1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mở cửa thị trường bán lẻ: Người tiêu dùng được lợi gì?

Trong khi giới kinh doanh bán lẻ cả trong lẫn ngoài nước lo “chiêu” giữ “miếng bánh” thị phần rất dễ mất đi vào năm 2007- thời điểm Việt Nam bắt buộc phải mở cửa thị trường, thì điều khiến người tiêu dùng quan tâm nhất vẫn là những quyền lợi mà họ sẽ có được từ những cuộc cạnh tranh này.

Không phải đợi đến khi Công ty AT Kearney đánh giá Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn thứ ba thế giới đối với các tập đoàn bán lẻ, rất đông những nhà đầu tư, tập đoàn bán lẻ lớn đã và đang đặt những bước chân kinh doanh đầu tiên rất vững chắc vào thị trường Việt Nam.

Sự có mặt của hai “đại gia” Bic C và Metro thời gian qua là một phần câu trả lời. Vẫn những hàng hoá đó, nhưng 90.000 khách hàng được cấp thẻ hội viên Metro luôn có quyền mua được hàng với giá “mềm” hơn thị trường bên ngoài hay so với các siêu thị nội địa khác giá từ 10-15%, còn hàng hoá thì phong phú tới gần 15.000 chủng loại với chất lượng đảm bảo.

Tại Hà Nội, nếu yếu tố khuyến mại dự thưởng chỉ được các siêu thị nội địa (Intimex, Citimart, Điện máy số 5 Nam Bộ) trông chờ vào các nhà sản xuất cung cấp (nhân những dịp lễ, Tết, giao mùa ) thì ở các siêu thị ngoại “chiêu” này có thể được tung ra bất cứ lúc nào.

Hay khi Việt Nam xảy ra  cúm gà H5N1 cuối năm ngoái và dịch lở mồm, long móng mới gần đây, hệ thống các siêu thị ngoại Metro, Big C, Marko luôn tỏ ra nhanh chân hơn siêu thị nội khi nhập hàng thực phẩm ngoại có nguồn gốc an toàn đáp ứng nhu cầu muốn ăn “đồ sạch” của người dân.

Thêm một yếu tố hưởng lợi nữa cho người tiêu dùng, đó  chính là việc các tập đoàn bán lẻ khi nhảy vào Việt Nam  sẽ đẩy mạnh việc phân phối qua mạng bằng các trang web với hai thứ tiếng (Việt, Anh). Theo đó, họ sẽ không ngại “tiêu” thời gian và cử nhân viên tư vấn đến tận nhà chăm sóc khách hàng.

Vì sao họ lại tự tin người Việt sẽ sẵn sàng chi dùng đến vậy? Một điều tra không chính thức vừa mới đây về mức chi tiêu của các tầng lớp cư dân cho thấy: Không phải những “quý bà, quý ông” lắm tiền đứng đầu danh sách “dám chi tiêu” mà phần thắng lại thuộc về thế hệ tiêu dùng 7X và 8X.

Tầng lớp người tiêu dùng trẻ (từ 18 - 35 tuổi) có xu hướng thích mua sắm tại các cửa hàng chuyên và siêu thị, họ thích đi tham quan nhiều cửa hàng không ngại xa hay gần trước khi quyết định mua.

Các đại gia bán lẻ lớn đang quyết tâm “nhảy” vào chinh phục thị trường Việt Nam với điểm ngắm là những vị trí đẹp sẵn có ở trung tâm các thành phố lớn.

Cạnh tranh sẽ khốc liệt

Theo khảo sát của Bộ Thương mại, các siêu thị hiện đại mới xuất hiện ở 30/64 tỉnh thành chủ yếu là các thành phố lớn nhưng quy mô chưa lớn, trình độ quản lý, công nghệ, thiết bị kỹ thuật và phương thức kinh doanh chưa theo được chuẩn mực quốc tế.

Hàng bán lẻ qua siêu thị mới chiếm 10% so với 40% qua hệ thống chợ và  khoảng 44% qua các cửa hàng truyền thống. Cơ sở hậu cần bán lẻ như cảng, kho, vận chuyển, CNTT… ít và thiếu đồng bộ.

Trong khi đó thì các tập đoàn phân phối hàng đầu thế giới như Walmart (Mỹ) và Carrefour (Pháp) đã lập kế hoạch mở rộng các thị trường trọng điểm ở Việt Nam trong thời gian tới.

Dự án đầu tư Trung tâm thương mại lớn của tập đoàn Lotte của Hàn Quốc (vốn 15 triệu USD) hay dự án Tesco (tập đoàn bán lẻ đứng thứ sáu thế giới có doanh số 40 tỷ USD Mỹ/năm của Anh) hay tập đoàn Dairy Farm (Singapore) hiện cũng đang xin được cấp phép hoạt động.

Tập đoàn Parkson (Malaysia) đã chính thức tham gia thị trường bằng việc khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại TP HCM trong hệ thống 10 trung tâm mà tập đoàn này dự định đầu tư tại Việt Nam.

Đó là chưa kể Big C, Metro Cash & Carry hoặc Parkson đều cam kết sẽ tiếp tục mở thêm nhiều trung tâm và siêu thị ở các thành phố lớn của Việt Nam...

Bà Phạm Chi Lan - Thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng vừa cảnh báo: Thách thức đối với hệ thống phân phối truyền thống thời gian tới sẽ là không khí cạnh tranh quyết liệt do hệ thống phân phối hiện đại phát triển bởi cả các nhà phân phối hùng mạnh trên thế giới lẫn các DN Việt Nam đang lớn dần lên.

Bên cạnh còn có cả những yếu tố như: thay đổi hoặc biến động của thị trường, tình hình cung - cầu, giá cả, phương thức kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ.

Một điểm yếu kém mà giới bán lẻ Việt Nam không thể phủ nhận, đó là hệ thống thương mại bán lẻ của Việt Nam còn mang nặng tính đại lý (thực chất là làm thuê, lấy công làm lãi, khó giàu, khó có lợi nhuận để tái đầu tư và trình độ kinh doanh chỉ đạt phân nửa.. chuyên nghiệp).

Phân tích của Vụ Chính sách thị trường trong nước Bộ Thương mại gần đây nhận định: “Điều  khó tránh khỏi là hệ thống phân phối truyền thống sẽ bị thu hẹp thị phần, giảm tỷ trọng trong thương mại nội địa”.

Mở rộng các mối liên kết và củng cố mạng lưới chuỗi phân phối, là 2 xu hướng mà các nhà bán lẻ nội địa đang hướng đến. Trước sức ép cạnh tranh của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Metro, Big C, Parkson... con đường duy nhất để tồn tại của các nhà phân phối nhỏ Việt Nam là liên kết mới tăng sức mạnh cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài”.

Bên cạnh các trung tâm bán lẻ hiện đại, được biết hiện các DN Việt Nam còn đóng nhắm đến tập trung cả vào các siêu thị bình dân giành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp vì những cơ sở này hiện vẫn rất thành công.

Theo Khánh Huyền
Báo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm