Mất cơ hội vì chưa được nhập vàng
Đến ngày hôm nay 15/7, các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc vẫn chưa nhận được quyết định cho phép nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như tuyên bố được đưa ra từ cuối tuần trước.
Thị trường hụt 10 - 15 tấn
“Chưa được cấp phép nhập khẩu vàng”, ông Nguyễn Thành Long, tổng giám đốc công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), khẳng định ngày 15/7.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc khác cũng trong cảnh chờ đợi tương tự, nhưng không nhận được lời giải thích từ phía ngân hàng.
Bà Phạm Thúy Dung, giám đốc chi nhánh Hà Nội, công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, mặc dù có nhu cầu nhập khẩu vàng, song nếu được cấp hạn mức, doanh nghiệp cũng chưa thực hiện trong thời điểm này, bởi mức chênh lệch giá thế giới – trong nước đã thu hẹp.
Theo tính toán của ông Lưu Quang Điền, giám đốc công ty cổ phần SJC Hà Nội, tính quy đổi, vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới khoảng 50.000 đồng/lượng (bao gồm cả thuế, phí, bảo hiểm…).
“Hồi đầu tháng 7, khi giá vàng thế giới khoảng 1.185 – 1.190 USD/ounce, giá trong nước quy đổi đắt hơn khoảng 700.000 đồng/lượng, thậm chí có thời điểm tới 1 triệu đồng/lượng, nếu nhập, doanh nghiệp sẽ có lãi. Nhưng nay, cơ hội đã qua đi, rất nhanh”, ông Điền tiếc rẻ.
Ông Huỳnh Trung Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, sở dĩ giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch lớn về giá là bởi thị trường hiện thiếu hụt nguồn cung. Theo tính toán của ông Khánh, nhu cầu vàng cần nhập khẩu thị trường Việt Nam khoảng 10 – 15 tấn. Nếu được cấp phép, các doanh nghiệp có thể đáp ứng nhanh chóng lượng thiếu hụt này.
“Trước tháng 6.2008, khi hoạt động xuất, nhập khẩu vàng được thực hiện rộng rãi, thị trường thuận lợi, doanh nghiệp có thể nhập tới 2 tấn vàng/ngày”, ông Khánh nói.
Nên thoáng hơn trong việc nhập vàng
Theo báo cáo của tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2010, giá trị xuất khẩu vàng bạc đá quý của các doanh nghiệp lên tới hơn 1,3 tỉ USD, tương đương khoảng 36 tấn vàng, tăng gần 70 triệu USD so với giá trị xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái. Trong khi từ tháng 11.2009 đến nay, NHNN chưa cấp phép nhập khẩu vàng cho bất cứ doanh nghiệp nào.
Sàn vàng đóng cửa, kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cũng phải chấm dứt, giao dịch vàng miếng trong nước chậm lại… Trong tình hình này, xuất khẩu nữ trang được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh. Một số nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu nữ trang đã trở thành ngành công nghiệp mang lại không ít doanh thu, lợi nhuận.
Tuy nhiên, tổng giám đốc SJC Nguyễn Thành Long chia sẻ: “Nguyên liệu sản xuất nữ trang 100% phải nhập khẩu. Nhưng với chính sách như hiện nay, doanh nghiệp rất bị động về nguồn nguyên liệu, nên dù rất muốn cũng khó thúc đẩy hoạt động này”.
Đồng thuận với chủ trương kiểm soát nhập siêu, trong đó việc nhập khẩu vàng vẫn phải có sự kiểm soát, song các doanh nghiệp kiến nghị, việc cấp phép nhập khẩu vàng được nới rộng rãi hơn, thường xuyên hơn, thời hạn dài hơn. Theo đó, giá trị mỗi giấy phép có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng, để doanh nghiệp chủ động lựa chọn thời điểm nhập khẩu, phù hợp với diễn biến thị trường, định hướng kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Long đề xuất, trước mắt có thể ưu tiên cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu nữ trang, vừa giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp mà vẫn không làm tăng kim ngạch nhập siêu khi doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm.
Đồng thuận với ý kiến này, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, NHNN chỉ cần cấp hạn ngạch nhập khẩu bằng khoảng một nửa lượng xuất khẩu là có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, mà vẫn đảm bảo “xuất siêu”. Trong trường hợp không được nhập khẩu chính thức, vàng sẽ bị tuồn lậu qua biên giới.
Ông Khánh nhấn mạnh: “Khi đó, USD vẫn bị gom để nhập vàng, nhập siêu trên thực tế vẫn gia tăng, nhưng cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng bị động”.
Theo Lam Tường
Báo SGTT