Mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân: Kinh nghiệm từ Đức
Trên thế giới hiện chỉ 3 nước có quy định riêng điều chỉnh tập đoàn là Đức, Bồ Đào Nha và Brazil trong đó Đức được coi là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Bài viết dưới đây được coi như gợi ý trong việc xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế (TĐKT) tư nhân tại VN.
Hiện nay có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau, đa số quan niệm TĐKT là nhóm, tập hợp, tổ hợp các DN độc lập. Hầu hết không quy định về TĐKT với tư cách một chủ thể pháp luật. Tuy nhiên Đức và một vài nước khác là những trường hợp đặc thù.
Đức không có luật, nghị định riêng về TĐKT nhưng TĐKT - Konzern là đối tượng điều chỉnh của một số quy định trong pháp luật về tổ chức DN.
Các mô hình tổ chức
Có hai mô hình chủ đạo Unterordnungskonzern: Tập đoàn kinh tế phụ thuộc hoặc tập đoàn kinh tế theo thứ bậc và Gleichordnungkonzernen: Tập đoàn kinh tế đồng cấp hoặc tập đoàn kinh tế không phụ thuộc.
Đối với TĐKT đồng cấp, vị thế bình đẳng giữa các DN thành viên (không có DN chi phối). Các DN tự ký kết hợp đồng để hình thành sự chỉ đạo thống nhất (cho phù hợp với khái niệm TĐKT của luật).
Họ cùng nhau hình thành một cơ quan lãnh đạo tập đoàn (dưới hình thức một hội đồng tham vấn hoặc tương tự). Tuy nhiên, hiện mô hình này không phổ biến và ít được pháp luật điều chỉnh.
Mô hình TĐKT phụ thuộc hoặc TĐKT theo thứ bậc hiện diễn ra phổ biến ở Đức. Theo đó các DN bị chi phối hoạt động dưới sự lãnh đạo của DN chi phối. Có ba dạng liên kết: Liên kết thâu tóm; Liên kết hợp đồng; Liên kết theo tình huống.
Liên kết thâu tóm gồm: Cty bị thâu tóm vẫn là pháp nhân độc lập nhưng thực tế như một bộ phận kinh doanh của Cty nắm quyền chi phối. Quan hệ này rất gần với quan hệ hợp nhất và sáp nhập.
Đối với liên kết hợp đồng: HĐQT của Cty chi phối đưa ra các quyết định chỉ đạo hoặc định hướng DN bị chi phối.
Liên kết theo tình huống: DN chi phối gây ảnh hưởng đến DN bị chi phối (là một Cty đối vốn như CTCP, Cty TNHH, Cty hợp danh hữu hạn... trên nền tảng của việc tham gia vốn đa số (hoặc đa số phiếu biểu quyết).
Cấu trúc cơ bản
Cấu trúc tập đoàn tại Đức có ba dạng chủ yếu: Cấu trúc dọc, Cấu trúc ngang, Cấu trúc hỗn hợp.
Cấu trúc dọc: DN thành viên tập đoàn hoạt động trong các khâu của một quá trình sản xuất tạo giá trị/cung ứng dịch vụ khép kín từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Họ ít phụ thuộc vào bên ngoài trong quá trình tạo giá trị. Cấu trúc này đã lỗi thời.
Việc tự cung cấp đầu vào hay xử lý nguyên liệu không hiệu quả bằng tự thoả thuận hợp đồng từ các đối tác bên ngoài. Dù vậy vẫn còn trong một số lĩnh vực đặc thù. VD Tập đoàn văn hoá phẩm Mustermann bao gồm hệ thống DN xuất bản, in và bán hàng...
Cấu trúc ngang đã xuất hiện từ lâu và vẫn tương đối phổ biến ở Đức. Bao gồm các DN thành viên trong cùng một lĩnh vực và cùng cấp độ sản xuất, thương mại.
Ví dụ như: VoklWagen bao gồm các DN thành viên chuyên sản xuất đa dạng từ xe giá rẻ cho tới các dòng xe cao cấp, xa xỉ. Mục tiêu là thống lĩnh thị trường bằng cách thâu tóm hoặc chèn ép các đối thủ khác.
Cấu trúc hỗn hợp: DN thành viên tập đoàn hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn khác nhau. Một thành viên có thể không hoặc ít quan hệ kinh doanh với thành viên khác.
Lợi ích hình thành TĐKT
Đó là phát triển và đa dạng hoá hoạt động thông qua hệ thống DN thành viên (theo chiều dọc, chiều ngang). Về lợi thế pháp luật: Hiện là vấn đề còn tranh luận. Tuy nhiên trường hợp chuyển lợi nhuận từ Cty con về Cty mẹ thì lợi thế sẽ xuất hiện khi tập đoàn đặt trụ sở Cty mẹ tại nơi có chính sách thuế hấp dẫn.
Hiện đang có xu hướng kiểm soát chặt chẽ vấn đề chuyển lợi nhuận để bảo vệ các chủ nợ. Cty mẹ của TĐKT phải công khai về quan hệ với các Cty bị chi phối/bị kiểm soát, cũng như các giao dịch với các Cty đó (bao gồm cả việc đăng ký và công bố các hợp đồng chi phối, hợp đồng chuyển lợi nhuận,...).
Thực tế của Đức cho thấy tập đoàn là một nhóm DN liên kết, cơ bản vẫn là Cty mẹ - Cty con. Các tập đoàn được hình thành đa dạng về hình thức và phương thức tổ chức, không cứng nhắc áp dụng một mô hình duy nhất.
Việc liên kết bằng hợp đồng kinh tế là điểm đặc thù của Đức. Nền tảng của việc hình thành tập đoàn chính là thể chế “tự do hợp đồng” phát triển ở mức độ cao. Pháp luật của nhà nước: Liên quan đến nhiều văn bản khác nhau. Đức là một trong số ít quốc gia có quy định về TĐKT, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu như: Đăng ký, đặt tên, luân chuyển lợi nhuận giữa các DN thành viên...
Phạm Đức Trung
Chuyên gia Kinh tế Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương