1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Món hời mang tên giấy phép

Big C bán và doanh nghiệp (DN) Thái Lan đã trả giá cao hơn để mua Big C. Tại sao họ chấp nhận trả giá cao? Tại sao DN Việt không trả giá cao hơn?

Những DN tham gia thương vụ mua Big C đều có thể tính ra hết con số. Cửa hàng 1 này nằm ở đâu, cửa hàng 2 nằm ở đâu, giá cả thế nào, lợi thế đất thế nào, tài sản gồm những gì, bao nhiêu máy móc, bao nhiêu quầy kệ, bao nhiêu xe đẩy, sức mua, doanh số, lợi nhuận... đều tính ra con số cụ thể hết.

Tài sản hữu hình hay vô hình đều định giá được. Đã định giá được thì chẳng ai lại trả giá quá cao để mua hớ một món hàng cả. Đã định được giá thì không ai muốn bán rẻ cả.

Vậy thì tại sao DN Việt trả giá thấp hơn, còn đại gia Thái lại trả cao hơn?

Đương nhiên là một thương vụ mua bán có rất nhiều nội dung để bàn, để định giá.

Trong câu chuyện bán Big C, bí ẩn về giá còn nằm ở tờ giấy phép.

Đó là giấy phép mở cửa hàng mà chính Big C đang cầm trong tay. Với khoảng 40 giấy phép cho các siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc.

DN Thái Lan nếu bắt đầu vào Việt Nam để mở siêu thị thì đương nhiên là phải xin giấy phép thành lập. Từ cửa hàng/siêu thị thứ hai trở đi, DN nước ngoài sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Tiêu chuẩn này hiện chưa được ban hành cụ thể nhưng các nhà đầu tư ngoại đều e ngại rằng nó sẽ có bất cứ lúc nào. Khi đó việc mở siêu thị thứ 2, 3, 4... là vô cùng đáng ngại.

Nếu họ mua lại một hệ thống bán lẻ có sẵn, như Big C với khoảng 40 siêu thị/cửa hàng, họ chẳng phải lo nghĩ đến việc đi xin 40 cái giấy phép.

Các DN Việt Nam có cần trả giá cao cho giấy phép này không? Hoàn toàn không cần. Thứ nhất, theo quy định thì DN trong nước không bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn ENT. Tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho DN nước ngoài. Việc xin phép mở siêu thị, cửa hàng với DN Việt không khó khăn như các DN Thái.

Cho nên phía Thái Lan đã trả thêm tiền để mua cái mà họ cần.

Trên trang web của mình, http://www.groupe-casino.fr/, Casino chính thức thông cáo bán Big C Vietnam cho Central Group Thái Lan với giá 1 tỉ euro, tương đương 1,1 tỉ USD.

Vấn đề là tại sao Casino bán hệ thống Big C đi? Chả nhẽ họ không cần các giấy phép này sao? Không riêng Casino (Pháp) bán Big C mà trước đó, Metro (Đức) cũng đã bán hệ thống siêu thị của mình. Tại sao các thương vụ mua bán siêu thị, cửa hàng đều được DN Thái mua giá cao?

Các DN Pháp, Đức nói riêng và khối châu Âu nói chung không còn đặt nặng vấn đề giấy phép bán lẻ nữa.

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-châu Âu, vấn đề hàng rào kỹ thuật ENT đã không xuất hiện. Điều đó có nghĩa là các DN châu Âu không còn bị cản trở bởi điều kiện này nữa.

Giấy phép này dần mất giá với Casino nhưng lại vô cùng có giá đối với DN Thái. Đó là lý do Casino bán khi còn đang có giá.

Đương nhiên, DN Việt chẳng thể bỏ ra thêm nhiều tiền để mua thứ giấy phép mà họ không khó khăn để có được. Ngay cả các DN bán lẻ châu Âu khác cũng sẽ chẳng trả thêm giá cho giấy phép hay ENT, bởi họ cũng sẽ thuận lợi về pháp lý như Casino hay Metro.

Có vẻ như DN Thái đã chọn con đường mua lại để tiến vào thị trường Việt Nam, để tránh đi những bất lợi pháp lý mà họ đang thua thiệt hơn DN chủ nhà lẫn DN một số nước khác.

Và chắc chắn rằng các ông lớn đầy kinh nghiệm pháp lý ở châu Âu hay Mỹ không ngây thơ để vuột một món hời mang tên giấy phép.

TS ĐÀO XUÂN KHƯƠNG, chuyên gia về phân phối và bán lẻ:

Bảo hộ cho DN Việt Nam khó khả thi

Món hời mang tên giấy phép - 1

Tính đến thời điểm này, hầu hết DN bán lẻ của Nhật, Hàn Quốc, đặc biệt là Thái Lan đã có mặt ở VN. Điều này giúp người tiêu dùng có nhiều hàng hóa hơn để lựa chọn, giá cả sẽ cạnh tranh hơn. Người lao động sẽ có nhiều việc làm hơn. Nhà bán lẻ sẽ học hỏi được kinh nghiệm quản trị bán lẻ của họ. Tuy nhiên, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, đặc biệt khi kinh doanh bán lẻ VN 80% vẫn là kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát. Không có quản lý tổ chức bài bản và chuyên nghiệp như DN bán lẻ ngoại.

Khi VN hội nhập WTO và các FTA, đặc biệt là TPP, việc cạnh tranh sòng phẳng giữa DN ngoại và DN nội là tất yếu. Nên thị trường là của chung DN, khi xác định như vậy chúng ta sẽ cạnh tranh tốt hơn.

Ở một số nước, DN bán lẻ nước ngoài khi muốn đầu tư vào, họ sẽ cần những điều kiện gì để vừa bảo hộ cho DN nội địa mà không vi phạm các cam kết quốc tế?

Thực tế thì có hai cách, một là dùng ENT, hai là dùng các rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, theo hiểu biết của tôi, cả hai cái này khó khả thi ở thị trường VN.

Theo Hải Ly
Pháp luật TPHCM

Món hời mang tên giấy phép - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm