1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Mổ xẻ” nguyên nhân giá vàng tăng kỷ lục

Giá vàng đã lên mức đỉnh điểm trong hơn 17 năm qua, đạt 472 USD/ounce. Điều này có ý nghĩa như thế nào tuỳ thuộc vào phân tích của từng người đối với lợi ích liên quan của mình. Song chỉ riêng những chuyên gia nghiên cứu độc lập cũng có nhiều đánh giá khác nhau về tác động đa dạng của sự kiện kéo dài nhiều ngày qua.

Một số nguyên nhân chính

 

Cầu vượt cung ở phương Đông. Một trường phái cho rằng nhu cầu vàng ở Trung Quốc và Ấn Độ tăng nhanh trong mùa cưới trong khi nguồn cung ở các nước xuất khẩu vàng hàng đầu lại giảm là nguyên nhân đẩy giá vàng lên cao.

 

Ấn Độ là nước nhập khẩu và tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới. Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho biết nhu cầu vàng của đất nước hơn một tỷ dân này tăng 17,6%, lên tới 643 tấn năm 2004 so với 547 tấn năm 2003. Riêng trong quý I/2005, nhu cầu vàng của Ấn Độ tăng 72%, lên 243 tấn. Dự báo năm nay Ấn Độ nhập khẩu khoảng 700 tấn vàng.

 

Trung Quốc cũng là một trong những nước tiêu thụ nhiều vàng trên thế giới, năm nay nhu cầu vàng sẽ tăng ở mức 20% so với mức tăng 13% năm 2004. Năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 230 tấn vàng, trong đó 90% số vàng nhập dùng cho trang sức.

 

Trong khi đó, sản lượng vàng khai thác tại các mỏ toàn cầu lại giảm. Nam Phi, nước sản xuất và xuất khẩu vàng lớn nhất thế giới, cho biết sản lượng vàng giảm 12,8% xuống còn 73,8 tấn trong quý I năm nay.

 

Hội đồng khai thác mỏ Nam Phi cho biết sản lượng vàng năm 2004 chỉ đạt 342 tấn, giảm 9% so với năm 2003, mức thấp nhất kể từ năm 1931. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất vàng ở Nam Phi đã trở nên quá cao, lợi nhuận công ty giảm sút.

 

Australia, nước sản xuất vàng lớn thứ 2 thế giới cũng dự báo sản lượng vàng giảm 3% xuống mức thấp kỷ lục 265 tấn trong tài khoá 2005 do chi phí sản xuất và giá thuê lao động tăng cao. Công việc tìm kiếm các mỏ vàng mới ngày càng khó khăn hơn.

 

Dân phương Tây lo sợ lạm phát. Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng giá vàng cao là do dân phương Tây đầu tư ồ ạt vào vàng, lo sợ lạm phát sẽ cao hơn dự báo của Chính phủ nước mình.

 

Vàng luôn là lựa chọn đầu tư từ nhiều đời nay mỗi khi có gì đó bất ổn trong mỗi nền kinh tế cũng như nền kinh tế chung toàn cầu. Là một tài sản, vàng luôn có quy luật vận động riêng của nó, nhưng gần đây, giá vàng thường đi theo hướng: tăng mạnh khi giá dầu và giá USD tăng.

 

Cả hai điều này đều đã xuất hiện và duy trì suốt thời gian qua, với hai động thái lớn là sự tăng liên tục của giá dầu cũng như những đợt tăng lãi suất táo bạo của lãi suất tiền gửi USD, qua đó làm tăng giá đồng tiền này. Do vậy, từ đầu năm tới nay, vàng càng được coi là "thiên đường an toàn cho của cải cá nhân".

 

Đằng sau sự kiện giá vàng tăng

 

Giá vàng như vậy nói lên điều gì? "Từ nhiều năm nay, các chuyên gia tư vấn tài chính luôn khuyên các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên dành lại một phần nhất định của cải của mình để mua thứ bảo hiểm đặc biệt này, dù nó sinh lãi hay không", John H. Hill, chuyên gia phân tích thị trường kim loại quý của ngân hàng Citigroup tại Mỹ, cho biết.

 

Trong bối cảnh đồng USD giảm giá và giá dầu tăng, có lúc vượt ngưỡng 70 USD/thùng, thì để bảo toàn vốn lâu dài, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới việc mua vàng vào.

 

Nhưng việc mua vào diễn ra trên phạm vi rộng như thế còn minh chứng rằng, kinh tế thế giới nhìn chung lại đang phục hồi, đi đôi với việc thu nhập của người dân được cải thiện, nhu cầu mua vàng trang sức cũng gia tăng. Điều này thể hiện rõ nhất ở các nước đang phát triển mạnh như Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ.

 

Rõ ràng, vàng đã được coi là loại bảo hiểm, loại đầu tư được tin tưởng trên mọi loại khác, nhất là khi thiên tai liên tiếp đe doạ cùng các diễn biến bất ổn trên chính trường các nước từ Á tới Âu, từ Mỹ sang Phi như hiện nay.

 

"Ngoài ra, điều này còn chứng tỏ rằng lòng tin của người dân ở các nền kinh tế dùng USD, dùng euro hay dùng yen đã không còn đủ mạnh để chiến thắng sức quyến rũ và độ an toàn của vàng như trước nữa. Đó là điều báo động, không chỉ ở các nền kinh tế lớn và có sức ảnh hưởng toàn cầu nói trên", John H. Hill nói.

 

Giá vàng tăng liên tục cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ lạm phát rất cao ở các nền kinh tế chủ chốt của thế giới. "Nguy cơ lạm phát ngày càng hiện rõ, đặc biệt ở các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, là yếu tố quan trọng nâng giá vàng lên đều đặn những ngày qua", bản báo cáo hàng tuần của Ngân hàng Goldman Sachs vừa công bố có đoạn viết.

 

Trên cơ sở đó, Goldman dự báo rằng giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong 12 tháng tới nếu Chính phủ các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới chưa tìm ra được giải pháp nào khả dĩ hơn có thể giải quyết lạm phát.

 

Các quyết định tăng lãi suất của Fed thời gian gần đây chỉ là một biện pháp như vậy, song chưa đủ, trên phạm vi toàn cầu bởi tỷ lệ lạm phát nói chung còn cao hơn tỷ lệ tăng lãi suất.

 

Theo Nhật Vy

VietNamnet