Mắc bẫy với “sale off”

Trưng bảng “sale off” nhưng thực chất các sản phẩm vẫn được giữ nguyên giá, thậm chí còn cao hơn sản phẩm cùng loại ở những nơi khác. Nhiều người tiêu dùng đang bị những lời mời chào mà dính bẫy mua hàng “sale off” giá đắt.

Những chiếc ví, túi xách, giày dép được trưng bảng giảm giá ở siêu thị BigC. Ảnh Uyên Chi
Những chiếc ví, túi xách, giày dép được trưng bảng giảm giá ở siêu thị BigC. Ảnh Uyên Chi

 

Tăng giá để giảm

 

Trong giai đoạn giao mùa hầu hết các cửa hàng kinh doanh thời trang, giày dép, túi xách đều có kế hoạch đẩy hàng tồn bằng cách giảm giá tất cả các mặt hàng. Bên cạnh việc giảm giá thật sự từ 5 -50% thì cũng có nhiều cửa hàng lợi dụng tâm lý khách hàng muốn mua hàng rẻ nên cũng tận dụng tối đa chiêu thu hút khách bằng cách trưng biển giảm giá.
 

Tại các tuyến phố chuyên đồ thời trang như Chùa Bộc, Kim Mã, Bà Triệu, Cầu Giấy… hầu hết các cửa hàng thời trang, giày dép đều treo biển “sale off”.

 

Theo khảo sát của PV, hiện có nhiều cửa hàng treo biển giảm giá nhưng thực chất là giá không hề giảm. Các chủ shop chỉ trưng biển giảm giá để lôi kéo khách còn thực chất giảm hay không chỉ có chủ cửa hàng và nhân viên bán hàng biết.

 

Theo lời kể của chị Võ Hồng Chi, trú tại ngõ 68, Quan Hoa, Cầu Giấy (HN), gần đây thấy cửa hàng “Loan Mode” biển treo giảm giá cho tất cả các sản phẩm chị liền ghé chọn mua, nhưng cùng là chiếc váy giống chiếc chị mua cách đây 1 tháng với giá 800.000 đồng cũng tại cửa hàng này nay được nhân viên giới thiệu là giảm 30% nhưng giá vẫn còn tới 780.000 đồng.

 

Ở một cửa hàng khác trên phố Kim Mã, quảng cáo giảm giá đến 50% cho các sản phẩm giày dép mùa hè nhưng có những đôi giày dù đã được giảm giá nhưng vẫn còn khá cao. Thậm chí trên một vài đôi giày vẫn còn lưu lại những chiếc mác cũ và thêm vào đó là mác mới với giá tiền chênh hơn giá cũ. Theo tiết lộ của một nhân viên ở đây thì chiếc mác ghi giá mới được dán lại cách đây mấy ngày. Người bán hàng cho biết dán mác mới giá cao hơn để chiết khấu cho người mua chứ thực tình giá thật của sản phẩm chỉ bằng 2/3 giá đó.

 

Những chiếc ví, túi xách, giày dép được trưng bảng giảm giá ở siêu thị BigC. Ảnh Uyên Chi
Giảm giá chỉ còn 90.000đ nhưng những chiếc túi xách này vẫn có giá cao hơn sản phẩm cùng loại bán ở chợ sinh viên. Ảnh Uyên Chi

 

Tương tự tại tầng 1 siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội), nhiều gian hàng bán các loại ví, túi xách trưng biển giảm giá chỉ còn từ 65.000 đồng đến 110.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm được bán tại đây đều cao hơn sản phẩm cùng loại bán ở các chợ. Ví dụ một chiếc ví bán ở BigC có giá 90.000 đồng thì cũng chiếc tương tự mua ở chợ đêm Dịch Vọng, Đồng Xuân, thậm chí là trên một số hàng bán vỉa hè ở Nguyễn Khánh Toàn cũng chỉ có giá 55.000 đồng/chiếc.

 

Theo một nhân viên bán ví và túi xách tại siêu thị BigC, việc trưng biển giảm giá chỉ là cách để “câu” sự chú ý của khách chứ thực chất nhưng sản phẩm này không hề được giảm, thậm chí so với sản phẩm cùng loại bán ở nơi khác có giá cao hơn. “Ở đây tiền thuê mặt bằng đắt nên việc bán giá cao hơn là hiển nhiên, hơn nữa khối lượng khách đến BigC rất đông, cũng có nhiều người đến đây chỉ để mua hàng giảm giá. Do vậy, cứ trưng giảm giá là họ quan tâm”, nhân viên này cho biết.

 

Cẩn trọng với hàng kém chất lượng

 

Đối với các sản phẩm “sale off”, việc giảm giá càng sâu càng thu hút được khách hàng. Theo nghi nhận của ý kiến nhiều người tiêu dùng cho biết, thực chất các sản phẩm giảm giá hầu hết đều có chất lượng không như mong muốn.

 

Tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam cho thấy, nhiều cửa hàng nhập những loại ví, túi xách, giày dép từ Trung Quốc với giá cực rẻ, về bán với danh nghĩa “thanh lý” hoặc “giảm giá” nhưng thực chất là bán đúng với giá kinh doanh, tiền lời vẫn có thể gấp đôi.

 

Rẻ tiền nên chất lượng các sản phẩm này đều không được bền
Rẻ tiền nên chất lượng các sản phẩm này đều không được bền

 

Theo một đầu nậu chuyên cung cấp các mặt hàng này tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết, các loại ví, túi xách, giày dép được “đánh” từ Quảng Đông (TQ) đưa về Việt Nam tiêu thụ chủ yếu là hàng chất lượng bậc trung, thậm chí là hàng rẻ tiền được sản xuất đại trà ở Trung Quốc. Giá gốc các sản phẩm này thực sự gây sốc cho người tiêu dùng Việt Nam khi mỗi chiếc ví gắn mác hàng hiệu như HM, Luis Vuitton, …được sản xuất tại TQ chỉ có giá 25-30.000 đồng, túi xách tùy loại xê dịch giá từ 50 -100.000 đồng. Thế nhưng dù đã được giảm sâu đến 30 -40% thì những chiếc ví, túi xách này vẫn còn lãi lớn.

 

Giá rẻ như vậy nhưng chất lượng của các loại ví, túi sách này có thật sự bền? Hầu hết các sản phẩm này được thiết kế khá cầu kỳ và bắt mắt. Nhưng nếu để ý thì các nơi gắn kết đường may vô cùng cẩu thả, thậm chí có loại chỉ được gắn bằng silicon rất dễ bong tróc.

 

Là người sành sỏi trong việc săn lùng hàng giảm giá, chị Thu Hà - nhân viên kế toán Công ty Bis shop ( Thụy Khuê – Tây Hồ) cho biết: “ Mua đồ thời trang giảm giá lúc giao mùa là cách tiêu dùng thông minh nhất, nó có thể tiết kiệm chi phí rất nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết lựa chọn hàng giảm giá cói chất lượng, bởi thực tế nhiều cửa hàng xả kho, giải phóng hàng tồn toàn những sản phẩm có thiết kế xấu hoặc lỗi, thậm chí là có cả hàng kém chất lượng”.

 

Người tiêu dùng cứ thấy giảm là mua mà không chịu tìm hiểu giá trị thật của sản phẩm do vậy không ít người bỏ tiền nhưng sở hữu những sản phẩm không đúng với giá trị thật của nó.Theo chị Hà thì dù có được giảm giá thật sự thì việc bỏ một số tiền ra để mua về sản phẩm có chất lượng thấp thì cũng không phải là sự lựa chọn khôn ngoan.

 

Theo Uyên Chi

VietQ