Michael Porter bàn về tính cạnh tranh của Việt Nam
Michael Porter được xem là một “nhà chiến lược” xuất sắc nhất hiện nay bởi hàng loạt các cuộc bình chọn uy tín. Sau thành công trong việc tư vấn cho Thái Lan và nhiều quốc gia châu Á khác, cách đây khá lâu ông Michael Porter đã trình bày với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải những yếu tố cấu thành sức mạnh cạnh tranh của Việt Nam.
Dưới đây là đoạn trích giới thiệu bài viết của ông đăng tải trên website chính thức tại Đại học Harvard.
“Chỉ có các doanh nghiệp mới có thể tạo ra của cải, không phải chính phủ. Tôi nhìn thấy ở Việt Nam một năng lực sản xuất và môi trường làm việc rất tốt.
Sự phát triển chính là một quá trình nâng cấp nền kinh tế, trong đó môi trường kinh doanh sẽ là nơi luôn ủng hộ và khuyến khích những cách thức mới mẻ và hiệu quả để tạo ra sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp nói riêng và tổng thể doanh nghiệp trên toàn quốc nói chung cũng như ngay cả trong thương trường quốc tế. Để nói giản đơn nhất về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế và quốc gia Việt Nam, chúng ta cần thấu hiểu vài vấn đề chính của tính cạnh tranh.
Điều đầu tiên , là cần phải vượt lên trên sự dựa dẫm vào sự tăng trưởng xuất khẩu. Những tín hiệu ban đầu cho thấy tham vọng có thể xây dựng Việt Nam trở thành một địa điểm năng suất cao và nâng cấp các khu vực nội địa.
Thứ đến, tôi nhìn thấy, và các báo cáo quốc tế cũng khẳng định như vậy, là Việt Nam đang phát triển một khu vực cá nhân trong nước mạnh mẽ và độc lập. Đó cũng đồng nghĩa với việc phát triển quá trình tư hữu hoá và sự quản lý của Chính phủ, phát triển thị trường tài chính.
Một điều tối quan trọng là cần phải giải quyết những điểm yếu chủ chốt của môi trường kinh doanh, như tính quan liêu và tệ tham nhũng, cùng với sự yếu kém của cơ sở hạ tầng.
Sau đó, tôi cho rằng Việt Nam cần phải tập trung vào những ngành kinh tế chủ chốt và có ưu thế, như du lịch, dệt may, giày dép, thuỷ hải sản và dầu khí.
Có một điều cuối cùng mà tôi muốn mọi người lưu ý là cần phải thúc đẩy sự phát triển theo những mức khác nhau: các tỉnh trong nước Việt Nam, khu vực Đông Dương sau đó phải lấn dần sang khu vực Đông Nam Á. Đó là con đường quan trọng cần theo”.
Theo Kiến Phước
Báo Sài Gòn Tiếp thị