Lượng vàng “dân gối đầu” lên tới vài trăm tấn

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đưa ra một số biện pháp cần phải làm ngay để đảm bảo sự ổn định và khả năng kiểm soát được của thị trường vàng trong nước.

Lượng vàng “dân gối đầu” lên tới vài trăm tấn - 1
Người dân vẫn có tâm lý giữ vàng (ảnh minh họa)
 
Thứ nhất, đó là giá vàng trong nước cần phải được liên thông với giá vàng quốc tế một cách toàn diện. Điều này có nghĩa là, cần thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước so với giá vàng quốc tế, đảm bảo không quá chênh lệch khi nhân với tỷ giá ngoại tệ quy đổi. Theo tính toán, khoảng chênh lệch thông thường thường rơi vào khoảng 15 – 20 USD, phụ thuộc vào cung cầu, diễn biến của thị trường. Do vậy, nếu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá quốc tế vượt ra khỏi ngưỡng này, thì đó là bất hợp lý.

Thứ hai, cần có biện pháp quản lý để lành mạnh hóa thị trường vàng. Đang có hiện tượng “vàng hóa” đối với nền kinh tế và tầng lớp dân cư.

Thứ ba, cần khai thông nguồn lực vàng rất lớn trong dân. Theo thống kê hiện nay, lượng vàng được người dân tích trữ có thể lên tới vài trăm tấn vàng, tương đương khoảng 16-18 tỷ USD.

Để giải quyết toàn diện và căn cơ đối với các vấn đề của thị trường vàng, trách nhiệm đang được đặt lên Ngân hàng Nhà nước. Trong khi chờ đợi các biện pháp này, cơ quan quản lý nhà nước có thể tính tới những biện pháp sau:

Một là, tạo tâm lý cho thị trường ổn định, tránh tình trạng khan hiếm cung cầu, tạo kẽ hở và lợi dụng của các yếu tố đầu cơ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách mềm dẻo hơn đối với vàng.

Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động cấp quota cho các đơn vị kinh doanh vàng với thời hạn phù hợp để tránh hiện trượng thị trường bị mất cân đối cung cầu, giúp các doanh nghiệp có thể chủ động chọn thời điểm nhập khẩu vàng, giảm bớt tình trạng giá vàng trong nước bị đẩy cao.

Hai là, xem xét lại một số cơ chế chính sách để việc đầu tư kinh doanh vàng vật chất không phải là hướng chủ đạo. Hiện nay, các hoạt động kinh doanh vàng chỉ tập trung vào kinh doanh vàng vật chất, các hình thức khác đều bị cấm (kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, sàn vàng, sử dụng các công cụ phái sinh…). Nếu tiếp tục duy trì hình thức kinh doanh vàng vật chất chiếm đến 80% như hiện nay, thì có thể đó là một điều bất lợi.

Ba là, cần khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức để xuất khẩu, cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc. Để làm được việc này, điều quan trọng là cần điều chỉnh chính sách thuế hợp lý, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nữ trang để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bốn là, cần có cơ chế, chính sách hợp lý để khơi thông, thu hút lượng vàng trong dân, tránh lãng phí nguồn lực vàng lớn để phục vụ kinh tế.

Vừa qua, trong điều kiện tạm thời, nhằm giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã không cho phép các ngân hàng thương mại huy động vàng để chuyển ra tiền đồng. Tuy nhiên, để tránh lượng vàng trong dân “nằm chết”, cần phải có một chính sách thu hút hợp lý, có thể thông qua công cụ lãi suất, hay có cơ chế bảo đảm số vàng đó khi chuyển đổi ra tiền vẫn luôn có “bảo chứng”, bảo toàn được giá trị thông qua các hình thức như mua bảo hiểm, phát hành chứng chỉ vàng, cân đối trạng thái qua các sàn giao dịch vàng nước ngoài để tránh rủi ro…

Đỗ Minh Phú
Báo DĐDN