Mất ngủ vì nhập nửa tỷ tiền hoa, tính chuyện xả hàng Tết sớm
(Dân trí) - Dịch bệnh xuất hiện trở lại thời điểm cận Tết gây ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh doanh, khiến không ít chủ hàng hoa thời vụ tính chuyện bán online, thậm chí xả hàng nếu diễn biến xấu.
Đã kinh doanh hoa lan dịp Tết 4 năm, nhưng chưa năm nào anh Phạm Khánh Duy (Láng Hạ, Hà Nội) cảm thấy lo lắng như năm nay. Bởi anh Duy vừa nhập nửa tỷ đồng tiền hoa từ Đà Lạt về bán thì dịch Covid-19 lại có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Đơn hàng của anh Duy nhập về hiện có 4.000 cành lan hồ điệp từ Đà Lạt, tổng số tiền hoa lên tới 500 - 600 triệu đồng. Ngoài chi phí nhập hoa, chủ hàng hoa này còn phải bỏ ra số tiền vận chuyển không hề nhỏ.
Theo đó, hoa phải đóng thùng đi máy bay ra Hà Nội. Mỗi thùng chỉ chứa được tối đa 20 cành, với chi phí vận chuyển lên tới 300.000 đồng/thùng. Tính ra, số tiền vận chuyển lên tới 60 triệu đồng.
Song, ngoài khoản chi phí lớn đó, anh Duy còn phải thuê xe tải để lên điểm tập kết trên sân bay vận chuyển về.
"Chi phí chưa dừng lại ở đó, khi tôi phải thuê mặt bằng với giá 30 - 40 triệu đồng tại Láng Hạ để kinh doanh. Ngoài ra, gánh nặng chi phí còn nằm ở khoản tiền chạy quảng cáo trên mạng xã hội và tiền thuê nhân công cắm hoa", anh Duy nói và cho biết thêm, mỗi ngày anh đều phải bỏ ra 500.000 đồng - 1.000.000 đồng để quảng cáo hình ảnh cho cửa hàng trên Facebook.
Thế nhưng, việc quảng cáo này không đem lại doanh thu nhiều. Vì theo chủ cửa hàng hoa, việc chạy quảng cáo online chỉ để khách hàng biết địa chỉ rồi qua tận nơi xem. Doanh thu từ quảng cáo online chỉ được khoảng vài chục triệu đồng.
Do chi phí cao, nên việc kinh doanh buộc phải dựa vào lượng tiêu thụ lớn. Nhưng dù đã bán sớm từ khoảng mùng 9/12 âm lịch, thì đến nay, anh Duy cũng mới chỉ bán được 700 - 800 cành.
Hiện, giá nhập lan hồ điệp Đà Lạt đang chênh nhau khoảng 10.000 - 20.000 đồng/cây, tùy loại màu. Nhưng đa phần, các cửa hàng đều bán ra đồng giá, với mức dao động khoảng 250.000 - 300.000 đồng/cây.
Dù vậy, theo chị Tiêu Phương Anh (Ba Đình, Hà Nội), đó chỉ là giá ở thời điểm hiện tại. Nếu dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát ở Hà Nội, các hoạt động kinh doanh phải tạm ngừng thì chị sẽ tính đến phương án xả hàng.
Hoa lan có thể kéo dài được hơn 2 tháng, nên khách thường đi mua từ rất sớm để chơi hoặc biếu tặng. Do đó, theo chị Phương Anh, thời điểm bán chạy nhất của hoa là từ 15 - 23 âm lịch.
"Song, năm nay vừa qua rằm thì dịch bệnh đã xuất hiện nên tâm lý của cả người mua và bán đều bị ảnh hưởng nhiều", chị Phương Anh nói và chia sẻ thêm, nhiều hôm mất ngủ vì không biết tính sao với số hoa đã nhập.
Hiện nay, để phòng tranhs dịch bệnh, nếu có nhu cầu mua hoa lan thì khách hàng có thể tìm đến các kênh online để chọn mẫu mã. Các cửa hàng có thể giao hoa tới tận nhà để giảm việc tiếp xúc trực tiếp.