1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Môi trường kinh doanh Việt Nam tụt hạng "oan"

(Dân trí) - Báo cáo Môi trường kinh doanh 2009 của WB công bố sáng 10/9 cho thấy: Việt Nam bị tụt một bậc trên bảng xếp hạng so với vị trí 91 của năm ngoái. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho rằng, bản báo cáo đó chưa phản ánh đúng thực tế của Việt Nam.

Xếp hạng thứ 92

Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2009, Việt Nam đứng thứ 92 trong tổng số 181 nền kinh tế trên thế giới về mức độ thuận lợi trong kinh doanh, tụt 1 bậc so với năm ngoái, mặc dù những con số cụ thể về thủ tục, thời gian... có yếu tố thay đổi tốt hơn.

Trong 10 lĩnh vực mà Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) đưa ra làm căn cứ đánh giá mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh của một nền kinh tế, một số lĩnh vực của Việt Nam đạt được vị trí khá cao như: đăng ký tài sản (37/181), thực thi hợp đồng (40/181) với thời gian mất 295 ngày; vay vốn tín dụng (43/181).

Đặc biệt, báo cáo đánh giá Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực trong lĩnh vực vay vốn tín dụng bởi đã áp dụng hệ thống đăng ký thông tin tín dụng công giúp lưu trữ các hồ sơ tín dụng lâu hơn, giúp cung cấp cho các tổ chức tín dụng có thêm các dữ liệu về lịch sử tín dụng và khả năng trả nợ của các khách hàng tiềm năng...

Những con số trên thể hiện mức cải thiện của Việt Nam nhưng xét về tổng thể, môi trường kinh doanh nước ta theo bản báo cáo vẫn tụt hạng. Điều này cho thấy một thực tế là Việt Nam có cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh nhưng những nước khác cũng tiếp tục cải thiện và cải thiện tốt hơn.

Còn nhớ, báo cáo năm 2008 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đã “vọt” 13 bậc, từ vị trí 104 lên 91 và được đánh giá là có nhiều cơ hội, khả năng để chiếm giữ những thứ hạng cao hơn. Do đó, các chuyên gia cho rằng, bản báo cáo năm nay là cơ hội để Việt Nam xem mình đang ở đâu trong khu vực.

“Cách làm còn quan liêu”

Đây là điều mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dùng để bình luận về bản báo cáo 2009 trong việc nghiên cứu về tình hình thực tế của Việt Nam.

Theo lý giải của bà Lan, có 2 yếu tố để khẳng định vị trí xếp hạng chưa phản ánh đầy đủ môi trường kinh doanh thực tế của Việt Nam là: yếu tố được lấy làm căn cứ đánh giá và cách chọn người tham vấn.

10 tiêu chí được đưa ra để xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh bao gồm: Thành lập doanh nghiệp, Cấp giấy phép xây dựng, Tuyển dụng và sa thải lao động; Đăng ký tài sản; Vay vốn tín dụng; Bảo vệ nhà đầu tư; Nộp thuế, Thương mại quốc tế; Thực thi hợp đồng và Giải thể doanh nghiệp. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá những nước tiến hành nhiều cải cách nhất cũng như những nước bị tụt hậu.

Bà Lan thắc mắc: “Đối với một số chỉ số Việt Nam ở hạng tương đối cao, như: đăng ký tài sản xếp hạng 37, vay vốn tín dụng 43, thực thi hợp đồng 42… đây có phải là thứ hạng thể hiện những lĩnh vực này ở Việt Nam đã là rất tốt hay không tương ứng với nước khác? Tôi nghĩ là không phải!”.

Về tín dụng, theo bà Lan, bức tranh tín dụng ở Việt Nam hiện khác rất nhiều so với thứ hạng mà báo cáo 2009 đề cập. Bởi vì cách xây dựng thứ hạng không nói lên được những thực tế mà doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tín dụng như thế nào, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa - đối tượng nghiên cứu chính.

“Nếu lấy bức tranh thực sự về khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam từ năm ngoái đến nay cũng khác hắn. Tuy nhiên lưu ý là ngay cả đối với những chỉ số Việt Nam được xếp hạng tương đối cao hay lên hạng một chút thì cũng không nên lấy điều đó để chủ quan, tự mãn cho là mình hơn hoặc đã vượt lên được nước này nước kia”- bà Lan nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng chỉ ra thêm một số yếu tố dùng làm cơ sở đánh giá đã bị nhóm nghiên cứu bỏ qua. Đó là, khởi sự doanh nghiệp ở Việt Nam đã cải thiện rất nhiều nhưng không được ghi nhận trong báo cáo. Chưa kể, thủ tục nộp thuế, bảo vệ nhà đầu tư đã tiến bộ không ngừng, đặc biệt các yếu tố quan trọng nhất trong môi trường kinh doanh tác động hàng ngày như: ổn định kinh tế vĩ mô, tham nhũng, lao động, hạ tầng… thì không được đề cập đến.

“3 nút thắt cổ chai của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay về lao động, hạ tầng và thể chế thì gần như hoàn toàn không được phản ánh đến trong bản báo cáo môi trường kinh doanh. Vì vậy, ngay cả thứ hạng có được cải thiện như thế nào thì cũng đừng lấy đó làm mừng” - bà Lan bức xúc nói.

Về cách chọn người để hỏi, nếu như báo cáo năm ngoái hầu như chỉ tham vấn các hãng luật nước ngoài tại Việt Nam, thì năm nay còn không thấy nói đến danh sách những người tham vấn. Như thế này là khó chính xác. Bà Lan kết lại: “Cách làm còn quan liêu như thế này sẽ làm hạn chế uy tín của báo cáo này".

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn cho rằng: Việt Nam không nên quan tâm nhiều đến thứ hạng vì đây chỉ là chỉ số tương đối. Điều quan trọng là Việt Nam nên biết mình đang ở vị trí nào trước khi để ý mình đang ở thứ hạng nào trong bảng xếp hạng.

Do đó, các chuyên gia kiến nghị lên Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cần nhắc nhở “nhóm nghiên cứu trung thực hơn, chứ nếu làm theo kiểu quan liêu thế này sẽ dẫn đến sai lệch về bức tranh kinh tế của Việt Nam”.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm