BID, VNM… đều xuất hiện nhịp điều chỉnh.
Dòng tiền luân chuyển từ những nhóm đã có nhịp tăng trước đó sang để sang nhóm dầu khí, hàng không và bảo hiểm tuy nhiên không đủ mạnh khiến chỉ số bị giảm. Sự phân hóa có thể tiếp diễn trong một vài phiên kế tiếp, sau đó nếu chỉ số vượt được ngưỡng cản 1000-1005 điểm, sẽ có sự đồng thuận hơn giữa các nhóm ngành.
Chiến lược đầu tư được đưa ra là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 40-50% cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư vẫn đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, tiếp tục canh bán trading giảm tỷ trọng về mức an toàn trong các nhịp tăng điểm của thị trường.
Trong kịch bản thị trường bứt phá thành công qua vùng kháng cự 1.000-1.005 điểm, có thể thực hiện cover lại các vị thế đã bán hoặc mở các vị thế mua mới nâng tỷ trọng cho danh mục trong các nhịp điều chỉnh sau đó của thị trường.
Mai Chi