Mẹo bảo vệ tài khoản ngân hàng dịp Tết, tránh tiền "không cánh mà bay"

Thảo Thu

(Dân trí) - Tết là thời điểm nhiều người chủ quan vui chơi sau một năm làm việc vất vả, tội phạm mạng sẽ lợi dụng điểm này để "cuỗm" tiền trong tài khoản ngân hàng.

Dịp Tết là lúc các ngân hàng đóng cửa giao dịch và chỉ có một lượng nhân viên nhất định trực online, nếu chẳng may khách hàng bị hack tài khoản sẽ khó để xử lý. 

Vậy làm thế nào để bảo vệ tài khoản ngân hàng trong dịp này? Nếu chẳng may số dư tài khoản của bạn "bốc hơi" trong những ngày nghỉ Tết thì sẽ phải xử lý sự cố ra sao? Dưới đây là mẹo bảo vệ tài khoản của chuyên gia an ninh mạng Đoàn Trung Sơn, Khoa An ninh thông tin, Học viện An ninh nhân dân.

Vì sao dễ bị hack tài khoản dịp Tết?

Dịp Tết, các giao dịch trên tài khoản thẻ phổ biến hơn bởi các hoạt động liên quan đến việc chuyển, nhận tiền lương và giải quyết công nợ, mua bán các dịch vụ, sản phẩm trực tuyến… Việc người dân dễ dàng tham gia giao dịch trực tuyến, trong đó có chi tiêu cho thương mại điện tử, cũng là nguyên nhân khiến thông tin cá nhân liên quan tài khoản thẻ ngân hàng bị lộ , mất mát do thiếu cảnh giác. Khoảng thời gian này, theo thống kê, cũng là dịp mà tội phạm hoành hành nhằm chiếm đoạt tài chính của các nạn nhân.

Vì những lý do trên, người dùng cần nâng cao nhận thức bảo mật thông tin thẻ ngân hàng, đặc biệt trong dịp Tết Quý Mão sắp tới.

Mẹo bảo vệ tài khoản ngân hàng dịp Tết, tránh tiền không cánh mà bay - 1

Tết là thời điểm tội phạm hoành hành nhằm, chiếm đoạt tài chính của các nạn nhân từ các tài khoản ngân hàng (Ảnh: Thảo Thu).

Lưu ý gì khi sử dụng tài khoản ngân hàng để tránh trường hợp tiền "không cánh mà bay"?

Việc mất tiền trong tài khoản nguyên nhân có thể đến từ phía người dùng hoặc bên ngân hàng cung cấp dịch vụ thẻ.

Đối với người dùng: Cần bảo mật nhiều lớp thông tin thẻ ngân hàng, chuyển sang xác thực sinh trắc học sẽ an toàn hơn trong việc bảo vệ thông tin thẻ trực tuyến và điều kiện tiên quyết bảo vệ mã xác thực 2 lớp OTP trong mọi trường hợp. Không tham gia sử dụng các dịch vụ trực tuyến có thể gây nguy hại cho thẻ ngân hàng sở hữu, đa số các dịch vụ nên đến các chi nhánh trực tiếp yêu cầu hỗ trợ từ nhân viên sẽ an toàn. Trước các giao dịch chuyển tiền, người dùng cần xác minh lại thông tin về giao dịch và người nhận bằng cách gặp trực tiếp hoặc gọi điện thay vì tin tưởng hoàn toàn vào những trao đổi không rõ ràng trên các nền tảng mạng xã hội, tin nhắn SMS, email…

Đối với nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng, dịch vụ viễn thông: Cần rà soát lại toàn bộ các dịch vụ cung cấp trực tuyến có thể gây nguy hại cho tài khoản thẻ ngân hàng của người dùng.

Trong trường hợp quan trọng thì bắt buộc người dùng đến các chi nhánh thực hiện dịch vụ thay vì hỗ trợ trực tuyến. Nhà cung cấp dịch vụ cần phải tuyệt đối bảo vệ thông tin người dùng bằng mọi giá, tránh sử dụng, cung cấp cho bên thứ 3 mà mất kiểm soát an toàn và bảo mật dẫn đến gây hại cho khách hàng. Bảo vệ số điện thoại, Email, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng và tài khoản các dịch vụ người dùng đăng ký ở mức bảo mật cao nhất.

Nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng, viễn thông, ví điện tử cần tăng cường xác minh định danh người dùng để tránh bị sụp bẫy của tội phạm gây mất mát, thay đổi thông tin người dùng trái phép. 

Nếu chẳng may bị hack tiền trong tài khoản vào dịp Tết, khách hàng cần xử lý ra sao?

Bị hack là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, khi lỡ xảy ra, người dùng cần liên hệ nhà mạng để khóa số điện thoại gồm tin nhắn và cuộc gọi đến, kiểm tra tính bảo mật của email.

Ngoài ra, khóa tính năng thanh toán trực tuyến và thẻ tín dụng đang bị tội phạm tìm cách lấy thông tin.

Sau đó, họ có thể liên hệ ngân hàng để hỗ trợ, trong đó cần kiểm soát chặt chẽ số điện thoại có thể bị chiếm đoạt, đây có thể là nguyên nhân bị mất tiền và thông báo tới cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và ghi nhận vụ việc đã xảy ra.

Mẹo bảo vệ tài khoản ngân hàng dịp Tết, tránh tiền không cánh mà bay - 2

Cần khóa tính năng thanh toán trực tuyến và thẻ tín dụng đang bị tội phạm tìm cách lấy thông tin nếu lỡ bị hack tài khoản (Ảnh: Thảo Thu).

Thông thường, các cơ quan chứng năng sẽ xử lý ra sao khi tiếp nhận một phản ánh của khách hàng liên quan đến việc bỗng nhiên mất tiền?

Trong các trường hợp khách hàng bị mất tiền trong tài khoản thẻ thì thường 80% trường hợp lộ lọt thông tin mà nguyên nhân đến từ phía các khách hàng. Phía ngân hàng cần khóa tài khoản khi phát hiện, rà soát lại các giao dịch liên quan đến việc chuyển tiền từ tài khoản thẻ của nạn nhân để tạm ngừng ngay lập tức các giao dịch, hạn chế thiệt hại và cung cấp thông tin cho công an trong trường hợp được yêu cầu.

Ngân hàng thường mất 45-60 ngày để tra soát, truy xuất và đối chứng thông tin trong tài khoản nạn nhân để đi đến kết luận cuối cùng. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn chậm chễ trong trường hợp nhận tin báo từ khách hàng và xử lý. Việc tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc cảnh báo sớm các giao dịch bất thường của ngân hàng còn chưa được thực hiện tốt để bảo vệ tài khoản thẻ của khách hàng.

Hình thức tấn công vào tài khoản thẻ ngân hàng của khách hàng rất đa dạng trên nhiều phương diện, nguyên nhân xuất phát từ nhiều bên như khách hàng, ngân hàng, nhà mạng truyền thông…

Hiện chưa có số liệu cụ thể về việc thu hồi thiệt hại của các nạn nhân trong trường hợp tài khoản ngân hàng bị mất tiền. Muốn thu hồi lại tiền cho nạn nhân thì nhất thiết phải xác định được tội phạm thông qua việc vụ án đã được điều tra, xét xử thành công và thu hồi được số tiền đã bị chiếm đoạt nếu có.