Mới lạ, nhân văn các dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp

(Dân trí) - Khởi nghiệp đã không còn xa lạ ở Việt Nam hay trên toàn thế giới, thế nhưng khởi nghiệp Nông nghiệp lại rất mới mẻ và ít được quan tâm do ngành Nông nghiệp có những đặc thù rất riêng.

Sau một năm phát động, sáng ngày 9/10, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp Nông nghiệp 2016”. Có rất nhiều dự án mới lạ và mang tính nhân văn cao.

Với lợi thế về nông nghiệp, đó là hầu hết các thành viên trong nhóm đều sinh ra và lớn lên ở nông thôn, hiểu được những khó khăn từ chính gia đình của mình trong quá trình sản xuất, nhóm sinh viên ĐH Bách Khoa HN đã mang đến dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy bón phân cho cây ngô, cây mía Đông Phong”.


Máy bón phân cho ngô

Máy bón phân cho ngô

Khi hỏi về khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải, Tạ Đức Cường, trưởng nhóm đã chia sẻ: “Khó khăn rất lớn là bọn mình phải tự bỏ vốn ra để sản xuất và các chi phí để đưa sản phẩm về vùng mía Thanh Hoá và ngô ở Sơn La để thử nghiệm. Thời gian để nhóm có được sản phẩm từ lúc đưa ra ý tưởng khoảng 4 tháng cho nên sản phẩm chưa thực sự hoàn thiện”.

"Tuy nhiên, dự án của chúng mình vẫn được sự đánh giá cao của Hội đồng giám khảo về ý tưởng lẫn sự đầu tư nghiêm túc cho dự án. Nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, tích hợp thêm được nhiều chức năng, thay thế vỏ sắt bằng vỏ nhựa giúp giảm thiểu chi phí và sử dụng động cơ cho sản phẩm", Cường cho biết.

“WeShare Cộng đồng sinh viên chia sẻ” tuy không phải là dự án liên quan đến Nông nghiệp nhưng lại được giám khảo rất yêu thích do tính nhân văn và thiết thực của dự án đem lại là rất lớn. WeShare là một cộng đồng chia sẻ kiến thức dành riêng cho sinh viên theo mô hình Student train Student. Các bạn sinh viên nắm chắc kiến thức sẽ đóng vai trò là giảng viên chia sẻ lại kiến thức về các môn học chuyên ngành cho các bạn có nhu cầu và đăng kí qua một webside. Dự án sẽ giúp các bạn sinh viên ôn luyện lại kiến thức khi chuẩn bị đối mặt với các kì thi cuối kì.

Thuận lợi của nhóm là nền tảng web đã được 2 thành viên chuyên về IT của nhóm thiết kế, vốn bỏ ra ban đầu không nhiều. Tuy nhiên, khó khăn của dự án là tạo dựng được lòng tin cho các bạn sinh viên, doanh thu ban đầu không lớn và khó tìm kiếm địa điểm giảng dạy với mức chi phí thấp. Dự án cần 150 triệu đồng để hoàn thiện hệ thống và triển khai ở nhiều nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Bạn có tin chỉ với một chiếc smartphone đã cài đặt ứng dụng, đi kèm với một thiết bị công nghệ của Dgreen. Bạn hoàn toàn có thể lắng nghe, thấu hiểu những gì thực vật muốn nói. Đó chính là ý nghĩa của sản phẩm dự thi mang tên “Ứng dụng quản lý, phát hiện, điều trị bệnh cây Dgreen” của nhóm sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.


Máy chữa bệnh cho cây

Máy chữa bệnh cho cây

Nhóm nghiên cứu mong muốn tạo ra một sản phẩm hữu ích để bạn: không cần là một kĩ sư giỏi, không cần là người am hiểu về nông nghiệp cũng có thể chăm sóc thật tốt cho những cây xanh mà bạn yêu quý một cách hiệu quả nhất.

Kì vọng của dự án là giúp cho người làm nông nghiệp nói chung và những người làm kinh tế nói riêng sẽ vượt qua những rào cản kỹ thuật để có được hiệu quả tốt nhất. Đối tượng khách hàng là những người nông dân, người yêu thích nông nghiệp và đặc biệt là những người thích chăm sóc cây có múi.

Là một sản phẩm duy nhất về du lịch tham gia cuộc thi nhưng lại được sự đồng tình rất lớn của Hội đồng giám khảo, “Dự án Công ty CP lữ hành Làng Việt” của nhóm sinh viên Đại học Thái Bình hướng đến các hoạt động “du lịch làng nghề”, tour du lịch đa dạng, hấp dẫn có sự đồng thuận và giúp đỡ của các nghệ nhân làng nghề, giá thành hợp lý và chất lượng đảm bảo hướng tới mọi đối tượng khách hàng.

Tuy là hình thức du lịch không mới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng vẫn còn rất mới mẻ và tiềm năng ở vùng đất Thái Bình, nên dự án hứa hẹn sẽ đem lại thành công không chỉ cho nhóm dự án mà còn quảng bá du lịch Thái Bình đến với nhiều du khách không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.

Ngoài ra, cuộc thi cũng có rất nhiều các dự án về các trang trại chăn nuôi áp dụng cách nuôi và nguồn thức ăn mới thu hút được sự chú ý, quan tâm của Hội đồng giám khảo.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giảng viên cao cấp chương trình CEFE, Cố vấn cao cấp chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, về chất lượng của cuộc thi năm nay cho biết: “10 sản phẩm lọt tới vòng chung kết này chất lượng tốt, đặc biệt là sản phẩm Dgreen, trên thế giới mới chỉ khám bệnh cho con người và động vật mà chúng ta đã phát triển được ứng dụng khám bệnh cho cây. Đây là một dự án rất tiềm năng và cần phải đăng kí bản quyền sở hữu trí tuệ”.

Theo ông Vũ Ngọc Huyên, Giám đốc trung tâm hỗ trợ và việc làm, trưởng ban tổ chức Khởi nghiệp Nông nghiệp 2016: “Năm nay có 38 trường đại học, cao đẳng và 1 trung tâm hỗ trợ thanh niên của Tỉnh đoàn Vĩnh Long. Quy mô của cuộc thi đã tăng lên nhiều so với năm trước và theo quy định mới của Khởi nghiệp Quốc gia, mọi năm khi tham gia cần viết thành dự án nhưng năm nay chỉ dừng ở viết ý tưởng dự án. Tuy thay đổi này khuyến khích sự tham gia của các bạn trẻ hơn nhưng nó lại khiến cho các dự án mang tính chất chủ quan, đại khái không có căn cứ khoa học, không gắn được với thực tiễn”.

Qua ba năm tổ chức với uy tín và chất lượng của cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp, các dự án đã thu hút được sự quan tâm từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tới phong trào Khởi nghiệp và nền Nông nghiệp nước nhà.

Thế Hưng