Mải nhìn điện tăng, quên mất giá xăng có thể giảm?
Trong khi giá điện, gas, sữa, thực phẩm vừa tăng, thì thông tin giá xăng dầu thế giới sụt giảm liên tiếp trong nhiều ngày qua dường như là tin vui hiếm hoi. Nhưng bỏ qua mọi diễn biến của thị trường thế giới, giá xăng Việt Nam vẫn đang "bình chân như vại".
Trong 1 tuần trở lại đây (từ ngày 24/7), thị trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới trước ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ.
Cụ thể, ngày 24/7, Trung Quốc - một trong hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới không đạt kỳ vọng của giới đầu tư đã khiến giá dầu thô giao tháng 9 giảm 1,84 USD, còn 105,39 USD/thùng.
Tại sàn giao dịch London, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,23 USD xuống còn 107,19 USD/ thùng.
Ngày 26/7, tại sàn New York (Mỹ), giá dầu thô giảm 79 cent/thùng, xuống chỉ còn 104,7 USD/ thùng. Như vậy, chỉ trong vòng 2 ngày, giá dầu thô đã giảm gần 3 USD.
Đến phiên giao dịch ngày 30/7, tốc độ sụt giảm của giá dầu thế giới càng nhanh hơn do niềm tin tiêu dùng Mỹ sụt giảm cùng với những lo lắng về triển vọng đi xuống của kinh tế Trung Quốc.
Ngay sau khi tổ chức Conference Board công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 7 đã giảm xuống mức 80,3 điểm, từ mức 82,1 điểm trong tháng 6, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 9 trên sàn hàng hóa New York đã giảm thêm 1,47 USD, tương ứng với mức 1,4%, xuống còn 103,08 USD/thùng.
Trên sàn London, giá dầu Brent cũng hạ 54 cent, xuống 106,91 USD.
Trước đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) từng khẳng định: "70% nguồn xăng dầu trong nước là nhập khẩu, nên giá trong nước chịu tác động rất lớn từ giá thế giới. Nếu giá thế giới tăng liên tục thì không tránh khỏi việc giá trong nước phải điều chỉnh".
Thế nhưng, mặc dù trong tuần qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm sâu nhưng ở trong nước giá mặt hàng này vẫn ở mức 24.570 đồng/lít xăng, 22.020 đồng/lít dầu bán lẻ.
Được biết, mức giá này được giữ nguyên kể từ lần tăng gần đây nhất vào cuối ngày 17/7.
Mặt khác, lý giải cho những lần tăng giá xăng dầu, liên Bộ Tài chính - Công Thương luôn viện dẫn lý do: giá xăng dầu thế giới biến động theo xu hướng tăng và ở mức cao... Nhưng đến khi xăng dầu thế giới giảm thì giá trong nước vẫn "bình chân như vại".
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn độc quyền là chủ yếu, doanh nghiệp sẽ lợi dụng biên độ này để tăng giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, mà kiếm lợi nhuận thông qua giá là dễ nhất.
"Còn cơ chế điều hành xăng dầu như hiện nay thì chắc chắn việc tháo gỡ khó khăn trong điều hành xăng dầu không bao giờ thực hiện được" - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét.
Trong khi giá điện, gas, sữa, thực phẩm vừa tăng, thì thông tin giá xăng dầu thế giới sụt giảm liên tiếp trong nhiều ngày qua dường như là tin vui hiếm hoi đối với người tiêu dùng.
Bỏ qua mọi diễn biến của thị trường thế giới, giá xăng Việt Nam vẫn đang "bình chân như vại", bất chấp mong đợi của người tiêu dùng.
Theo Thụy Miên
Đất Việt