"Minh bạch ngân sách của Việt Nam không tệ như vẫn nghĩ"
(Dân trí) - Một trong những nguyên nhân chính gây hoang mang về tình trạng sức khỏe tài chính của Việt Nam, theo HSBC, là có quá nhiều con số ước lượng ngân sách khác nhau.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Giữa lúc đó, Bộ Tài chính đang tiến hành những biện pháp có thể để hỗ trợ nền kinh tế. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được cắt giảm để hỗ trợ các doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư FDI vào sản xuất, đặc biệt là với các công ty công nghệ cao. Trong tháng 1/2014, thuế suất đã giảm xuống còn 22% từ mức 25% và đến năm 2016, dự kiến sẽ được giảm xuống mức 20%.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực và vùng ưu tiên của Chính phủ còn được hưởng mức thuế nhiều ưu đãi hơn. Các ưu đãi về thuế cộng với tốc độ tăng trưởng GPD chậm làm gia tăng mối quan ngại về ngân sách của Việt Nam.
Cách tính của chính phủ khá tương đồng với IMF nhưng cho kết quả có thâm hụt cao hơn.
Năm 2013, thâm hụt ngân sách đã tăng lên 5,5% GDP từ mức 5,4% GDP trong năm 2012. Theo HSBC, mối quan ngại không nằm ở báo cáo thâm hụt ngân sách của chính phủ mà ở sự thiếu minh bạch về nợ công dẫn đến nhiều ước lượng về nợ công khác nhau. Và để hiểu thêm liệu tình hình nợ công của Việt Nam có xác đáng không, HSBC đã nghiên cứu kỹ hơn phương pháp kế toán của chính phủ và các chi tiết về chi và thu ngân sách.
Các điểm rút ra chính là minh bạch ngân sách không tệ như mọi người vẫn nghĩ dù vẫn cần được cải thiện nhiều; mức độ thâm hụt nhiều khả năng thấp hơn ước tính của chính phủ và ngân sách có thể được cải thiện với vài điều chỉnh đơn giản.
Một trong những nguyên nhân chính gây hoang mang về tình trạng sức khỏe tài chính của Việt Nam, theo HSBC, là có quá nhiều con số ước lượng ngân sách khác nhau. Dựa trên một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, nguồn thu thập thông tin chính của mọi người về các con số tài chính thường từ báo chí, mà theo nghiên cứu cho thấy họ không hiểu tường tận về các báo cáo ngân sách. Đa phần báo chí chỉ nêu con số ngân sách được duyệt bởi Quốc hội hay con số ước tính của IMF
Nói về sự khác biệt trong cách tính ngân sách của Việt Nam và thế giới, HSBC cho biết, cả Chính phủ và GSFM 2001 đều định nghĩa bảng cân đối ngân sách bằng thu bù chi, nhưng Việt Nam tính nợ trả dần vào phần chi. Vì thế, các bảng tính từ Chính phủ luôn có số thâm hụt cao hơn bảng cân đối của IMF (GFSM 2001). Cần lưu ý là Chính phủ công bố hai bảng cân đối ngân sách: một bảng dùng cách tính Việt Nam và một bảng tính theo GFSM 2001. Cách tính của chính phủ khá tương đồng với IMF nhưng cho kết quả có thâm hụt cao hơn.
Cho tới nay, điều này thể hiện cán cân tài chính của Chính phủ Việt Nam trong thực tế thấp hơn so với các con số thống kê, đặc biệt khi sử dụng các chuẩn quốc tế để tính toán. Liệu từ đó có thể kết luận nợ của Việt Nam có thể thấp hơn nhiều, do đó tiềm ẩn rất ít rủi ro không trả được? Theo HSBC, khó có thể khẳng định chắc chắn điều này vì có nhiều vấn đề vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Cách Việt Nam định nghĩa doanh thu và chi phí trong báo cáo về ngân sách, một vài hạng mục có thể sắp xếp lại cho phù hợp với chuẩn GFSM 2001, như trình bày doanh thu từ mua bán tài sản tài chính vào mục tài sản phi tài chính ròng, do đó trong tổng thu còn lại thuế và phí, các khoản hỗ trợ và doanh thu chờ phân bổ sau. Doanh thu chờ phân bổ sau là một hạng mục khá khó phân tích.
Một vấn đề khác không rõ ràng là nguồn vốn phát sinh ngoài ngân sách, chi phí vốn ngoài ngân sách và các doanh nghiệp quốc doanh trong ngân sách. Trong khi có nhiều thông tin bên ngoài ngân sách như báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quốc hội, vẫn còn hạn chế lượng thông tin về phân bổ vốn chi tiết. Bộ Tài chính bắt đầu công bố báo cáo tài chính của các công ty quốc doanh trên trang thông tin điện tử của mình nhưng ảnh hưởng tới ngân sách vẫn chưa được đánh giá.
Và như vậy, nhiều vấn đề vẫn đang tiếp tục che phủ bức tranh tài khóa thực sự của Việt Nam.
Bích Diệp