“Mong Quốc hội ủng hộ kế hoạch giải cứu bất động sản”
(Dân trí) - “Các câu hỏi của đại biểu rất có trách nhiệm, không hề… ép”, “BĐS là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, mong Quốc hội ủng hộ hướng giải cứu của Chính phủ”… Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ về phiên chất vấn và rất nhiều tâm huyết của mình.
Trong phiên chất vấn vừa kết thúc, Bộ trưởng đưa ra một dự báo lạc quan cho thị trường bất động sản là dù không thể nói chắc về việc tháo gỡ khó khăn triệt để nhưng thị trường chắc chắn sẽ ấm dần cùng với việc phục hồi kinh tế. Năm tới có thể là thời điểm thị trường tan băng?
Hiện chúng ta đang cố gắng làm cho nó ấm lên nhưng phải nói thị trường bất động sản rất khó khăn, phụ thuộc vào sự tập trung, quyết tâm của trước hết các doanh nghiệp, sau đó là của các cơ quan quản lý, của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Mà sự vào cuộc của địa phương rất quan trọng, nếu không nói là quyết định.
Cụ thể cần vào cuộc thế nào, hướng nào cho hiệu quả?
Tại sao chỉ đặt vấn đề chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong khi họ không chỉ là nạn nhân, thậm chí cũng là “tội nhân” dẫn đến bong bóng bất động sản vừa qua. Nhiếu ý kiến cho rằng, thay vì giải cứu doanh nghiệp, nên tập trung hỗ trợ người dân, xem đây là cơ hội để giúp họ mua được nhà, cũng sẽ là thao tác kích cầu thị trường từ người tiêu dùng?
Đúng vậy. Kích cầu bất động sản chính là kích cầu từ người tiêu dùng. Mà muốn kích cầu người tiêu dùng không có nghĩa mang cho người ta tiền mà giá rẻ chính là kích cầu. Như tôi đã nói, phát triển bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng chuyển từ căn hộ cao cấp, trung cấp, xuống căn hộ bình dân hoặc chuyển dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, cũng là hỗ trợ người dân.
Khi đó, doanh nghiệp được giảm, miễn tiền sử dụng đất, cũng chính là gián tiếp một gói kích cầu, dùng một gói tiền của Chính phủ gián tiếp “rót” cho người dân. Giảm giá nhà xuống là hỗ trợ cho người dân một khoản tiền, nhưng không trực tiếp. Cộng với việc các căn hộ được cơ cấu lại hợp lý sẽ phù hợp vớ đại đa số thanh toán của người dân.
Làm việc này vừa đạt được ý nghĩa kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nền kinh tế đi lên sẽ chia đều lợi ích cho người dân, người không mua nhà cũng được lợi. Ngoài ra những người mua nhà trực tiếp thì được lợi hơn. Tức chúng ta đã hướng tháo gỡ khó khăn bất động sản vào những người nghèo, để người nghèo được cải thiện nhà ở. Chúng ta vừa làm nhiệm vụ kinh tế, vừa kỹ thuật, vừa chính trị, vừa nhân văn.
Trước Quốc hội ông cũng đã đề xuất những cơ chế mạnh mẽ hơn để “giải cứu” thị trường với sự tham gia của cả Quốc hội, Thường vụ Quốc hội như việc giảm thuế VAT cho người mua nhà lần đầu để ở. Nếu UB Thường vụ không chấp nhận đề xuất này, kế hoạch kích cầu bất động sản có “tắc” ?
Có nhiều yếu tố đầu vào để kích cầu, trong đó có nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội. Giảm tiền sử dụng đất là một yếu tố. Hỗ trợ người dân bằng cách giảm thuế VAT là một cách hỗ trợ, rõ ràng nếu không giảm thì sẽ giảm nguồn kích cầu.
Bộ trưởng có hy vọng UB Thường vụ sẽ thông qua đề xuất này?
Tôi mong muốn UB Thường vụ, Quốc hội ủng hộ, quyết định việc này. Đây là công việc lớn. Bất động sản là một lĩnh vực xương sống của nền kinh tế. Nó tạo ra tài sản cố định của nền kinh tế trên các lĩnh vực hạ tầng, sản xuất, ở, xã hội, dịch vụ...
Với những giải pháp khuyến khích đã áp dụng, giá nhà đất tại Hà Nội đang hạ nhiệt, giảm giá. Nhưng cũng lại phát sinh vấn đề khi có doanh nghiệp đưa ra giá chung cư hơn 10 triệu/m2, lập tức nổ ra tranh luận về việc phá giá thị trường, đến giờ vẫn chưa có cơ quan phân giải. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
Việc phá giá thị trường thì chúng ta chưa nghiên cứu kỹ vấn đề đó. Nhưng chắc chắn doanh nghiệp có tính toán để giải tỏa nợ xấu. Tuy nhiên, giá cả chắc cũng phải hợp lý với họ.
Được biết Hà Nội đang vào cuộc kiểm tra vấn đề bán phá giá. Bộ xây dựng có đặt vấn đề làm việc này?
Việc kiểm tra bán phá giá địa phương trực tiếp làm, nhưng việc can thiệp phải làm thế nào để phù hợp quy định của pháp luật.
Cá nhân bộ trưởng đánh giá, mức giảm giá đó đã phù hợp, liệu có thể giảm nữa?
Vấn đề đó phải tính toán cụ thể. Giá của sản phẩm không chỉ là 10 triệu hay 8 triệu là phù hợp, mà phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào, trong đó quan trọng nhất là lãi suất tín dụng. Nếu một công trình xây dựng xác định giá 10 triệu đồng/m2, hoặc chí phí xây dựng hết 8 triệu đồng/m2 để bán ra 10 triệu chẳng hạn, nhưng để 1 năm chịu lãi thì thậm chí giá đội lên đến 20 triệu. Cho nên đánh giá cụ thể giá bán bao nhiêu nó phụ thuộc vào việc dự án đó thực hiện vào thời điểm nào, tồn kho lâu đến mức độ nào.
Mức giảm giá đó đã đưa đưa giá nhà về mức phù hợp với người dân chưa?
Giá nhà hiện tại chưa thể nói là phù hợp với đại đa số người dân được vì có rất nhiều người không có tiền để mua nhà, hoặc có người không đủ tiền để mua căn nhà như vậy.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản “tố” do phải lo thủ tục khá nhiều với những chi phí không chính thức dẫn đến việc đội giá nhà lên cao. Theo Bộ trưởng, có thực trạng đó không? Trong sửa đổi luật Đất đai và các quy định liên quan làm thế nào khắc phục?
Có những chi phí đầu vào nhưng không phải chỗ nào cũng như thế. Nhưng rõ ràng chi phí không chính thức đó cũng là một nhân tố làm tăng giá. Cái đó cần phải loại bỏ.
Cũng như đại biểu trong phiên chất vấn đã đặt vấn đề liệu có tiêu cực, tham nhũng trong ngành, thậm chí là trong Bộ mà Bộ trưởng chưa nhắc tới như một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng méo mó thị trường hiện nay. Tháo gỡ, loại bỏ vấn đề này băng cách nào, thưa Bộ trưởng?
Chúng ta kiểm tra, kiểm soát, tăng cường đấu tranh, phát hiện, chống tham nhũng, lãng phí.
Xuống khỏi “ghế nóng”, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, những chất vấn ông nhận được là những chủ đề rất hay. Cá nhân ông không cảm thấy “run” trong lần đầu “đi thi” này, chỉ có vấn đề thời gian đại biểu hỏi khá nhanh, đôi khi không kịp ghi đầy đủ câu hỏi. Bộ trưởng Xây dựng trao đổi với Tổng Biên tập báo Dân trí trong giờ nghỉ. Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc khi bị truy trách nhiệm trong vấn đề an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng có cảm giác bị “hỏi ép”, ông Dũng lắc đầu. Bộ trưởng Xây dựng khẳng định: “Các câu hỏi của đại biểu rất có trách nhiệm, không hề ép. Tất nhiên nói hỏi khó hay không là do khả năng của người trả lời, chứ không phải do câu hỏi của đại biểu. Nhiều đại biểu chưa thỏa mãn với câu trả lời là việc bình thường. Không thể thỏa mãn hết vì còn hiểu khác nhau. Có vấn đề mình chưa nói được cho đại biểu hiểu được thì đại biểu không bằng lòng". |