Moody's giữ triển vọng ổn định đối với Sacombank

(Dân trí) - Năng lực tín dụng độc lập của Sacombank tiếp tục được Moody’s đánh giá ở mức E+. Kết quả này được được đưa ra khi Sacombank chốt quý II với mức sụt giảm lợi nhuận sau thuế trên 17% so cùng kỳ.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s trong đợt rà soát lại mới đây đã tiếp tục giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với triển vọng ổn định.

Kết quả này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam vừa bị giảm 10 bậc xuống vị trí thứ 75 trong số 144 nền kinh tế về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2012 - 2013 (được đánh giá bởi Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF).

Theo đó, năng lực tín dụng độc lập của Sacombank tiếp tục được Moody’s đánh giá ở mức E+, tương đương với xếp hạng tín nhiệm dài hạn ở mức b1.

Moody's giữ triển vọng ổn định đối với Sacombank

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hoạt động thanh tra nghi vấn thâu tóm đối với Sacombank dự kiến kết thúc vào cuối tháng 8 và sẽ công khai kết quả sau đó.

Quyết định giữ nguyên hạng tín nhiệm đối với Sacombank còn được Moody’s xem xét dựa vào các yếu tố: chất lượng tài sản suy giảm xét theo số lượng nợ xấu được công bố (NPLs) cũng như nợ xấu tiềm năng và tỷ lệ dự phòng thất thoát vốn vay đang giảm. Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ rủi ro cũng như tỷ lệ cho vay tập trung một khách hàng đơn lẻ có mức độ vừa phải so với các ngân hàng trên thế giới, trong khi những thách thức gắn liền với môi trường kinh doanh trong nước chưa thuận lợi.

Theo báo cáo tài chính của Sacombank, tỉ lệ nợ xấu tại ngày 30/6 của ngân hàng này ở mức 1,29% tổng dư nợ so mức hồi cuối năm ngoái là 0,58%.

Ngoài ra, định hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ của Sacombank được Moody’s đánh giá ở mức B1/B2. Moody’s cũng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 của Sacombank cao hơn các ngân hàng nội địa khác và trạng thái thanh khoản của Sacombank đang có cải thiện, nguyên nhân chính là do tiền gửi cá nhân và tổ chức tăng trưởng 16%, trong khi danh mục cho vay thu hẹp khoảng 3% so với đầu năm.

Trong khi đó, số liệu trong báo cáo tài chính của Sacombank cho thấy, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của ngân hàng này âm 0,33%.

Tại đợt rà soát lần này, Moody’s cũng ghi nhận, Sacombank đang có lợi thế là mạng lưới điểm giao dịch, ATM có độ phủ cao, tổng tài sản đứng thứ 6 ở Việt Nam, tín dụng tiêu dùng chiếm 1/3 danh mục cho vay, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với tỷ lệ bình quân toàn ngành và tỷ lệ dự phòng thất thoát vốn vay cao trên mức trung bình.

Chốt quý II/2012, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã STB) giảm 103,5 tỷ đồng so cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức giảm 17,47%, chỉ đạt 489 tỷ đồng.

Quy định tại Thông tư 52 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán yêu cầu, trường hợp lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa báo cáo quý của kỳ công bố so với cùng kỳ nếu biến động từ 10% trở lên hoặc kết quả kinh doanh trong quý bị lỗ, tổ chức niêm yết sẽ phải giải trình rõ nguyên nhân trong báo cáo tài chính của quý đó. Ở đây, biến động lợi nhuận sau thuế của Sacombank dao động tới trên 17%.

Hiện tại, bên cạnh vấn đề lợi nhuận thì xung quanh những vấn đề phức tạp trong nghi vấn "có hay không việc thâu tóm ngân hàng Sacombank", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra đối với ngân hàng kể từ tháng 7 vừa rồi, đến tháng 8 thanh tra xong và sẽ đăng tải công khai nội dung cơ bản của thanh tra.

Thống đốc Bình cũng lật lại vấn đề "Lấy tiền đâu ra để thâu tóm Sacombank?". Theo đó, những nhân tố đứng sau thâu tóm Sacombank chưa được báo cáo lên NHNN. Do hoạt động thâu tóm diễn ra trên thị trường chứng khoán, có tính chất biến động từng thời điểm trong ngày, do vậy, chỉ đến khi đại hội cổ đông mới biết chính xác 1 cổ đông nắm giữ bao nhiêu cổ phần.

Mai Chi