1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM:

Máy bay của Vietnam Airlines liên tiếp gặp sự cố

(Dân trí) - Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong thời gian ngắn gần đây, các máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) liên tiếp xảy ra các sự cố uy hiếp an toàn trong lĩnh vực hàng không.

Cụ thể, ngày 4/5, máy bay A330 mang số đăng ký VN-A379 khi đang được đẩy ra đường lăn trên sân bay thì bất ngờ chốt cần của xe kéo dắt bị gẫy. Cần kéo xe dắt đã đâm vào máy bay, gây hỏng hóc ở càng mũi máy bay.

Tiếp đó, ngày 6/5, máy bay của VNA lại gặp sự cố khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Đó là chuyến bay VN503 khởi hành từ Quảng Châu (Trung Quốc) đến TPHCM. Khi máy bay hạ cánh nhưng lại vượt quá đường cất hạ cánh khoảng 50m trên sân bay Tân Sơn Nhất, làm hành khách một phen hú vía.

Ngày 9/5, cũng tại sân bay Tân Sơn Nhất, chuyến bay VN1141 từ Hà Nội vào TPHCM, tổ bay thao tác sai kỹ thuật. Chính vì vậy, khi hạ cánh, đuôi máy bay quệt xuống đường băng. Sự cố khiến cho phần đuôi máy bay bị móp méo và có những vết xước lớn. Ngày 9/5, cũng xảy ra thêm một sự cố liên quan đến máy bay của Vietnam Airlines. Đó là máy bay ATR72 (số đăng ký VN-B231, thực hiện chuyến bay K6108) đang bay thì bị tắt lửa buồng đốt động cơ số 1.
 
Máy bay của VNA (Ảnh minh họa)
Máy bay của VNA (Ảnh minh họa)

Ngày 24/5, chuyến bay VN1159 từ Hà Nội đi TPHCM cũng xảy ra sự cố khiến hành khách một phen hú vía. Khi máy bay đang trong hành trình thì bị rò rỉ khí ở cánh phải, áp suất cabin vượt độ cao cabin. Máy bay phải bổ nhào, hạ cánh khẩn cấp xuống Đà Nẵng.

Ngày 25/5, máy bay mang số đăng ký VN-A332, thực hiện chuyến bay mang số hiệu VN580 từ TPHCM đi Khánh Hòa đã phát tiếng nổ khiến tổ bay phải xin phép hạ cánh khẩn cấp và triển khai công tác khẩn nguy. Tại mặt đất kiểm tra xác định lốp số 3 bị nổ gây hỏng cánh của máy bay.

Ngày 27/5, máy bay A321, số đăng ký VN-A356, chuyến bay VN1522, bay chặng Cam Ranh - Hà Nội cũng xảy ra sự cố. Khi máy bay đang chạy đà với tốc độ hơn 100km/giờ thì có một tiếng nổ ở khu vực động cơ số 2 và cháy. Chiếc máy bay nói trên đã nhận lệnh dừng bay tại Cam Ranh để khắc phục kĩ thuật.

Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 5/2012, xảy ra 32 sự cố hàng không, trong đó có 23 sự cố liên quan đến VNA. 

Trước những sự cố hàng không nói trên, Vietnam Airlines vừa có văn bản trả lời chính thức. Theo đó, hãng bay này khẳng định với nỗ lực của toàn hệ thống, số vụ việc có nguy cơ uy hiếp an toàn bay giảm mạnh, trong 5 tháng đầu năm 2012 trung bình chỉ có 12.3 vụ việc uy hiếp an toàn bay trên mỗi 10.000 chuyến bay.

Vietnam Airlines nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc nói trên, như : chim va vào động cơ (26 vụ năm 2011 và 4 vụ trong 5 tháng 2012), sét đánh (11 vụ năm 2011 và 7 vụ trong 5 tháng 2012)... Tỷ lệ các vụ việc có nguy cơ uy hiếp an toàn bay trên các chuyến bay của Vietnam Airlines liên tục giảm mạnh so với các năm trước đây, có 30.8 trong năm 2009, 27.7 năm 2010 và 17.1 năm 2011.

Theo thống kê của các hãng thành viên Hiệp hội các hãng hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), năm 2009 tỷ lệ các vụ việc có nguy cơ uy hiếp an toàn bay trên các chuyến bay là 38.5 năm, 45.3 năm 2010, 54.9 năm 2011, trong 5 tháng đầu năm 2012 AAPA chưa có thống kê.

Về phía Cục Hàng không Việt Nam, đại diện Cục này cho biết, các vụ việc xảy ra thường xuyên được thống kê trong toàn ngành và ở tất cả các hãng hàng không. Với Vietnam Airlines, tuy số vụ có nhiều hơn các hãng khác (do số lượng chuyến bay dày đặc, các hãng khác ít hơn rất nhiều - PV) những đó cũng không có gì bất thường hay nghiêm trọng. Bởi theo vị đại diện này, hàng không là lĩnh vực nhạy cảm và trong quá trình các hãng khai thác phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào đều được cho là có liên quan đến an toàn hàng không và phải thực hiện kiểm tra, xử lý theo đúng quy trình, quy định.

Công Quang - Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm