Mất gần 750 tỷ USD, TTCK Trung Quốc tệ nhất thế giới

(Dân trí) - So với thời điểm tăng giá “bùng nổ” tháng 8/2009, thị trường chứng khoán Trung Quốc đến nay đã “bốc hơi” mất gần 750 tỷ USD vốn hóa, trở thành thị trường chứng khoán hoạt động tệ nhất thế giới.

Theo Bloomberg, sau khi tăng trưởng gấp đôi chỉ trong vòng 10 tháng, tính đến tháng 8/2009 nhờ gói kích thích kinh tế 652 tỷ USD của chính phủ, chỉ số Shanghai Composite đến nay đã lao dốc tới 43% so với mức đỉnh, khiến 748 tỷ USD giá trị vốn hóa bị cuốn phăng khỏi thị trường.

Thị trường chứng
khoán Trung Quốc đã sụt mạnh nhất thế giới
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt mạnh nhất thế giới

Nếu so về tỷ lệ phần trăm sụt giảm, Shanghai Composite còn sụt mạnh hơn cả chỉ số ASE của Hy Lạp, quốc gia đang ngập trong nợ nần và phải sống nhờ ngân sách giải cứu của châu Âu và IMF. Trong cùng thời kỳ, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã hồi phục và bù đắp mọi tổn thất do khủng hoảng tài chính và tăng 68%, lập kỷ lục mới trong tháng này.

Năm 2009, kinh tế Trung Quốc dường như “bất khả chiến bại” khi vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và GDP tăng trưởng tới 6% trong quý 1 năm đó, trong khi GDP Mỹ sụt giảm tới 4%.

Vào thời điểm đó, chủ tịch điều hành Mark Mobius của tập đoàn Templeton Emerging Markets Group, đơn vị quản lý 53 tỷ USD, từng khẳng định chỉ trong vòng 3 năm, thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ vượt thị trường chứng khoán Mỹ về quy mô. Hiện Trung Quốc đang đối diện với tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990 giữa lúc chính phủ nước này yêu cầu hơn 1400 công ty phải đóng cửa các xí nghiệp.

“Sự đồng thuận của Bắc Kinh từng được một số nhà quan sát phương Tây ghi nhận như một lựa chọn thay thế cho nền kinh tế thị trường thực chất hoàn toàn không có thật”, Hao Hong, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại ngân hàng Bank of Communications Ltd, người từng dự báo chính xác sự lao dốc của thị trường chứng khoán nước này khẳng định. “Giờ chúng ta đều đang phải trả giá cho nó”.

Lời ngợi khen của Soros

Mặc dù Trung Quốc có đóng góp lớn vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng tài chính 2008, tốc độ tăng trưởng của nước này đang chậm lại sau khi Bắc Kinh quyết định kiềm chế đà tăng trưởng tín dụng, vốn từng lên tới 1,6 nghìn tỷ USD trong năm 2009, giúp nhà nhà đất lên mức kỷ lục mọi thời đại còn nợ công của các chính quyền địa phương cũng lên đỉnh cao mới.

Hiện chính quyền của thủ tướng Lý Khắc Cường đang cố gắng giúp kinh tế chuyển mình từ dựa vào xuất khẩu, sang dựa vào tiêu dùng. Tuy vậy, mức GDP/đầu người của nước này vẫn thấp hơn Mỹ tới 88%.

Tháng trước, các công ty của nước này cũng lần đầu tiên từ năm 2006, bị rớt khỏi Top 10 công ty lớn nhất thế giới theo giá trị vốn hóa. Trước đó họ đã giành tới 5 vị trí sau khi tỷ phú Soros và nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 Stiglitz ngợi khen các chính sách kinh tế của Trung Quốc năm 2009.

Giá trị tương đối

PetroChina Co., tập đoàn từng dẫn dầu thế giới về giá trị vốn hóa tháng 3/2010, đã sụt mất 11% giá trị trong năm nay và đang xếp hạng 10 với khoảng 238 tỷ USD.

Chỉ số MSCI Trung Quốc kể từ đầu năm nay cũng sụt 9,4% giá trị. Trong khi đó chỉ số S&P 500 đã tăng 18% kể từ cuối tháng 12 năm ngoái. Trong vòng 4 năm qua, giá trị vốn hóa của S&P 500 đã tăng thêm 6400 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu của hàng loạt công ty từ Johnson & Johnson tới Chevron Corp. đều lên mức kỷ lục.

Hiện mức P/E của sàn Thượng Hải là 10,7 lần, giảm mạnh so với kỷ lục 29 lần năm 2009. Chỉ số này, vốn từng được giao dịch ở mức cao hơn 59% so với S&P 500, giờ đã đảo chiều và rẻ hơn 34% và là sự sụt giảm mạnh nhất kể từ khi Bloomberg ghi nhận dữ liệu theo tuần năm 1997.

“Tâm lý thị trường tại Trung Quốc có thể dễ dàng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác”, Gigi Chan, một nhà quản lý quỹ tại Threadneedle Asset Management, đơn vị quản lý 111 tỷ USD nhận định. “Các nhà đầu từ từng rất phấn khích, ngoại suy tỷ lệ tăng trưởng cao khá xa vào tương lai. Cuối cùng nó hóa ra lại không như vậy”.

Căng thẳng thanh khoản

Kể từ tháng 10 năm ngoái, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc đã cấm các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) mới nhằm tránh tình trạng thị trường dư thừa nguồn cung, trong khi dự thảo luật mới để nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết.

Tình trạng này khiến hơn 700 công ty đang phải chờ đợi để huy động vốn, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Shaanxi Coal & Chemical Industry Group Co. và China Postal Express & Logistics Co. Hệ quả là không ít doanh nghiệp đang rơi vào tình trang căng thẳng thanh khoản, Gavin Ni, nhà sáng lập kiêm CEO của Zero2IPO Group, đơn vị quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm 500 triệu USD cho biết. “Các công ty đang xếp hàng rất dài”.

Số lượng tài khoản chứng khoán có tiền đã sụt mất khoảng 2,7 triệu tài khoản so với thời kỳ đỉnh điểm tháng 6/2011, xuống 54,5 triệu tài khoản. Khoảng 116 triệu tài khoản giờ trống không hoặc bị đóng băng.

Thay vì đổ vào chứng khoán, dòng tiền lại chảy vào bất động sản, khiến Wang Shi, chủ tịch của China Vanke Co., tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất nước này, từng tuyên bố hồi tháng 6 rằng thị trường nhà ở đang đối mặt với bong bóng mà nếu bị kìm hãm sẽ “nguy hiểm”.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg