Lướt sóng cùng... OTC!

Không biên độ dao động giá nên khi TTCK sụt giảm, giá các cổ phiếu trên thị trường OTC đã hứng chịu hậu quả nặng nề. Nhưng trong bối cảnh thị trường đang có dấu hiệu bình ổn, nhược điểm của việc không có biên độ dường như đang trở thành lợi thế.

Từ quá khứ

Có lẽ, cổ phiếu trên thị trường OTC của Việt Nam chưa bao giờ hưng thịnh hơn giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007, khi mà không ít NĐT đã nghĩ rằng: OTC thực sự là cỗ máy in tiền siêu tốc!

Có giai đoạn cổ phiếu Vincom trước khi niêm yết đã được NĐT lùng mua với mức giá tăng lên theo từng phút. Thực tế, một cổ phiếu của doanh nghiệp ngành du lịch (hiện tại đã niêm yết) sau gần 2 tháng tăng tới hơn 10 lần! Thị trường OTC khi đó quả là siêu lợi nhuận, bởi lẽ: không biên độ, thiếu thông tin, không thời hạn thanh toán…

Tuy nhiên, cuộc vui chóng tàn. NĐT trên thị trường OTC dường như bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả trong thời gian vừa qua, song hành với sự ảm đạm của thị trường niêm yết.

Trong vòng 6 tháng, cổ phiếu trên thị trường này rơi vào tình trạng gần như không có giao dịch, ngoại trừ một số cổ phiếu ngành ngân hàng, tài chính, bất động sản. Nguyên nhân chính là do thiếu sự hỗ trợ thông tin từ phía doanh nghiệp.

Và không biên độ, không giá tham chiếu từng là lợi thế, nay đã trở thành nỗi ám ảnh khi NĐT vừa mua xong đã thấy “thiên hạ” chào bán với giá thấp hơn rất nhiều.

Đến hiện tại

Lợi thế của thị trường OTC chính là việc có thể mua bán trao tay ngay trong ngày (chưa cần sang tên), nhưng việc này có phát huy tác dụng không khi thị trường “có ai mua đâu mà bán”? Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, giá nhiều cổ phiếu đã rơi về mức gần mệnh giá, gây thiệt hại rất lớn cho NĐT.

Tuy nhiên, trong một tuần vừa qua, không ít người lại cảm thấy may mắn vì mọi chuyện có vẻ đang đảo chiều. Trước hết, thay vì phải chờ đợi cả ngày giá mới lên được 1% hoặc 2% như trên sàn niêm yết, vừa mất phí giao dịch lại mất thời gian chờ thanh toán thì giao dịch trên thị trường OTC chỉ cần thỏa thuận và giá có thể chênh lệch rất nhiều.

Tính bình quân, với những mã chứng khoán có giá từ 50.000 - 100.000 đồng/CP, để tăng được 1.000, 2000 đồng phải cần tới ít nhất 2 phiên giao dịch. Nhưng với cổ phiếu OTC, NĐT có thể kiếm chênh lệch tới 3.000 - 4.000 đồng/CP chỉ bằng tài đàm phán.

Bí quyết thành công trên thị trường OTC lúc này chính là có mạng lưới quan hệ tốt và nhiều thông tin, trong khi bí quyết trên sàn niêm yết mấy ngày qua là... biết chờ đợi! Theo trưởng phòng đầu tư của một CTCK thì khi TTCK đã trải qua một đợt điều chỉnh kéo dài và bắt đầu một đợt tăng mới thì OTC thực sự là điểm đầu tư hấp dẫn, vì cơ hội kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn cao hơn nhiều so với các mã niêm yết.

Và tương lai

Hiện tại, Quy chế Tổ chức và quản lý GDCK công ty đại chúng chưa niêm yết đã được UBCK trình lên Bộ Tài chính. Quyết định cuối cùng chưa được công bố, nhưng tựu trung, 2 vấn đề nêu ở trên có thể bị thay đổi, đó là biên độ dao động giá và quyền mua bán trong ngày.

Theo đó, biên độ dự kiến là +/- 20% và NĐT không được vừa mua, vừa bán cùng một loại cổ phiếu trong một phiên (với thời gian thanh toán là T+3). Điều này có thể sẽ làm hạn chế tốc độ quay vòng  của các cổ phiếu OTC đang giao dịch tự do, nếu các cổ phiếu này chuyển vào sàn đăng ký giao dịch.

Theo ghi nhận từ thị trường, nhiều nhà đầu tư cho rằng, Bộ Tài chính nên cho phép nhà đầu tư được cùng mua bán một loại cổ phiếu trong phiên. Trước hết, đây chỉ là thị trường đăng ký giao dịch và NĐT có thể tự thỏa thuận với nhau để đi đến hợp đồng.

Thực tế, áp dụng biên độ +/-20% thì cũng gần như là không có biên độ, nhưng quy định không cho giao dịch mua - bán cùng một loại  cổ phiếu trong phiên có thể sẽ làm giảm tính thanh khoản, và làm mất đi đặc trưng vốn có của thị trường này.

Theo Bùi Sưởng
Đầu tư Chứng khoán