Lý do Elon Musk là vị sếp bất ổn nhưng lại được hàng loạt giám đốc học theo

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Elon Musk không phải vị sếp được lòng nhân viên, thậm chí còn là một lãnh đạo bất thường, thế nhưng có ý kiến cho rằng Musk sở hữu bí kíp quản lý mà nhiều nhà lãnh đạo khác cần học hỏi.

Quan điểm quản lý rõ ràng

Trong một email được gửi ngay trước Lễ tạ ơn, Musk nói với các nhân viên rằng: "Tất cả nhà quản lý đều phải tự viết một lượng phần mềm đáng kể". Tỷ phú 51 tuổi coi việc một quản lý kỹ thuật không có khả năng viết code cũng như đội trưởng kỵ binh mà không biết cưỡi ngựa vậy. Quan điểm của Musk rất rõ ràng: Để làm sếp, bạn cần có khả năng thực hiện công việc như những cấp dưới mà bạn quản lý.

Theo nhận định của một số chuyên gia, nhiều giám đốc hiện nay đang trở nên xa cách với nhân viên bình thường. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của công ty, tạo ra môi trường nơi những người đứng đầu không thực sự hiểu hết về các công việc hay đánh giá đúng mức.

Ngày nay, tại nhiều doanh nghiệp, một số nhà quản lý đã ngừng làm công việc thực tế - loại công sức cần thiết để tạo ra một sản phẩm cuối cùng đem lại tiền bạc. Đó là lý do tại sao Musk lại có phần đúng: Sếp nên là người tham gia tích cực vào quy trình tại nơi mà họ quản lý, hiểu biết đầy đủ về các công việc bên trong. Một cách đơn giản, người quản lý lập trình viên nên là người có khả năng chỉnh sửa và góp ý cho các dòng mã.

Lý do Elon Musk là vị sếp bất ổn nhưng lại được hàng loạt giám đốc học theo - 1

Elon Musk (Ảnh: Analytics Insight).

Một người quản lý thực sự hữu ích là người hoạt động dựa trên kinh nghiệm thực tế, tạo ra thiện chí giữa nhân viên và người quản lý, tạo ra văn hóa tôn trọng lẫn nhau và tạo điều kiện cho hiệu suất tốt hơn.

Tất nhiên, không phải ai cũng có thể vừa biết viết code và vừa biết cách quản lý đội nhóm. Vậy nên, một nhân viên có thành tích tốt không phải lúc nào cũng có thể trở thành sếp. Mặt khác, có những người đảm nhiệm vai trò quản lý trong khi chuyên môn không mấy vững vàng.

Điều quan trọng hơn cả là các nhà quản lý phải hiểu và tôn trọng sức lao động của những người mà họ quản lý để có sự đồng cảm cần thiết và đưa ra những quyết định đúng đắn cũng như tạo điều kiện cho sự thành công của nhân viên.

Nói dễ hơn làm

Tuy nhiên, điều trớ trêu khi Musk kêu gọi các nhà quản lý tham gia nhiều hơn vào công việc của nhóm là bản thân ông lại chính là kiểu người quản lý mà mình không thích. Musk đã yêu cầu các nhà quản lý có thể viết ra những dòng mã tốt nhưng dường như ông không phải là một lập trình viên giỏi. Jackson Palmer - người đồng sáng lập Dogecoin, cho biết Musk là người "gặp khó khăn khi viết những dòng mã cơ bản".

Musk bị ám ảnh bởi việc xem xét các dòng mã, yêu cầu nhân viên cung cấp tối đa 10 ảnh chụp màn hình các dòng mã nổi bật nhất của họ. Mặc dù Musk tuyên bố muốn Twitter trở nên "tinh gọn" và "hiệu quả" nhưng ông đang trực tiếp tạo ra xáo trộn tại mạng xã hội này kể từ khi tiếp quản vào cuối tháng 10.

Không những vậy, Musk còn tự cô lập, sa thải nhiều thành viên lâu năm và có chức vụ quan trọng tại Twitter, chấm dứt chế độ làm việc từ xa, tuyển một số người thân không mấy am hiểu về công ty, sa thải những người nói xấu mình và tuyên bố tất cả đều phải làm việc với áp lực khủng khiếp. Thậm chí gần đây, Musk còn cải tạo một số căn phòng tại trụ sở chính của Twitter làm phòng ngủ cho nhân viên.

Musk - người được cho là bị ám ảnh bởi "năng suất", dường như không quan tâm đến bằng chứng cho thấy làm việc hơn 40 giờ/tuần làm giảm năng suất của mọi người.

Truyền cảm hứng cho nhiều sếp công nghệ

Có thể nói, những động thái quyết liệt và liên tiếp của Musk tại Twitter đã tạo nên một cuộc tranh cãi lớn về văn hóa lao động ở Thung lũng Silicon.

Lý do Elon Musk là vị sếp bất ổn nhưng lại được hàng loạt giám đốc học theo - 2

Văn phòng của một công ty ở Thung lũng Silicon (Ảnh: Stuff.co).

Hành động của vị tỷ phú được coi là không phổ biến tại đây, nơi các ông chủ thường phải "nịnh" nhân viên bằng cách đưa ra nhiều lợi ích lớn để đảm bảo kế hoạch của công ty được hoàn thành.

Theo Business Insider, tuy vấp phải không ít chỉ trích nhưng Musk đã được một số giám đốc ở Thung lũng Silicon ủng hộ, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn và các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, bao gồm cả việc sa thải hàng loạt.

Andrew Chen - Giám đốc cấp cao của công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, cho biết: "Cuộc chơi đã khác xưa rất nhiều. Musk gần như đã trở thành hình mẫu người quản lý nghiêm khắc mà nhiều nhà sáng lập và CEO muốn trở thành trong thời buổi khó khăn. Ông chủ Tesla đã truyền cảm hứng để họ mạnh tay hơn trong việc cắt giảm nhân sự hay thay đổi sản phẩm bất chấp chỉ trích".

Trong khi đó, nhà sáng lập của một startup lớn bày tỏ quan điểm: "Việc sa thải hàng loạt chẳng có gì là tệ khi hãng nào cũng đang phải cắt giảm chi phí nói chung. Musk chỉ đơn giản là người thẳng thắn và quyết liệt nhất. Nước đi khôn ngoan này đã được nhiều doanh nghiệp học theo".