Ly kỳ siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng 4 năm tồn tại dù chưa ai góp vốn

An Linh

(Dân trí) - Chia sẻ với Dân trí, bà Phan Thị Thành, Kế toán trưởng kiêm cổ đông của "siêu" doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng khẳng định chưa góp vốn một đồng nào, chủ yếu vẫn... chờ Việt kiều David Aristole Phan.

Tiết lộ bất ngờ từ Kế toán trưởng "siêu" doanh nghiệp

Thông tin về siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng tiếp tục được phóng viên Dân trí ghi nhận. Theo đó, bà Phan Thị Thành (65 tuổi), trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, thừa nhận có đứng ra thành lập doanh nghiệp. Tuy thế, bà cũng tiết lộ không ít chi tiết bất ngờ.

Cụ thể, thời điểm tháng 11/2018, khi Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu (đăng ký trụ sở kinh doanh tại số 143 phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) được lập ra với số vốn 132 tỷ đồng, trên giấy tờ, bà Phan Thị Thành góp vốn 36%, tương đương khoảng 47,5 tỷ đồng, cao nhất trong 5 cổ đông sáng lập và nắm giữ chức vụ Kế toán trưởng.

Ly kỳ siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng 4 năm tồn tại dù chưa ai góp vốn - 1

Thông tin tăng vốn điều lệ của siêu doanh nghiệp 127.900 tỷ đồng được đăng tải trên hệ thống đăng ký quốc gia.

Một người khác là ông Bùi Văn Việt (68 tuổi), ở Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội có vốn góp 18%, tương đương 23,7 tỷ đồng là Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật của công ty. 3 người còn lại đứng tên là cổ đông sáng lập.

Tuy nhiên, theo bà Thành: "Thời điểm thành lập doanh nghiệp 2018 chưa ai đóng hoặc góp bất kỳ một đồng vốn nào vào việc lập doanh nghiệp này".

Đến tháng 6/2019, khi công ty tăng vốn điều lệ lên con số "siêu khủng" 127.900 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD), bà Thành khẳng định: Tất cả vốn là của người Việt kiều mang tên David Aristole Phan (quốc tịch Mỹ), còn cá nhân 5 người sáng lập công ty nói trên vẫn chưa đóng góp vốn.

Theo dữ liệu phóng viên Dân trí có được, trên giấy tờ sổ sách của cơ quan đăng ký kinh doanh Hà Nội cấp, ông David Aristole Phan (quốc tịch Mỹ) góp tới 51.161 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD), chiếm 40% vốn điều lệ của doanh nghiệp này khi tăng vốn tháng 6/2019, còn lại 3,3 tỷ USD là vốn góp của các cá nhân Việt Nam.

Quá trình góp vốn từ tháng 6/2019 đến nay, theo Cục Thuế Hà Nội, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, vẫn có mã số thuế, đóng thuế môn bài đầy đủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT.

"Chúng tôi làm gì có tiền..."

Lý giải về việc đầu tư vốn của người Việt kiều Mỹ, bà Thành chỉ nói sơ sài là có quen biết ông Phan (tức David Aristole Phan) hiện sinh sống ở Mỹ. Ông này có đề cập đến mong muốn đầu tư tại Việt Nam, muốn chuyển vốn về để đầu tư hạ tầng lớn hàng đầu ở Việt Nam.

Bà Thành cho biết, các cổ đông trong công ty đều quen biết nhau nên để ông Bùi Văn Việt (68 tuổi), tại Chương Mỹ, Hà Nội đứng làm Tổng Giám đốc, một cổ đông khác ở Nam Định, là người quen biết với bà Thành; một cổ đông khác trẻ tuổi nhất là Trần Đức Thủy có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng là cổ đông lớn.

"Chúng tôi thành lập công ty với mong muốn có nguồn vốn từ ông Phan để đầu tư các dự án lớn tại Việt Nam...", bà Thành nói và nhấn mạnh: "Chúng tôi chưa góp đồng nào, tất cả đều chờ ông Phan về nước".

"Chúng tôi làm gì có tiền, đã ai góp vốn đồng nào đâu! Tất cả đều là tiền của ông Phan, nhưng đến nay cũng chưa triển khai được do vướng dịch Covid-19, ông Phan không thể về nước. Hàng năm tôi vẫn đi gia hạn doanh nghiệp", bà Thành chia sẻ.

Cũng theo bà này, do ông David Aristole Phan chưa về nước, dự án chưa triển khai nên từ năm 2018 đến nay, bà này vẫn bỏ tiền cá nhân ra để đóng thuế môn bài (khoảng 3 triệu đồng/năm).

Tuy nhiên, chi tiết đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn điều lệ mà không góp vốn đủ trong 90 ngày chính thức và không điều chỉnh trong 30 ngày tiếp theo mà vẫn tồn tại từ năm 2018 là điều phi lý.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp nếu không thực hiện góp vốn đủ sau 90 ngày đăng ký, bắt buộc phải điều chỉnh vốn trong 30 ngày tiếp theo. Trường hợp không thực hiện đúng, đủ phải hủy đăng ký kinh doanh, ngừng đăng ký kinh doanh, không được gia hạn thêm, các cá nhân liên quan có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp được gia hạn góp vốn chỉ được áp dụng cho doanh nghiệp thành lập khi có dự án lớn, gắn với việc cải tạo nhà xưởng, đã có dự án với tổng đầu tư lớn. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu là doanh nghiệp đăng ký lần đầu, không phát sinh hoạt động, không thuộc diện được phép gia hạn góp vốn, lập doanh nghiệp.

Theo chuyên gia về môi trường kinh doanh tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), nếu cổ đông xác nhận họ không góp vốn thì chưa thể thành lập được doanh nghiệp, nên việc gia hạn hoạt động doanh nghiệp là không có cơ sở. Cơ quan đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT phải thực hiện rút giấy phép, tạm ngừng đăng ký kinh doanh theo quy định với trường hợp này.