1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mắc bẫy mua sắm qua truyền hình gia tăng

Trong sáu tháng đầu năm 2013, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (văn phòng phía Nam) đã tiếp nhận hơn mười vụ khiếu nại do mua sắm qua truyền hình. Và khá nhiều trường hợp sau khi mắc bẫy mua sắm đã gọi điện đến Hội xin tư vấn.

Nhưng vì người tiêu dùng không nắm trong tay chứng cứ nên hội cũng không có cách nào giải quyết.
 
Mua sắm qua truyền hình cần tìm hiểu kỹ sản phẩm đế tránh mắc bẫy
Mua sắm qua truyền hình cần tìm hiểu kỹ sản phẩm đế tránh mắc bẫy

Tiền trao xong cháo mới được múc

Anh Đỗ Ngọc Cấp, sinh năm 1974, làm thợ hàn, ở quận 2, TP.HCM được em gái mua tặng chiếc điện thoại iPhone 5 của Trung Quốc quảng cáo trên truyền hình với giá 2.399.000đ. Tuy nhiên, khi lắp thẻ sim vào thì điện thoại báo không nhận. Anh bèn gọi điện đến công ty phân phối và luôn được nhân viên trực hứa hẹn sẽ kiểm tra và liên hệ lại nhưng từ chối cho biết tên. Tuy nhiên, anh Cấp không một lần nhận được cuộc gọi từ phía công ty. Quá sốt ruột, anh kiên trì gọi thêm nhiều lần nữa, cuối cùng anh cũng nhận được yêu cầu gửi máy đến công ty ở tận… Hà Nội để sửa chữa. Suốt hơn một tháng sau, mới được nhận lại máy, anh ngán ngẩm: "Chất lượng thế nào thì… hên xui. Lên mạng coi mới biết nhiều người cũng bị giống mình. Nếu xài không được thì bỏ luôn chứ làm sao!"

Một trường hợp khác, anh Đoàn Ngọc Triều, công nhân ở xã Tam Phước, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai xem quảng cáo trên truyền hình thấy điện thoại cảm ứng của Mỹ giá hơn chục triệu, giảm còn 2.680.000đ. Thích quá, anh giấu vợ mang cả tháng lương vừa lãnh, rủ thêm một người bạn đặt mua điện thoại. Tuy nhiên, niềm vui của anh Triều tắt ngúm khi cầm trong tay chiếc điện thoại không đẹp lung linh như trên truyền hình. Đã vậy, sóng thì lúc có lúc không, nguồn tắt đột ngột, lên mạng chậm, hiện toàn chữ Hoa… Tức giận, anh kiên trì gọi điện đến công ty phân phối trong suốt nửa tháng, cuối cùng cũng có người nhấc máy trả lời: "Anh may mắn lắm mới được tôi bắt máy!".

Anh đề nghị trả lại điện thoại chịu mất nửa tiền nhưng không được chấp nhận. Theo hướng dẫn, anh tốn thêm 22.000đ tiền phí bưu điện gửi chiếc điện thoại đến công ty ở quận 6, TP.HCM để sửa chữa. Sau một tháng, công ty gửi trả lại anh chiếc điện thoại nhưng "bệnh" càng nặng thêm: màn hình cảm ứng chạm vào lúc được lúc không, mất tín hiệu, mất loa, không lên mạng được, pin sạc cả đêm nhưng chỉ 5 phút là hết… pin.

Chiếc điện thoại của bạn anh Triều cũng bị tình trạng hư hỏng không kém. Cầm điện thoại, anh Triều đi dò thị trường mới biết điện thoại của anh là hàng Trung Quốc, giá chỉ vài trăm ngàn. Anh Triều cho biết: "Đây là lần đầu tiên mua vì tin vào đài truyền hình, tưởng là đài đã tìm hiểu kỹ. Hy vọng các công ty đừng quảng cáo một đường bán một nẻo".

Có thể nhận thấy, những người mua sắm qua kênh quảng cáo truyền hình đa số phải thông qua phương thức giao dịch: mua hàng qua điện thoại và nhận hàng qua bưu điện. Người mua được yêu cầu phải thanh toán xong mới được mở gói hàng. Anh Triều kể: "Sau khi mở gói hàng, tôi thất vọng vì máy không bắt mắt như trong quảng cáo. Định trả lại nhưng nhân viên bưu điện không đồng ý vì tôi đã… mở gói hàng".

Cần tìm hiểu kỹ

Còn chị Nguyễn Thị Hoà, công nhân ở phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương phải chuốc thêm bực mình vì lỡ mua máy mátxa. Thấy truyền hình quảng cáo máy mátxa tan mỡ bụng hiệu quả nhanh, giá 2.680.000đ, khuyến mãi giảm 700.000đ, chị Hoà bèn gọi điện mua. Sau hai ngày, máy mátxa được giao tới qua đường bưu điện. Khi mở máy thì máy lại không hoạt động. Sau nhiều lần gọi điện, công ty bán hàng yêu cầu chị Hoà gửi sản phẩm và phiếu bảo hành đến công ty để được bảo hành. Sợ bị mất, chị không đồng ý. Nhân viên tiếp nhận bèn nổi cáu: "Giải thích nãy giờ mà chị vẫn không chịu hiểu, chị là khách hàng ngang ngược, không gửi mất quyền lợi ráng chịu".

Chị Hoà ấm ức: "Nếu công ty không giải quyết, tôi sẽ kiện ra cơ quan chức năng. Mất bao nhiêu đó tiền không tiếc, chỉ sợ người khác bị giống mình".

Bà Đào Thị Cúc, chuyên viên phụ trách khiếu nại của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (văn phòng phía Nam) cho biết, các khiếu nại về mua sắm trên truyền hình đang có xu hướng tăng nhiều hơn so với mọi năm. Trong các vụ người tiêu dùng có đầy đủ hoá đơn chứng từ mà hội tiếp nhận cũng chỉ giải quyết được 50%. Đa số các trường hợp hội cũng đành chịu bởi không có địa chỉ công ty (hoặc công ty sử dụng địa chỉ ma), người giao hàng không để lại hoá đơn, chứng từ…

Bà Cúc lưu ý, người tiêu dùng cần tìm hiểu địa chỉ công ty rõ ràng, phiếu bảo hành sản phẩm. Nhà phân phối cần cung cấp đầy đủ tài liệu, hướng dẫn sử dụng, số điện thoại liên hệ khi cần bảo hành, sửa chữa…

Đối với sản phẩm điện thoại di động, cái khó hiện nay là chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật… đủ điều kiện đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ như thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân, kem làm trắng da, kem mờ sẹo…

Một số người tiêu dùng sau khi bị sập bẫy mua sắm cho biết, sau khi mua hàng thì không thấy mẫu quảng cáo đó xuất hiện nữa.

Theo Sài Gòn Tiếp thị