1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Máy bay mất tích khiến CEO của Malaysia Airlines thêm điêu đứng

(Dân trí) - Mới về đầu quân cho Malaysia Airlines chưa đầy 3 năm và đang vất vả đưa hãng hàng không này trở lại kinh doanh có lãi, CEO Ahmad Jauhari Yahya giờ lại thêm điêu đứng khi một chiếc Boeing 777 mất tích, mang theo 239 hành khách hôm 8/3.

Kể từ khi gia nhập hãng hàng không quốc gia Malaysia tháng 9/2011 đến nay, nhà lãnh đạo kỳ cựu của ngành điện lực này đã chứng kiến cổ phiếu của hãng sụt giảm tới 63%, do vấp phải sự cạnh tranh dữ dội từ các hãng hàng không giá rẻ trong đó có AirAsia Bhd., cũng như những tuyến bay kém khả thi. Trong 3 năm qua, Malaysia Airlines đã lỗ tổng cộng tới 4,13 tỷ ringgit (1,3 tỷ USD).

CEO Ahmad Jauhari Yahya trong buổi họp báo công bố máy bay mất tích

Cho đến nay, các lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm chuyến bay 370 của Malaysia Airlines, sau khi máy bay này mất tích trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh sáng 8/3. Đây là vụ tai nạn thứ hai xảy ra đối với máy bay của Malaysia Airlines trong vòng 6 tháng qua. Hồi tháng 10 năm ngoái, một chiếc Twin Otter DHC6 của công ty con của hãng này là MASwings đã gặp nạn khi hạ cánh trên đảo Borneo, khiến 2 người thiệt mạng.

“Khi một chuyện như thế này xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng lớn tới danh tiếng và khả năng xoay chuyển tình hình của họ”, Shukor Yusof, nhà phân tích của Standard & Poor’s tại Singapore nhận định. “Bên cạnh đó, nó cũng phủ bóng đen lên ban lãnh đạo và cổ đông công ty”

Thời gian qua Malaysia Airlines đã chứng kiến nhiều hãng hàng không giá rẻ mới ra đời qua mặt với đội bay lớn hơn, còn lợi nhuận trên các chặng bay chính sụt giảm. Ahmad Jauhari cũng phải đương đầu với việc một số chính trị gia kêu gọi chính phủ Malaysia bán cổ phần tại hãng hàng không này, vốn chịu thua lỗ tới 1,17 tỷ ringgit trong năm ngoái.

Quá khứ huy hoàng

Ahmad Jauhari từng có 16 năm kinh nghiệm trong ngành điện của Malaysia, và đã lên đến chức CEO của Malakoff Bhd., công ty điện tư nhân lớn nhất nước này trước khi bị ngừng niêm yết.

Năm 2010, khi ông rời Malakoff, nhà sản xuất điện này có mức doanh thu/cổ phiếu tăng hơn gấp đôi so với thời điểm 2008. Ahmad Jauhari là CEO của một công ty tư nhân có tên Premium Renewable Energy Sdn trong khoảng 6 tháng trước khi gia nhập hãng hàng không quốc doanh.

Ông cũng từng có thời gian làm cho tập đoàn bán lẻ xăng dầu Esso Malaysia Bhd., công ty con của Exxon Mobil Corp., và làm cho tờ báo New Straits Times Press Bhd.

Tình hình của Malaysia Airlines đang rất ảm đạm
Tình hình của Malaysia Airlines đang rất ảm đạm

Hiện 14/16 nhà phân tích cổ phiếu của Malaysia Airlines đã khuyến cáo bán cổ phiếu này, trong khi chỉ có 2 người đề nghị nắm giữ.

Những thách thức phía trước với Ahmad Jauhari bao gồm phải gia tăng năng suất của công nhân, trong khi thuyết phục các khách hàng tiếp tục gắn bó với hãng sau vụ tai nạn vừa diễn ra.

Hiện các nhân viên của Malaysia Airlines bị đánh giá có năng suất thấp hơn đồng nghiệp ở các nước láng giềng. Mỗi năm, doanh thu họ đem lại cho công ty trung bình khoảng 222.000 USD, chưa bằng một nửa năng suất của nhân viên Singapore Airlines Ltd. Các nhân viên của Airways International Pcl và PT Garuda Indonesia Persero đều có mức doanh thu trung bình cao hơn.

Thành lập tháng 10/1937, Malaysia Airlines có đội bay gồm 96 chiếc. Hiện họ có kế hoạch bổ sung thêm 100 máy bay nữa, và dự kiến sẽ tiếp nhận máy bay mới từ cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, trong nỗ lực nhằm nâng cấp đội bay.

Trong số những người đề nghị chính phủ Malaysia cổ phần hóa hãng hàng không này có cựu thủ tướng Mahathir Mohamad, nhà lãnh đạo lâu năm nhất của nước này. Ngoài ra còn có cựu CEO của chính Malaysia Airlines Idris Jala, người hiện là Bộ trưởng trong chính phủ của thủ tướng Najib Razak. Idris chính là người từng đưa công ty trở lại có lời năm 2006.

Phát biểu với hãng tin Bernama hồi năm ngoái, ông Mahathir cho rằng một chủ sở hữu tư nhân sẽ nỗ lực nhiều hơn để giúp công ty tránh thua lỗ so với chính phủ. Tuy nhiên, ông Najib hồi tháng 8 năm ngoái lại tỏ ý không muốn bán cổ phần và cho rằng việc vực dậy hãng hàng không này “không thể diễn ra một sớm một chiều”.

Nhưng nhà phân tích Shukor của S&P thì khẳng định “họ chưa bao giờ có dòng tiền tốt, nhưng lại có sự hỗ trợ lớn từ chính phủ và được cấp tiền giải cứu một cách không công bằng. Bởi khi bạn nhận được hỗ trợ từ chính phủ, nó sẽ làm méo mó tình hình tài chính của công ty”.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước