Mất liên lạc với tham tán, doanh nghiệp mất tiền tỉ

(Dân trí) - Sáng qua 29/1, hơn 600 doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đã có buổi gặp gỡ thường niên các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Bộ Thương mại, có 3 thị trường hiện đang được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đó là thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, tại 3 thị trường này cũng đã có những quy định rất nghiêm ngặt và thường xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá cho các doanh nghiệp nhiều nhất.

Tham tán thương mại tại Bỉ, ông Đinh Văn Hồi cho hay, khối EU hiện có 27 nước với kim ngạch khoảng 1.400 tỉ Euro, và là thị trường có mức tăng ổn định. Năm qua, khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp trong khối EU rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Năm 2006 là năm các doanh nghiệp đột phá về xuất khẩu dệt may, cà phê, thuỷ sản sang EU. Vì thế đã liên tục xảy ra những tranh chấp thương mại tại thị trường này.

Ông Đinh Văn Hồi lưu ý, việc đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá rất mệt và tốn kém cho doanh nghiệp vì thực tế đội ngũ tham tán tại các nước còn yếu và không đủ sức Lobby. Vì thế, các doanh nghiệp cần lưu ý quan tâm đến chiến lược giá, đa dạng hoá thị trường không nên chỉ tập trung ở 1 nước cố định và quan trọng là phải tìm hiểu kỹ các thủ tục và rút gọn thời gian khi có các vụ kiện chống bán phá giá xảy ra.

Trao đổi với các doanh nghiệp, tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Duy Khiên dự báo, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian sắp tới. Có 3 lý do để ông tin tưởng, đó là trước đây do chưa mở cửa nên doanh nghiệp Mỹ ngại đầu tư sang Việt Nam; hình ảnh Việt Nam đã thay đổi từ sau chuyến thăm chính thức của tổng thống G.Bush; và nhà đầu tư Mỹ đã từng biết đến chất lượng lao động của người Việt Nam từ trước năm 1975.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Mỹ cũng là những nhà mua hàng lớn, họ sẵn sàng lôi kéo các nước thứ 3 sản xuất ra để xuất khẩu cho họ. Nhu cầu về hàng xuất khẩu của Mỹ rất lớn, khoảng 1.700 - 1.800 tỉ USD/năm. Mỹ cũng là một nước nhập khẩu gấp đôi xuất khẩu. Vì thế nguồn cung của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Cũng theo ông Khiên, việc chậm mở cửa thị trường dịch vụ sẽ không khuyến khích tăng trưởng xuất khẩu. Vì khi mở cửa dịch vụ, một số ngành như viễn thông, vận chuyển, phân phối… sẽ giảm chi phí, tạo vốn xã hội dồi dào và tạo đầu ra cho doanh nghiệp. Thế nhưng, đấy là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước khi chưa có sự chuẩn bị tốt.

Dự báo, thị trường Mỹ năm 2007, với việc dỡ bỏ hạn ngạch dệt may sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu vào Mỹ . Bên cạnh đó, các mặt hàng Điện tử, Cơ khí, lắp ráp máy sẽ phát triển mạnh. Tuy nhiên, năng lực cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và thậm chí không đáp ứng được, ông Khiên cho biết như vậy.

Đồng thời, ông cũng lưu ý các doanh nghiệp khi làm ăn với Mỹ nên cân nhắc việc chọn đối tác để quan hệ là bán buôn, bán lẻ hay nhà sản xuất theo hợp đồng. Doanh nghiệp trong nước nên tổ chức lại sản xuất, tìm nguồn nguyên liệu mới để có giá thống nhất. Doanh nghiệp trong nước cũng nên xây dựng thương hiệu doanh nghiệp tốt như May 10, Việt Tiến… và làm thuê cho nhau tại thị trường Việt Nam, chẳng hạn doanh nghiệp nhỏ gia công cho doanh nghiệp lớn, định chuẩn chất lượng của hàng xuất khẩu để tránh được hàng rào kỹ thuật tạo tiền đề cho các vụ kiện chống bán phá giá xảy ra trong thời gian tới.

Liên quan tới thị trường Nhật Bản, Tham tán thương mại Nguyễn Trung Dũng cho biết, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản là mối quan hệ chiến lược. Thời gian tới, Nhật Bản cũng là một thị trường quan trọng của Việt Nam vì những chính sách của Nhật trong đầu tư thương mại và du lịch sẽ tập trung vào các nước Đông Nam Á.

Tại thị trường Nhật, hàng may mặc Việt Nam chiếm hơn 10%; hàng thuỷ sản, nhất là tôm, mực chiếm 85% thị phần, đạt 650 triệu USD trong năm qua. Tuy nhiên, Nhật là một thị trường khá khó tính nên doanh nghiệp cần chú ý nghiêm ngặt vấn đề An toàn thực phẩm. Ngoài thuỷ sản, đồ gỗ và đồ nhựa của Việt Nam cũng đang có giá tại thị trường này, ông Dũng cho biết thêm.

Tại hội nghị này, xuất phát từ ý kiến của ông Hồ Văn Vàng, chủ tịch Hiệp hội Gốm Vĩnh Long bị đối tác là một doanh nghiệp ở Đức chiếm dụng vốn 200.000 USD và doạ sẽ không trả nếu không cho nhân viên của ông sang Đức cùng xúc tiến bán hàng. Trong khi 3 nhân viên của công ty ông Vàng sang Đức đòi nợ nhưng phía đối tác cũng không trả và họ còn gặp nhiều khó khăn trong việc xin và cấp Visa lưu trú. Chi phí bỏ ra nhiều nhưng không thu lại kết quả gì nên ông đành ngậm ngùi chịu mất số tiền 200.000 USD trên.

Ông Vàng xem đây là một bài học cho sự non nớt của mình khi chủ quan nhìn nhận và chưa tìm hiểu kỹ đối tác nước ngoài. Và ông lấy trường hợp của mình làm bài học cho các doanh nghiệp nhỏ mới xuất khẩu lần đầu như ông.

Từ trường hợp trên, nhiều doanh nghiệp than phiền rằng thông tin 2 chiều giữa tham tán thương mại và doanh nghiệp chưa được liên thông. Nhiều thông tin, các tham tán cung cấp chưa chính xác về đối tác khiến cho doanh nghiệp chịu nhiêu thiệt hại trong quá trình làm ăn.

Ông Lê Duy Phương, Tổng giám đốc công ty kinh doanh nhà Lê Vũ đề xuất được mua thông tin về đối tác do các tham tán thương mại cung cấp. Còn ông Biển, giám đốc công ty nhựa HB than phiền việc thiếu thốn nghiêm trọng thông tin vê các nước Bắc Phi do mất liên lạc với tham tán tại vùng này trong thời gian dài.

Ông Biển đề nghị Bộ thương mại nên tăng cường kinh phí hoạt động cho các tham tán và liên tục cập nhật thông tin kinh tế, thương mại, những đối tác lớn của nước sở tại lên website của Bộ. Ý kiến này cũng được bà Nguyễn Thị Minh Phương, giám đốc công ty giao nhận vận tải Minh Phương đồng tình.

Bà Phương còn đề nghị được trả chi phí cho tham tán làm việc được tốt hơn, tránh rủi ro cho doanh nghiệp. Cụ thể là doanh nghiệp chấp nhận cho tham tán thương mại tại nước sở tại hưởng % trên hợp đồng được ký khi có sự trợ giúp của tham tán thương mại. Khoản % này là bao nhiêu 2 bên sẽ tự thoả thuận với nhau. Ý kiến này cũng được rất nhiều doanh nghiệp đồng tình.

Nhựt Lê