Mở luật, vốn ngoại đổ dồn vào bất động sản Việt Nam
(Dân trí) - Ngay sau khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, tháng 7/2015 thị trường bất động sản Việt Nam đã đón dòng vốn đầu tư trược tiếp nước ngoài (FDI) rất lớn. Chỉ riêng tháng 7/2015, tổng vốn cấp mới vào lĩnh vực này đã bằng cả 6 tháng trước cộng lại….
Theo Luật Nhà ở năm 2014, người Việt Nam định cư tại nước ngoài được phép mua và sở hữu nhà ở không giới hạn số lượng tại Việt Nam. Các cá nhân, tổ chức nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam (không qua 30% số căn hộ tại chung cư). Luật Nhà ở 2014 đã thực sự cởi bỏ những nút thắt của Luật Nhà ở năm 2005, đồng thời cùng với Luật Kinh doanh Bất động sản mới có hiệu lực, đã và đang giúp bất động sản Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố mới đây cho biết, 7 tháng đầu năm 2015, vốn FDI cấp mới, tăng thêm vào Việt Nam đạt 8,8 tỷ USD, trong đó bất động sản đã đạt 1,69 tỷ USD, chiếm 19% tổng vốn. Riêng tháng 7/2015, vốn FDI vào lĩnh vực này đã bằng 50% của 6 tháng trước đó cộng lại (hơn 460 triệu USD)
Địa bàn bỏ vốn lý tưởng của các nhà đầu tư địa ốc nước ngoài là Tp HCM khi 7 tháng đầu năm 2015, địa phương này thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI vào bất động sản, chiếm 50% tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm của địa phương này trong thời gian qua.
Không chỉ dừng lại ở đổ vốn trực tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách đẩy nhanh tiến độ mua bán, sáp nhập (M&A) các dự án qua hình mua, nhượng lại cổ phần công ty, đầu tư vốn gián tiếp vào các dự án như: Tập đoàn bất động sản hàng đầu của Singapore bỏ 140 tỷ đồng mua 7,1 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Nam Long, đơn vị nắm giữ quỹ đất hơn 567 hecta tại phía Nam Sài gòn. Tương tự, ngày 26/7 quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản đã ký hợp đồng bổ sung vốn 200 triệu USD để mua lại cổ phần của một công ty bất động sản lớn ở Tp HCM.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp HCM nhận định: “Qua thời gian thăm dò thị trường bằng hình thức góp vốn cổ phần vào công ty và các dự án. Đến nay các nhà đầu tư, quỹ đầu tư bất động sản nước ngoài đang trực tiếp tham gia thị trường. Sự chuyển vai này cho thấy, họ nhìn thấy cơ hội và tiềm năng của bất động sản Việt Nam. Trong thời gian tới, chắc chắn thị trường sẽ sôi động trở lại, nguồn cung sẽ dồi dào và chất lượng, tiến độ các dự án sẽ tốt hơn”.
Còn GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng: Vốn ngoại đổ dồn vào bất động sản Tp HCM cho thấy các nhà đầu tư đang ngày càng thực tế hơn, khi mà nhu cầu nhà ở nơi đây đang rất cao. Việc mở luật, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đã khơi thông được nút thắt thị trường, trong thời gian tới chắc chắn lượng kiều hối, doanh nhân gốc Việt sẽ đổ vốn vào bất động sản ngày càng nhiều hơn và đó là dấu hiệu đáng mừng.
Ông Võ nói thêm, mua lại dự án, đóng cổ phần vào công ty bất động sản chỉ là giai đoạn thử nghiệm, còn việc đóng góp trực tiếp vốn vào đầu tư dự án mới thay đổi được kênh đầu tư và thị trường bởi họ với tiềm lực tài chính mạnh, cách quản lý dòng tiền tốt và kinh nghiệm phân tích thị trường lâu năm, chắc chắn sẽ tạo cú hích cho thị trường tốt hơn.
Theo ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed Group cho biết: “Kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng; Việt Nam có dân số trẻ, chủ yếu tập trung ở đô thị tuy nhiên quỹ nhà ở còn khiêm tốn. Trong khi đó, pháp luật về đất đai Việt Nam ngày càng trở nên thông thoáng, mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, tạo ra tính minh bạch, khơi thông thị trường".
Nguyễn Tuyền