1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Miễn thuế chỉ giá trị bằng bát phở - bất khả thi

(Dân trí) - “Tiềm năng vật chất để dùng kích thích thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp qua việc miễn thuế rất hạn chế vì tổng lượng giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài cũng chỉ khoảng 9.100 tỷ đồng” - Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển trao đổi.

“Nói không” với đề xuất miễn thuế của Chính phủ để gỡ khó cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, UB Tài chính ngân sách có ý nói giải pháp này thiếu khả thi. Như vậy có cực đoan không, thưa ông?

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp quan trọng hàng đầu là chính sách tiền tệ, còn sức mạnh tài chính của giải pháp 29.000 tỷ đồng cũng không đáng kể lắm.

Ví dụ, với con số giảm khoảng 7 tỷ đồng tiền thuế cho 25.000 hộ và cá nhân kinh doanh nhà trọ, suất ăn ca cho công nhân từ tháng 8/2011 đến nay, nếu tính trong 12 tháng, mỗi hộ chỉ được miễn giảm 30.000 đồng. Các hộ kinh doanh liệu có chấp nhận mức miễn giảm chừng đó nhưng kèm theo điều kiện phải giữ giá bán như cũ hay không? Không ai làm vậy vì giá giảm chỉ bằng một bát phở nên ràng buộc anh nào được miễn giảm thì phải giữ giá là bất khả thi.

Vậy tại sao tháng 8 năm ngoái Chính phủ có đề xuất tương tự nhưng cả, ông lại ủng hộ?

Uỷ ban Tài chính - ngân sách khi đó cũng cho rằng việc này chỉ mang tính chất động viên. Mà qua một thời gian thực hiện cũng thấy không hiệu quả nên chúng tôi không tán thành đề xuất lần này nữa.
 
Miễn thuế chỉ giá trị bằng bát phở - bất khả thi
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển: "Tiền đang không chảy đúng chỗ cần thiết".

Gói giải pháp 29.000 tỷ đồng sẽ tác động thế nào đến chính sách tài khóa?

Kể cả việc miễn giảm thuế cũng như giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài thì tổng số tiền cũng chỉ khoảng 9.100 tỷ đồng. Tất nhiên lượng tiền đó sẽ có tác động nhất định nhưng đối với chính sách tài khóa thì không quá ảnh hưởng nhiều đến khả năng cân đối thu chi cũng như tác động vào nền kinh tế.

Chúng tôi cho rằng tiềm năng vật chất để có thể dùng kích thích thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp qua việc này rất hạn chế. Hiện chúng ta có 540.000 doanh nghiệp trong đó có khoảng 250.000 thường xuyên nợ đọng thuế, so với khoản 9.100 tỷ có thể thấy sức mạnh về tài chính của giải pháp không đáng kể. Cái đáng nói nhất ở đây là Chính phủ đã đưa ra rất nhiều giải pháp, có cả giải pháp về tiền tệ, hành chính, giãn thuế…

Nhưng nói thật, về giãn thuế, có khoảng 16.000 tỷ đồng, nếu tính theo lãi suất hiện tại, có thể tạo ra khoản 1000 tỷ đồng, không thể chi phối nhiều đến thị trường.

Vậy theo ông, ngoài các giải pháp Chính phủ đưa ra cần sự hỗ trợ nào để doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn rất khó khăn này?

Khi các doanh nghiệp khó khăn cần phải có các biện pháp để giúp đỡ tổng thể. Biện pháp đầu tiên, quan trọng hàng đầu chính là chính sách tiền tệ. Đó mới là vấn đề lâu dài, căn bản nhất cho các doanh nghiệp vì có thể nói hoạt động tín dụng hiện nay của ta, dòng tiền không chảy vào đúng chỗ, đang bị dồn các lĩnh vực khác như mua trái phiếu Chính phủ hoặc cho các ngân hàng vay nợ lẫn nhau. Lượng tiền bạc, tài sản đổ vào sản xuất lại không đáng kể. Hiện đã hết quý 1 mà tăng trưởng tín dụng vẫn âm.

Nhiều DN đang than, lãi suất có hạ đôi chút nhưng lại khiến họ càng khó tiếp cận vốn. Bản thân các ngân hàng rất ngại cho các DN vay vì sợ không bảo toàn được vốn. Vậy nên các ngân hàng giờ đang đứng trước tình huống “lưỡng nan”.

Chính sách tài khóa, miễn giảm thuế thực ra chỉ mang tính chất như tác nhân, góp phần kích thích, không giải quyết được vấn đề.

Nhưng như nhiều chuyên gia cũng nói, chính sách tiền tệ đã hết dư địa?

Nói không còn dư địa thì tại sao vừa qua nhiều ngân hàng khó khăn nhưng cũng rất nhiều ngân hàng lãi lớn, chênh lệch thu chi lớn. Như vậy rõ ràng vẫn phải có dư địa chứ. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải quyết tâm để trong một thời gian, như mong muốn của DN, kinh tế vĩ mô của ta phải thật ổn định. Trong đó, chính sách tín dụng cũng phải ổn định để biết hướng đầu tư. Như hiện tại, 1 dự án khoảng 3-5 năm mà trong thời gian đó liên tục thay đổi về lãi suất, không thể lường được.

P.Thảo (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm