1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Milton Friedman và chủ nghĩa trọng tiền

Kinh tế gia vĩ đại Milton Friedman đã từ trần vào tháng 11/2006. Bài viết sau đây của Paul Krugman về chân dung Friedman đề cập rất nhiều đến quá trình vận động của các quan điểm kinh tế, nhìn nhận hành vi thị trường và cách mà FED đối phó với lạm phát.

Chúng tôi xin trích giới thiệu bài viết này đến độc giả

 

Để hiểu về chủ nghĩa trọng tiền, điều đầu tiên bạn cần biết là từ “tiền” trong ngôn ngữ kinh tế không hẳn mang nghĩa giống như trong tiếng Anh bình thường. Khi các nhà kinh tế nói về cung tiền, họ không nghĩ đến của cải trong nghĩa thông thường. Họ chỉ nghĩ đến những dạng của cải có thể sử dụng ít nhiều trực tiếp để mua một cái gì đó. Tiền lưu thông - những mảnh giấy mầu xanh với hình của những ông tổng thống đã chết in trên đó – là tiền, tài khoản trong ngân hàng mà bạn có thể viết séc cũng là tiền. Nhưng cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản không phải là tiền, bởi vì chúng phải được chuyển đổi thành tiền mặt hoặc tài khoản ngân hàng trước khi có thể sử dụng được để chi trả.

 

Nếu nguồn cung tiền chỉ bao gồm tiền tệ đang lưu thông, nó sẽ nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ - hay chính xác hơn là của Cục Dự trữ Liên bang (CDTLB), một cơ quan chuyên trách tiền tệ, tương đương Ngân hàng Trung ương ở nhiều nước, là một thể chế phần nào đó tách biệt với chính phủ. Thực tế, nguồn cung tiền cũng bao gồm tiền gửi ngân hàng làm cho thực tại trở nên rắc rối hơn. Ngân hàng Trung ương chỉ trực tiếp kiểm soát “cơ số tiền tệ” (monetary base) - tổng của các loại tiền mặt đang lưu thông, tiền các ngân hàng lưu trữ trong các tầng hầm và tiền của các ngân hàng gửi Cục Dự trữ – nhưng không gồm những khoản tiền mà người dân gửi trong ngân hàng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bình thường, CDTLB kiểm soát trực tiếp cơ số tiền tệ là đủ để mang lại sự kiểm soát có hiệu quả toàn bộ lượng cung tiền.

 

Trước Keynes, các nhà kinh tế coi việc điều chỉnh cung tiền là một công cụ cơ bản để quản lý kinh tế. Nhưng Keynes lập luận rằng trong điều kiện suy thoái, khi lãi suất rất thấp, thay đổi trong lượng cung tiền có tác động rất nhỏ đến nền kinh tế. Logic của vấn đề như sau: Khi lãi suất là 4 đến 5%, không ai muốn ngồi trên đống tiền mặt nhàn rỗi. Nhưng trong tình trạng giống như năm 1935, khi lãi suất kỳ hạn 3 tháng của các loại trái phiếu của Bộ Tài chính chỉ có 0.14%, có quá ít lợi ích để chấp nhận việc sử dụng đồng tiền rủi ro như thế. Ngân hàng Trung ương có thể kích thích nền kinh tế bằng cách in thêm lượng lớn tiền, nhưng nếu lãi suất đã rất thấp rồi thì tiền mặt có thêm vào có lẽ cũng sẽ héo úa trong nhà băng hay trong chỗ cất giấu của người dân. Do vậy Keynes lập luận rằng chính sách tiền tệ - dựa vào việc thay đổi lượng cung tiền để điều khiển nền kinh tế - sẽ không hiệu quả. Và đó là lý do Keynes và những người tiếp bước ông tin rằng chính sách tài khóa - đặc biệt, một sự gia tăng trong chi tiêu chính phủ - là công cụ thiết yếu để kéo đất nước ra khỏi cuộc Đại Suy thoái.

 

Tại sao điều này lại quan trọng? Chính sách tiền tệ là sự can thiệp có tính kỹ trị ở mức độ cao, gần như phi chính trị của chính phủ vào nền kinh tế. Nếu Cục dự trữ Liên bang (CDTLB) quyết định gia tăng lượng cung tiền, nó chỉ cần mua lại một số loại trái phiếu chính phủ từ ngân hàng tư nhân, trả tiền mua trái phiếu bằng cách ghi thêm vào cột "có" trong các tài khoản dự trữ của ngân hàng - thực tế, điều duy nhất CDTLB phải làm là in thêm cơ số tiền mặt. Ngược lại, chính sách tài khóa đòi hỏi chính phủ phải can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế, thường theo các phương cách nặng tính toán đánh giá "chủ quan" (value-laden way): nếu các nhà chính trị quyết định phát triển những công trình công cộng để tạo ra việc làm, họ cần quyết định sẽ xây gì và ở đâu. Các nhà kinh tế ủng hộ khuynh hướng thị trường tự do thì thiên về tin tưởng rằng chính sách tiền tệ là tất cả những gì cần đến; còn những người mong muốn vai trò tích cực hơn của chính phủ thì có khuynh hướng tin rằng chính sách tài khóa là thiết yếu.

 

Tư duy kinh tế học sau thành tựu của cuộc cách mạng học thuyết Keynes – được phản ánh, chẳng hạn trong những ấn bản đầu tiên của cuốn sách giáo khoa kinh điển của Paul Samuelson (Kinh tế học – ND) – đặt ưu tiên cho chính sách tài khóa, trong khi chính sách tiền tệ được đặt sang một bên. Như Friedman nói trong bài thuyết trình năm 1967 của ông trước Hội Kinh tế Mỹ:

 

"Sự chấp nhận rộng rãi các quan điểm [của học thuyết Keynes] trong giới nghiên cứu kinh tế có nghĩa là chính sách tiền tệ, sau gần hai thập kỷ được tin tưởng rộng rãi, và chỉ với một chút nghi ngờ của những tay phản động, đã trở nên lỗi thời trước những kiến thức kinh tế học mới. Tiền không có vai trò quan trọng..."

 

Cho dù kết luận trên có thể là sự thổi phồng quá mức, chính sách tiền tệ chỉ nhận được sự quan tâm tương đối thấp trong suốt thập kỷ 1940 và 1950. Song Friedman đã thánh chiến cho quan điểm là tiền cũng đóng vai trò quan trọng, mà đỉnh điểm là trong ấn bản năm 1963 của cuốn Lịch sử tiền tệ của Mỹ, 1867-1960 (A Monetary History of the United States, 1867-1960) viết chung với Anna Schwartz.

 

Cho dù Lịch sử tiền tệ là một công trình có phạm vi kiến thức rộng với sự uyên bác lạ thường, bao trùm một thế kỷ phát triển tiền tệ, vấn đề gây tranh cãi và có tác động lớn nhất là phần đề cập đến cuộc Đại Suy thoái. Friedman và Schwartz đã cho rằng họ đã bác bỏ được cái nhìn nhận bi quan của Keynes về tác động của chính sách tiền tệ trong tình trạng suy thoái. Họ tuyên bố: “Sự co rút của nền kinh tế trên thực tế là một minh chứng đầy bi kịch cho thấy tầm quan trọng của sức mạnh tiền tệ”

 

Nhưng qua câu này ý họ muốn nói điều gì? Ngay từ đầu, luận điểm của Friedman-Schwartz dường như có vẻ loạng choạng. Và càng về sau, cách trình bày của Friedman càng thiếu gọt giũa, không tinh tế, và thậm chí bắt đầu dường như – không có cách diễn đạt nào khác - thiếu trung thực về mặt tri thức.

 

Trong việc giải thích nguyên nhân của cuộc Đại Suy thoái, việc phân biệt giữa cơ số tiền tệ (tiền lưu thông cộng với dự trữ ngân hàng), mà CDTLB kiểm soát trực tiếp, và lượng cung tiền (tiền lưu thông cộng với các khoản tiền gửi) là điều quyết định. Cơ số tiền tệ đã tăng trong thời kỳ những năm đầu tiên của cuộc Đại Suy thoái, từ mức trung bình 6.05 tỉ USD vào năm 1929 đến mức trung bình 7.02 tỉ USD vào năm1933. Nhưng lượng cung tiền lại giảm mạnh, từ 26.6 tỉ USD xuống 19.9 tỉ USD. Các xu hướng trái ngược này phản ánh ảnh hưởng từ làn sóng sụp đổ của các ngân hàng trong năm 1930-1931: khi công chúng mất lòng tin vào các ngân hàng, người ta bắt đầu giữ lại tiền mặt để bảo toàn tài sản của mình hơn là gửi vào ngân hàng, và những ngân hàng còn tồn tại bắt đầu giữ lại những lượng lớn tiền mặt chứ không cho vay ra ngoài, để ngăn ngừa rủi ro. Kết quả là hoạt động cho vay giảm, kéo theo việc giảm chi tiêu so với tình huống bình thường nếu như công chúng vẫn tiếp tục gởi tiền vào ngân hàng và ngân hàng vẫn tiếp tục dùng tiền gởi cho doanh nghiệp vay. Do sự suy sụp của hoạt động chi tiêu là nguyên nhân gần đúng nhất làm xảy ra Suy thoái, việc cả cá nhân và ngân hàng bỗng nhiên mong muốn nắm giữ tiền mặt nhiều hơn rõ ràng đã làm cho suy thoái tồi tệ hơn.

 

Friedman và Schwartz tuyên bố rằng việc giảm cung tiền đã biến một đợt sụt giảm bình thường thành một cuộc suy thoái thê thảm, bản thân nhận định này là một luận điểm đáng ngờ. Nhưng thậm chí nếu chúng ta thừa nhận luận điểm này, chúng ta vẫn sẽ phải đặt ra câu hỏi liệu CDTLB, dù cuối cùng cũng đã tăng cơ số tiền tệ lên, có thể bị coi là nguyên nhân làm giảm lượng cung tiền nói chung không. Ít nhất vào lúc đầu, Friedman và Schwartz đã không tuyên bố điều này. Thay vào đó, họ tuyên bố rằng CDTLB đã có thể ngăn ngừa sự sụt giảm lượng cung tiền, cụ thể là có thể cứu vãn sự sụp đổ của các ngân hàng trong thời kỳ khủng hoảng 1930-1931. Nếu CDTLB nhanh chóng tăng lượng tiền cho các ngân hàng vay khi chúng gặp tình hình xấu, hành động này có thể đã ngăn chặn được làn sóng sụp đổ của các ngân hàng, đồng thời có thể loại trừ cả các quyết định giữ tiền mặt lại thay vì gửi vào ngân hàng của công chúng, và loại trừ ý muốn của các ngân hàng còn tồn tại cất giữ tiền gửi trong hầm thay vì cho doanh nghiệp vay. Đến lượt nó, việc này có thể đã ngăn chặn được tình trạng tồi tệ nhất của cuộc Đại Suy thoái.

 

Ở đây, dẫn ra một sự so sánh có lẽ có ích. Giả sử rằng dịch cúm bùng phát, và các phân tích sau đó cho thấy các hành động thích hợp của Các Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch (CDC) lẽ ra đã có thể ngăn ngừa được bệnh dịch. Có vẻ là hợp lý khi khiển trách các cơ quan chính phủ đã thất bại trong việc thực thi những biện pháp thích hợp. Nhưng sẽ là suy diễn quá xa nếu nói rằng chính phủ đã gây ra bệnh dịch, hay nếu sử dụng thất bại của CDC như một minh họa của sự ưu việt của thị trường tự do so với chính phủ chuyên can thiệp.

 

Tuy thế nhiều nhà kinh tế, và số đông hơn là độc giả không chuyên, đã lấy đánh giá của Friedman và Schwartz để nghĩ rằng chính CDTLB gây ra Đại Suy thoái - rằng Đại Suy thoái theo nghĩa nào đó minh chứng cho tai họa từ chính sách can thiệp quá đáng của chính phủ. Và trong những năm sau đó, như tôi đã nói, khẳng định của Friedman trở nên thô bạo hơn, như thể đổ thêm dầu vào lửa. Trong bài diễn văn năm 1967 ông tuyên bố rằng “các cơ quan chức năng tiền tệ của Mỹ đã theo đuổi các chính sách gây giảm phát“, và rằng lượng cung tiền giảm “do Hệ thống Dự trữ Liên bang đã bắt buộc hoặc cho phép giảm bớt mạnh cơ số tiền tệ, do nó đã không hoàn thành trách nhiệm được giao“ - một sự quả quyết kỳ quặc khi nhớ rằng cơ số tiền tệ, như chúng ta đã thấy, thực tế tăng khi lượng cung tiền đang giảm. (Friedman có lẽ đã vin vào một số trường hợp trong giai đoạn này khi cơ số tiền tệ giảm nhẹ trong những giai đoạn ngắn, nhưng cho dù như thế đi nữa, tuyên bố của ông vẫn gây ra sự hiểu sai rất lớn, đó là nói theo nghĩa tốt nhất.)

 

Vào năm 1976, Friedman nói với độc giả của Newsweek rằng “sự thật cơ bản là cuộc Đại Suy thoái là do sự quản lý yếu kém của chính phủ gây ra ”, một tuyên bố mà những độc giả của ông chắc chắn sẽ hiểu thành là Suy thoái có lẽ đã không xảy ra nếu như chính phủ đã không can thiệp gì hết. Thật ra những gì Friedman và Schwartz thực sự muốn nói phải là chính phủ lẽ ra cần can thiệp tích cực hơn, chứ không phải ngược lại.

 

Tại sao những cuộc tranh luận trong lịch sử về vai trò của chính sách tiền tệ những năm 1930 lại có ý nghĩa quan trọng đến như vậy trong những năm 1960. Một phần bởi vì nó củng cố thêm chương trình hành động rộng lớn hơn nhằm chống chính phủ của Friedman; điều này sẽ được nói kỹ hơn bên dưới. Nhưng trực tiếp hơn là nhằm củng cố việc quảng bá chủ nghĩa trọng tiền của Friedman. Theo học thuyết này, CDTLB nên giữ lượng cung tiền tăng đều, tỉ lệ tăng thấp, ví dụ khoảng 3% mỗi năm – và không được đi chệch khỏi mục tiêu này, bất kể có điều gì xảy ra với nền kinh tế. Ý tưởng này cơ bản là đặt chính sách tiền tệ vào tình trạng tự động điều khiển, loại bỏ bất kỳ sự suy xét thận trọng nào về nhiệm vụ của quan chức chính phủ.

 

Quan điểm về chủ nghĩa trọng tiền của Friedman một phần mang tính kinh tế và một phần mang tính chính trị. Việc tăng đều đặn lượng cung tiền, ông lập luận, sẽ dẫn đến một nền kinh tế ổn định tương đối. Ông chưa bao giờ tuyên bố rằng làm theo nguyên tắc của ông sẽ loại bỏ tất cả các cuộc suy thoái, nhưng ông đã lập luận rằng sự lên xuống trong lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế sẽ nhỏ và có thể vượt qua – do vậy mới có sự quả quyết rằng Đại Suy thoái đã không xảy ra nếu CDTLB tuân theo các quy tắc của chính sách trọng tiền. Và đi cùng với niềm tin có dè dặt vào khả năng ổn định của nền kinh tế khi tuân theo các quy luật trọng tiền, là sự khinh thường thiếu dè dặt mà Friedman dành cho khả năng của các quan chức CDTLB nếu được giao phó việc cân nhắc hành động. Chứng cớ đầu tiên cho sự không đáng tin cậy vào CDTLB là sự khởi đầu của cuộc Đại Suy thoái, nhưng Friedman có thể chỉ ra nhiều ví dụ khác về các chính sách sai đường. “Quy luật tiền tệ”, ông đã viết vào năm 1972, “sẽ bảo vệ chính sách tiền tệ khỏi sự chuyên quyền của một nhóm ít người không bị cử tri kiểm soát và khỏi những áp lực ngắn hạn của chính trị đảng phái”.

 

Chủ nghĩa trọng tiền có một ảnh hưởng mạnh trong các cuộc tranh luận về kinh tế học trong khoảng 3 thập kỷ sau khi Friedman lần đầu tiên đề ra học thuyết này trong cuốn sách của ông xuất bản năm 1959, Một Chương trình để Ổn định Tiền tệ (A Program for Monetary Stability). Tuy nhiên ngày nay nó là cái bóng mờ của chính nó trước đó, bởi hai nguyên nhân chính.

 

Thứ nhất, khi Mỹ và Anh thử đưa học thuyết trọng tiền vào thực tế cuối năm 1970, cả hai đều đã thu được những kết quả tệ hại: ở mỗi nước việc tăng đều đặn lượng cung tiền đều không thể ngăn ngừa tình trạng suy thoái khốc liệt. Cục dự trữ Liên bang (CDTLB) chính thức đề ra những mục tiêu tiền tệ kiểu Friedman vào năm 1979, nhưng thực tế đã từ bỏ chúng vào năm 1982 khi tỉ lệ thất nghiệp lên đến 2 con số. Việc từ bỏ này được thực hiện chính thức vào năm 1984, và suốt từ đó CDTLB đã tiến hành chính những biện pháp tinh chỉnh tùy nghi mà Friedman đã chỉ trích. Chẳng hạn, CDTLB phản ứng với tình trạng suy thoái năm 2001 bằng cách cắt giảm lãi suất và cho phép lượng cung tiền tăng với những tỉ lệ mà đôi lúc vượt quá 10% mỗi năm. Một khi CDTLB tin rằng sự phục hồi đã vững chắc, nó đảo ngược quá trình này, tăng lãi suất và cho phép mức tăng lượng cung tiền trở về số không.

 

Thứ hai, từ đầu những năm 1980, sự thành công tương đối của CDTLB và các cơ quan tương đương của những nước khác đã làm xói mòn hình ảnh mà Friedman muốn dùng để miêu tả các quan chức Ngân hàng Trung ương như người vụng về không thể cải tạo được. Lạm phát duy trì ở mức thấp, suy thoái – ngoại trừ Nhật Bản, sẽ được bàn thêm ở dưới – tương đối ngắn và không có ảnh hưởng sâu rộng. Và tất cả điều này đã xảy ra bất chấp sự thay đổi thất thường của lượng cung tiền mà những nhà kinh tế trọng tiền đã sợ, và dẫn họ - trong đó có cả Friedman - đến dự báo về những thảm họa không xảy ra. Khi David Warsh của tờ The Boston Globe chỉ ra năm 1992, “Friedman đã làm cùn ngọn giáo của mình khi dự báo lạm phát vào những năm 1980 thường xuyên sai nặng”.

 

Đến năm 2004, Báo cáo Kinh tế của Tổng thống, do chính các nhà kinh tế rất bảo thủ trong chính quyền Bush viết đã đưa ra tuyên bố chống chính sách quá trọng tiền khi cho rằng “chính sách tiền tệ mạnh mẽ” – không phải một chính sách ổn định, tăng đều đặn, mà là mạnh mẽ – “có thể làm giảm cường độ của một cuộc suy thoái”

 

Bây giờ nói về Nhật Bản. Trong những năm 1990 Nhật Bản đã trải qua một sự lập lại nhưng ở mức yếu hơn cuộc Đại Suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp không cao bằng thời kỳ Suy thoái nhờ những công trình công cộng quy mô đồ sộ mà Nhật Bản, với dân số ít hơn dân số Mỹ nhưng lại đổ nhiều bê-tông mỗi năm hơn Mỹ. Nhưng tình trạng lãi suất rất thấp của cuộc đại suy thoái lại tái hiện. Vào năm 1998, lãi suất liên ngân hàng, tỉ lệ vay qua đêm giữa các ngân hàng, chính xác bằng không.

 

Trong những điều kiện như vậy, chính sách tiền tệ đã tỏ ra không hiệu quả như Keynes đã nói trong những năm 1930. Ngân hàng Nhật Bản, cơ quan tương đương CDTLB, đã gia tăng cơ số tiền tệ. Nhưng những đồng Yên phát hành thêm được tích trữ chứ không được đưa vào chi tiêu. Một vài nhà kinh tế Nhật Bản đã nói với tôi vào lúc đó rằng thứ hàng hóa tiêu dùng bền vững bán chạy duy nhất là két sắt. Thực tế, Ngân hàng Nhật Bản đã nhận ra là thậm chí chính nó cũng không thể gia tăng lượng cung tiền nhiều như nó muốn. Nó đã đẩy những lượng tiền mặt khổng lồ vào lưu thông, nhưng các chỉ số đo lường lượng cung tiền hiểu theo nghĩa rộng tăng rất ít. Sự phục hồi kinh tế cuối cùng bắt đầu một vài năm trước đây, nhờ vào sự hồi sinh của hoạt động đầu tư kinh doanh để tận dụng những cơ hội công nghệ mới. Nhưng chính sách tiền tệ thì chưa bao giờ có khả năng tạo ra bất kỳ lực kéo nào.

 

Thực tế, Nhật Bản trong những năm 90 đã đưa ra một cơ hội mới để kiểm chứng quan điểm của Friedman và Keynes về hiệu quả của chính sách tiền tệ trong điều kiện suy thoái. Và kết quả rõ ràng ủng hộ sự bi quan của Keynes hơn là sự lạc quan (vào chính sách tiền tệ) của Friedman.

 

Theo Thời đại mới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm