Mặt bằng lãi suất hiện đã đạt đỉnh, có thể đảo chiều từ giữa năm 2023

Việt Đức

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định với việc tỷ giá đã được giữ ổn định, lãi suất nhiều khả năng sẽ không tiếp tục tăng, thay vào đó hạ nhiệt từ quý II năm sau.

Đưa ra một số dự báo cho năm 2023, TS Đinh Thế Hiển nhận định lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý đầu năm và trở về ổn định vào cuối quý II. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II năm tới.

"Việt Nam đã kiểm soát và ổn định được hệ thống tài chính, kiểm soát tỷ giá và lạm phát. Kinh tế tài chính vĩ mô ổn định giúp doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài", ông Hiển trình bày quan điểm tại buổi tọa đàm dự báo kinh tế 2023 do Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức chiều 27/12. Theo ông, tỷ giá hạ nhiệt và ổn định là điều kiện quan trọng đối với nền kinh tế khi Việt Nam thu hút những dự án đầu tư nước ngoài quy mô tỷ USD. 

Vị chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cơ quan quản lý Nhà nước đã kiểm soát, giải quyết gốc rễ vấn đề cung ứng vốn dưới chuẩn và đầu cơ của thị trường bất động sản, từng bước đưa lĩnh vực này trở lại sự ổn định và phát triển thiết thực. 

"Khi các kênh hút vốn không lành mạnh bị chặn lại thì dòng vốn sẽ hướng vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Đó là thuận lợi chứ không phải khó khăn", ông Hiển nhìn nhận. 

Mặt bằng lãi suất hiện đã đạt đỉnh, có thể đảo chiều từ giữa năm 2023 - 1

TS Đinh Thế Hiển dự báo lãi suất sẽ ổn định dần và có thể đi xuống từ quý II năm tới (Ảnh: Việt Đức).

Với điểm rơi ổn định về lãi suất, tín dụng có thể vào cuối quý II năm tới, TS Đinh Thế Hiển dự báo đây cũng sẽ là thời điểm nền kinh tế bắt đầu bớt khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng tích cực. 

Ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup - cũng có cùng nhận định mức lãi suất hiện tại đã đạt đỉnh và sẽ giảm dần từ nửa cuối năm 2023. Cá nhân ông cũng dự báo đỉnh điểm của lạm phát sẽ rơi vào những tháng đầu năm 2023 và giảm dần sau đó.

Theo ông Báu, thanh khoản chung cho nền kinh tế năm nay rất khó khăn khi tổng cung tiền trong nền kinh tế (M2) chủ yếu đi ngang trong khi giai đoạn bình thường tăng 12-13% mỗi năm. Chênh lệch giữa huy động vốn và tín dụng, lãi suất tăng cao và kênh trái phiếu doanh nghiệp  bị thắt chặt là những rủi ro tác động đến thanh khoản của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Báu cũng nêu quan điểm vấn đề thanh khoản của nền kinh tế bị thắt chặt xuất phát chủ yếu từ những tác động bên ngoài, trong đó có câu chuyện áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá đã bắt ổn định là điều kiện để chính sách tiền tệ của Việt Nam có thể được nới lỏng dần từ giữa năm 2023.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm