1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

M&A ngân hàng: Bước tiến lớn trên “đường đua”

Thị trường tài chính lớn nhất thế giới, nước Mỹ, đã đi trước Việt Nam về hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) khá lâu. Những bài học cộng hưởng sức mạnh nhờ M&A đối với các doanh nghiệp trong mọi nền kinh tế nói chung, và trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng, thì không bao giờ cũ...

Từ quốc tế…

Để có được làn sóng M&A mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam như hiện nay, không thể không kể đến tác động từ con sóng M&A trên thị trường tài chính quốc tế, khi “cơn bão” cho vay dưới chuẩn đã càn quét thị trường Mỹ và gây khủng hoảng đến suy thoái kinh tế toàn cầu những năm trước đây.

Chỉ tính riêng giai đoạn này, tại Mỹ, nhà đầu tư đã chứng kiến rất nhiều vụ M&A ngân hàng kinh điển.

M&A ngân hàng: Bước tiến lớn trên “đường đua” - 1

Trong giai đoạn 2008-2010, nước Mỹ đã có đến 308 ngân hàng tham gia vào hoạt động M&A. Các thương vụ thành công, dẫn đến những bước tiến đột phá cho các tổ chức sau sáp nhập không hề ít. Ở thời điểm 2008, Bank of America - ngân hàng lớn thứ hai về tài sản ở Mỹ - đã chi 50 tỷ USD để mua lại Merrill Lynch, một ngân hàng có lịch sử gần 100 năm tuổi. Nhờ “thương vụ lịch sử” này kết hợp với nhiều thương vụ thâu tóm nhỏ khác, Bank of America vượt qua cả JP Morgan Chase & Co., Citigroup Inc. và trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ với quy mô tổng tài sản lên tới 2,7 ngàn tỷ USD. Như vụ mua lại của Wells-Fargo với ngân hàng Wachovia có giá trị 15,1 tỷ đô la Mỹ, qua đó giúp Wells Fargo nâng tầm của mình chiếm vị trí thứ 3 tại Mỹ.

Điểm lại những thương vụ nói trên sẽ thấy sức hút của M&A trong vai trò “đòn bẩy” giúp các ngân hàng lớn mạnh về quy mô, tổng tài sản, hệ thống, thị phần…, và đặc biệt thay đổi về tầm vóc thương hiệu. M&A của các ngân hàng ở Việt Nam trong bối cảnh hệ thống thực thi tái cấu trúc hiện cũng được xem là lựa chọn tối ưu.

Đến Việt Nam

Tại Việt Nam, xu hướng M&A vốn đã manh nha từ những năm đầu thập niên 90, khi Luật Doanh nghiệp ra đời và nền kinh tế cũng bắt đầu có bước chuyển đổi, hướng ra bên ngoài. Những Công ty liên doanh được thành lập trong khoảng giai đoạn này, về sau, là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động M&A phát triển, theo xu hướng các nhà đầu tư ngoại thâu tóm vốn của các nhà đầu tư nội và biến doanh nghiệp thành công ty 100% hoặc gần như công ty con của các Tập đoàn nước ngoài.

Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, hoạt động M&A có phần khác, với mục đích trước tiên là để xử lí các vấn đề khủng hoảng của các tổ chức tài chính, tín dụng .

Cụ thể, giai đoạn 1989-1993, hệ thống ngân hàng đã có 10/46 tổ chức thực hiện sáp nhập. Từ năm 2011, hoạt động M&A bắt đầu sôi động, quyết liệt hơn với Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và đây được xem là phương pháp hiệu quả để xử lí các ngân hàng yếu kém, gặp khó khăn về thanh khoản và nợ xấu. Sau 4 năm thực hiện giai đoạn 1, có 9 ngân hàng yếu kém được xử lý thông qua các hình thức sáp nhập, hợp nhất… Bước sang giai đoạn 2, việc củng cố chất lượng hoạt động của các ngân hàng trong hệ thống vẫn tiếp tục với sự vào cuộc của các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank… Song song đó, hoạt động M&A đã có những bước chuyển manh nha về chất. Không chỉ là phương pháp để cấu trúc lại các tổ chức yếu kém, M&A đang được một số tổ chức tín dụng vận dụng như một nước cờ chiến lược để nhanh chóng mở rộng quy mô và tăng sức cạnh tranh.

Điển hình với thương vụ sáp nhập đầu tiên được công bố trong năm nay giữa Maritime Bank và MDB. Giới phân tích đánh giá thương vụ này đã tạo “cú hích” cho thị trường tài chính ngân hàng theo xu thế chủ động hơn khi Maritime Bank lớn mạnh hơn rất nhiều nhờ sáp nhập.

M&A ngân hàng: Bước tiến lớn trên “đường đua” - 2

Việc hợp nhất tự nguyện giữa hai tổ chức tín dụng khỏe, không nợ xấu giúp Maritime Bank từ vị trí xếp hạng ở 2 con số đã vươn lên vị trí thứ 5 trong khối các NH thương mại cổ phần. Một yếu tố quan trọng để tăng lượng khách hàng là mạng lưới phải lớn và trải rộng. Maritime Bank đã có thêm khoảng 50 chi nhánh, phòng giao dịch chuyển đổi từ MDB qua, giúp gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu, uy tín đến khách hàng, mà nếu phát triển theo con đường thông thường phải mất… 10 năm. Bên cạnh đó, MDB với thế mạnh về các sản phẩm tín dụng nông nghiệp nông thôn, phát triển mạng lưới chủ yếu ở phía Nam, đặc biệt vùng ĐBSCL, sẽ là một bổ sung hoàn hảo cho Maritime Bank đang phát triển mạnh hơn ở các vùng miền còn lại.

Nhìn lại quá trình M&A từ mục đích tái cấu trúc hệ thống đến chủ động sáp nhập có thể thấy những thương vụ được thực hiện nhằm hướng tới một ngân hàng hiện đại, đa năng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, nâng tầm vóc mới…, đã từng diễn ra trên thị trường tài chính Mỹ nhiều năm trước, giờ đây đang diễn ra trên thị trường tài chính Việt Nam.

Với sự đổi mới dần về chất của M&A, dù “đường đua” giữa các ngân hàng tư nhân và quốc doanh vẫn còn dài, nhưng tinh thần “sẵn sàng phóng tới” của nhiều ngân hàng vẫn  hứa hẹn cuộc cạnh tranh đầy thú vị. Trong tương lai, chắc chắn, những tổ chức biết tranh thủ giá trị cộng hưởng 1+1=>2, sẽ là những ngân hàng có năng lực cán đích sớm.

K.Thu

M&A ngân hàng: Bước tiến lớn trên “đường đua” - 3