1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lý do doanh nghiệp Việt cần chủ động tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Hiện trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên tại các địa phương trên cả nước trong mùa nắng nóng cao điểm ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, hành động của doanh nghiệp sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho chính mình.

Tiết kiệm điện - giải pháp quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng bền vững

Diễn biến phức tạp của thị trường năng lượng thế giới cùng ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang đặt các nhà máy thủy điện, nhiệt điện trước nguy cơ đối diện với tình trạng không có đủ nguồn cung đáp ứng thị trường. Điều này ảnh hưởng đến sự ổn định nguồn năng lượng cho sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là khối sản xuất công nghiệp.

Trước tình hình trên, ngày 8/6, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Thủ tướng đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới. Trong đó, tiết kiệm điện được coi là một trong những mục tiêu quan trọng của cả người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Với riêng các doanh nghiệp, tìm kiếm các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là nhu cầu mà còn là mục tiêu mang tính chiến lược.

Cần chuyển từ nhận thức sang hành động cụ thể

Khảo sát thực tế của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong riêng lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá là rất lớn, khoảng 20% - 30% tổng năng lượng tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (PSD) vào tháng 8/2022, 77% số doanh nghiệp được khảo sát nhận thức được vấn đề về giảm phát thải khí nhà kính, nhưng còn nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và cả nông nghiệp không biết họ đang tạo ra lượng phát thải khí nhà kính lớn. Số doanh nghiệp nắm rõ quy định về giảm phát thải khí nhà kính không quá 20%.

Cũng theo báo cáo của PSD, việc triển khai hiệu quả năng lượng - một trong các giải pháp tiết kiệm năng lượng bền vững, vẫn còn nhiều khó khăn ở từng doanh nghiệp.

Lý do đến từ thiếu thông tin, tài liệu hướng dẫn cũng như đội ngũ lao động thiếu kỹ năng vận hành công nghệ tiên tiến. Tự cân đối tài chính để đầu tư giảm phát thải cũng là yếu tố làm tăng thêm sự e ngại cho doanh nghiệp khi cân nhắc đầu tư và ứng dụng các giải pháp hiệu quả năng lượng. Doanh nghiệp Việt vì thế, cần chuyển từ nhận thức sang hành động cụ thể khi thực thi hiệu quả năng lượng trong sản xuất, bằng nhiều nỗ lực cùng hợp lực.

Hợp tác và kết nối - cơ hội ứng dụng hiệu quả năng lượng cho doanh nghiệp

Với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn này, Đức - quốc gia đi đầu trên thế giới về cung cấp công nghệ giải pháp hiệu quả năng lượng - đã thông qua Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) triển khai mô hình Đội Quản lý hiệu quả năng lượng (SEEG) cho doanh nghiệp Việt.

Từ năm 2020 đến 2021, SEEG đã triển khai chuỗi hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho 19 doanh nghiệp ở TPHCM, Hà Nội và Bắc Ninh. Các doanh nghiệp được trang bị kiến thức nền tảng về quản lý hiệu quả năng lượng, cũng như được tư vấn để tìm ra các giải pháp và thiết lập một hệ thống quản lý năng lượng đơn giản, hiệu quả, phù hợp.

Trang web https://veecom.vn/ do Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA) và GIZ cùng thành lập và phát triển chính là cộng đồng về hiệu quả năng lượng tại Việt Nam với hơn 1.000 thành viên, trở thành nguồn tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm hữu ích cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Lý do doanh nghiệp Việt cần chủ động tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả - 1
Hội thảo tập huấn về hiệu quả năng lượng cho các doanh nghiệp tại TPHCM (Ảnh: GIZ).

Bên cạnh SEEG, một sáng kiến khác của Đức được GIZ mang tới Việt Nam là mô hình "Câu lạc bộ hiệu quả năng lượng", nơi kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ đa chiều, đa dạng. Các doanh nghiệp Đức và Việt Nam cùng trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tham khảo các bài học kinh nghiệm và các giải pháp thành công. Qua đó, tăng thêm niềm tin cho doanh nghiệp về việc ứng dụng hiệu quả năng lượng tại cơ sở.

Theo ông Markus Bissel, Trưởng hợp phần hiệu quả năng lượng (Dự án 4E, GIZ), sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là "nguồn nhiên liệu đầu tiên", là trọng tâm giúp giảm tình trạng thiếu điện và đạt phát thải khí nhà kính bằng 0.

Chia sẻ kinh nghiệm của Đức, ông cho biết: "Trong năm 2022, chỉ với riêng ngành công nghiệp tại Đức, việc đặt trọng tâm vào hiệu quả năng lượng đã giúp tiết kiệm 30% năng lượng so với cùng kỳ năm trước. Với một nước đã công nghiệp hóa như Đức mà tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn dồi dào như vậy, chúng ta có thể tưởng tượng tiềm năng của Việt Nam còn lớn như thế nào".

Lý do doanh nghiệp Việt cần chủ động tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả - 2

Thông qua Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP), các cơ quan tài trợ của Chính phủ Đức đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành triển khai nhiều hoạt động để nâng cao hoạt động hiệu quả năng lượng cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên toàn quốc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững và hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.