1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Môi trường kinh doanh: Xem người biết ta

Nếu bạn muốn mở một doanh nghiệp ở Lào, bạn sẽ phải mất 198 ngày để hoàn thành được các thủ tục để khởi nghiệp. Còn nếu bạn muốn mở một doanh nghiệp ở Syria, thì bạn phải chuẩn bị một khoản vốn tối thiểu là 270.000 USD - số tiền gấp 51 lần thu nhập bình quân hàng năm trên đầu người.

Hay như nếu bạn muốn xây một nhà kho ở Bosnia Herzegovina, chi phí để xây và tuân thủ các quy định về xây dựng cao gấp 87 lần thu nhập bình quân.

Còn nếu bạn quản lý một doanh nghiệp ở Guatemala, bạn sẽ phải mất 1.459 ngày để giải quyết một vụ tranh chấp đơn giản tại toà. Và nếu bạn nghiêm túc trả hết các loại thuế kinh doanh ở Sierra Leone, số tiền này sẽ gấp 164% lợi nhuận trước thuế của công ty bạn.

Còn thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam, đó là một bước nhảy vọt về niềm tin, ngay cả trong những điều kiện tốt nhất.

Ở đâu điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất?

New Zealand có những quy định thuận lợi nhất cho việc kinh doanh theo những chỉ số của Báo cáo kinh doanh năm 2006. Singapore là nước đứng thứ nhì. Mỹ đứng thứ ba.

Năm trước ở khu vực Đông Nam Á - Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc đều trong số 30 nước đứng đầu. Các quốc gia vùng Bantíc là Litva, Estonia và Latvia cũng vậy, đều nằm trong số 30 nước này. Các quốc gia này đã đạt được những thành tích đáng kể mặc dù mới bắt đầu thực hiện cải cách mới được một thập kỷ.

Tuy nhiên, xếp hạng về mức độ thuận lợi trong kinh doanh cho thấy rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm đối với cả các quốc gia đã tích cực cải cách. Mặc dù là khu vực cải cách hàng đầu song một số quốc gia vùng Đông Âu vẫn xếp hạng thấp về mức độ thuận lợi trong kinh doanh.

Ví dụ như Serbia và Mongtenegro chỉ xếp hạng thứ 92, Croatia là 118 và Ukraina là 124. Ai Cập, một quốc gia cải cách hàng đầu trong năm 2004, lại chỉ đứng thứ 141. Và Ấn Độ, mặc dù đã có những bước tiến dài nhờ có cải tiến về thu hồi tài sản thế chấp và đăng ký tài sản, cũng chỉ đứng thứ 116 sau Trung Quốc 25 bậc.

Thứ hạng về mức độ thuận lợi trong kinh doanh cũng không thể hiện được hết mọi khía cạnh, các chỉ số này vẫn còn những hạn chế về quy mô. Các chỉ số này không tính đến các yếu tố như: mức độ gần về địa lý với các thị trường lớn, chất lượng các dịch vụ liên quan tới cơ sở hạ tầng (không phải những dịch vụ liên quan đến thương mại quốc tế), độ an toàn của tài sản khỏi các vấn đề ăn cắp và cướp bóc, điều kiện kinh tế vĩ mô, hoặc sự vững vàng của các thể chế.

Vì vậy, cho dù Jamaica được xếp hạng 43 về mức độ thuận lợi trong kinh doanh, hơn một bậc so với Pháp ở vị trí thứ 44 nhưng không có nghĩa là kinh doanh ở Kingston lại dễ dàng hơn là ở Paris. Nạn tội phạm và sự thiếu cân bằng trong kinh tế vĩ mô - hai yếu tố không được nghiên cứu trực tiếp trong báo cáo - khiến cho Jamaica lại kém hấp dẫn hơn Pháp đối với các nhà đầu tư.

Quốc gia nào đang cải cách mạnh mẽ nhất?

Trong năm 2004, Serbia và Montenegro, quốc gia dẫn đầu danh sách thực hiện những cải cách thúc đẩy doanh nghiệp và tạo việc làm, đã cải tiến 8 trong số 10 tiêu chí đánh giá của Báo cáo kinh doanh.

Số vốn quy định để khởi nghiệp giảm từ 5.000 Euro xuống còn 500 Euro. Thời gian khởi nghiệp giảm từ 51 ngày còn 15 ngày. Luật lao động mới ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động bằng việc cho phép các công ty ký hợp đồng có thời hạn chứ không phải ký hợp đồng vô thời hạn như trước đây nữa, dù chỉ để thực hiện những công việc mang tính chất tạm thời.

Nhờ có những quy định trong luật dân sự mới, thời gian để giải quyết tranh chấp thương mại giảm từ 1.028 ngày xuống còn 635 ngày. Thuế thu nhập và thuế bán hàng được thay thế bằng loại thuế dễ thu hơn là thuế giá trị gia tăng. Số doanh nghiệp đăng ký (chính thức) trong năm 2004 tăng hơn năm trước đó là 42%.

Georgia là quốc gia đứng thứ hai trong danh sách này. Luật mới về việc cấp giấy phép giảm số lượng các hoạt động cần phải được cấp phép từ 909 xuống còn 159. Các doanh nghiệp chỉ phải nộp giấy tờ tại một cơ quan cấp phép duy nhất mà không bị thẩm tra bởi các cơ quan khác. Bộ luật thuế đã được đơn giản hoá, giảm 21 loại thuế xuống còn 12 loại. Và thời gian để đăng ký tài sản giảm 75%, chi phí giảm 70%.

Xét theo khu vực thì phần lớn cải cách diễn ra ở Đông Âu và Trung Á, mỗi nước ở khu vực này thực hiện ít nhất một cải cách để tạo kiện kinh doanh thuận lợi. Nhiều cải cách được thúc đẩy bởi việc sáp nhập với cộng đồng châu Âu.

Ba nước Đông Âu là Slovakia, Romania và Latvia nằm trong số 12 quốc gia dẫn đầu trong năm 2003. Cả 3 nước đều có những thay đổi tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp. Những nỗ lực này đã đạt có được kết quả: trong năm 2003, số doanh nghiệp thành lập mới ở Latvia là 8%, Slovakia 13%, và 22% ở Romania.

Cải cách phổ biến nhất diễn ra ở một nửa số quốc gia trong khu vực này, là liên quan đến đơn giản hoá thủ tục thuế và giảm thuế. Những cải cách diễn ra trước đó ở Estonia, Nga và Slovakia được coi là tiên phong.

Một số cuộc cải cách mạnh mẽ nhất dẫn đến những thay đổi lớn nhất các chỉ số của nghiên cứu này là: cải cách đơn giản hoá thủ tục thành lập doanh nghiệp ở Serbia và Mongtenegro; cải cách đơn giản hoá thủ tục hải quan và giấy tờ thương mại ở Ai Cập; những cải tiến trong luật phá sản ở Brazil...

Serbia và Mongtenegro chuyển thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp từ toà án sang một cơ quan hành chính mới. Doanh nghiệp có thể đăng ký thành lập trực tuyến (qua Internet) và quy luật “im lặng là sự đồng ý” được áp dụng để đảm bảo quá trình cấp phép được thực hiện nhanh chóng.

Ngoài ra, một cơ sở dữ liệu điện tử thống nhất được thiết lập và nối với toà án thương mại, cục thống kê, văn phòng hải quan, ngân hàng trung ương và các địa phương. Nhờ có những cải cách này mà các công ty mới có thể bắt đầu hoạt động sau chỉ 15 ngày chứ không phải 51 ngày như năm 2004 trước đó.

Ai Cập thành lập một cơ quan duy nhất để giải quyết các thủ tục giấy tờ thương mại và gộp 26 loại giấy phép xuống còn 5 loại. Thủ tục hải quan phải được giải quyết trong vòng 2 ngày. Những cải tiến hải quan là một phần trong chương trình cải cách lớn để giảm thiếu thuế từ 27 xuống còn 6 và đơn giản hoá thủ tục kiểm tra tại cửa khẩu.

Luật phá sản ở Brazil cho phép các công ty bị vỡ nợ vẫn được tồn tại để thực hiện tái cơ cấu. Chủ nợ được cấp nhiều quyền hạn hơn để chỉ đạo các hoạt động tái cơ cấu bằng cách thành lập ban chủ nợ có quyền biểu quyết kế hoạch tái cơ cấu.

Chủ nợ có đảm bảo được quyền ưu tiên hơn cơ quan thuế đối với số tài sản thanh lý. Luật mới này giảm một nửa thời gian để hoàn tất thủ tục phá sản từ 10 năm xuống còn 5 năm và tỉ lệ thu hồi nợ cho chủ được nâng lên thành 7,5% từ 0% trước đó.

Chi phí thấp nhất khác với bảo hộ kém nhất

Nếu một quốc gia được xếp ở vị trí cao về mức độ thuận lợi trong kinh doanh cũng không có nghĩa nước này không có luật lệ gì cả.

Sẽ rất ít người có thể lập luận rằng doanh nghiệp ở New Zealand không quan tâm đến ai khác ngoài chính doanh nghiệp mình, rằng công nhân bị lạm dụng ở Canada, hay chủ nợ có thể siết nợ tài sản của con nợ ở Hà Lan không theo một thủ tục công bằng.

Và để bảo vệ quyền lợi của chủ nợ và nhà đầu tư, cũng như là để thành lập hay nâng cấp những trung tâm thông tin tín dụng thì cần có nhiều quy định hơn chứ không phải là ít quy định hơn để có thể lọt vào danh sách 30 quốc gia hàng đầu về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh.

Tất cả các nước đứng đầu danh sách xếp hạng đều giám sát doanh nghiệp, thế nhưng họ thực hiện theo những cách thức tốn ít chi phí và ít phiền hà. Thử xem 5 quốc gia vùng Bắc Âu, họ đều đứng trong danh sách 30 nước đứng đầu: Na Uy (thứ 5), Đan Mạch (thứ 8), Iceland (thứ 12), Phần Lan (thứ 13) và Thuỵ Điển (thứ 14).

Những nước này không phải là kiểm soát doanh nghiệp quá ít mà là tạo ra các quy định đơn giản tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tập trung can thiệp vào những hoạt động cần thiết như bảo vệ quyền sở hữu và cung cấp các dịch vụ xã hội.

Thuế kinh doanh ở các nước vùng Bắc Âu thuộc loại trung bình và cao: 52% trên lãi trước thuế ở Phần Lan và Iceland, 53% ở Thuỵ Điển và 60% ở Na Uy. Thế mà chỉ có 8% các hoạt động kinh tế diễn ra tại các doanh nghiệp không đăng ký (khu vực không chính thức).

Lý do là vì các doanh nghiệp được sử dụng các dịch vụ công cộng rất tốt từ số tiền thuế mà họ trả. Ví dụ như Đan Mạch có cơ sở hạ tầng tốt nhất thế giới. Na Uy đứng đầu về chỉ số phát triển con người do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc công bố và Thuỵ Điển đứng thứ hai.

Ở những nước này, cũng như các nước khác trong danh sách 30 nước đứng đầu, các nhà cải cách không phải lựa chọn giữa hoặc là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, hoặc là bảo hộ những lợi ích xã hội mà họ đã tìm ra cách để thực hiện tốt cả hai việc này cùng một lúc.

Theo Viết Dũng
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm