Lương tối thiểu: Chỉ có ý nghĩa “lưới chắn”
Theo Bộ LĐTBXH, mức lương tối thiểu chung theo lộ trình dự kiến sẽ hợp nhất vào năm 2010. Luật Tiền lương tối thiểu dự kiến cũng được trình Quốc hội thông qua vào năm 2008.
Kết quả một điều tra mới đây của Bộ LĐTBXH cho thấy, DN nhà nước có tốc độ tăng tiền lương quá nhanh so với tốc độ tăng năng suất lao động, năm 2004 năng suất lao động tăng 8,2% thì tiền lương tăng bình quân 16,9%.
Ngược lại, DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN ngoài quốc doanh tiền lương tăng chưa tương xứng với tốc độ tăng lợi nhuận và tốc độ tăng năng suất lao động. Năm 2004, ở khối DN có vốn đầu tư nước ngoài trong khi lợi nhuận tăng 41,2%, năng suất lao động tăng 18,3% thì tiền lương của người lao động chỉ tăng 12,6%.
Tương ứng, ở khu vực DN ngoài quốc doanh lợi nhuận tăng 54,3%, năng suất tăng 10,3% nhưng lương chỉ tăng 3%. Như vậy, với việc phát triển nền kinh tế thị trường, việc tăng dần và tiến tới hợp nhất mức lương tối thiểu giữa các khu vực là cần thiết.
Theo các chuyên gia về tiền lương, điều chỉnh để thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình DN sẽ vừa tạo được sự bình đẳng giữa các DN trong lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, vừa thúc đẩy các DN tự đổi mới, nâng cao tay nghề cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cũng theo kết quả cuộc điều tra, hiện nay mức thu nhập thực tế mà các DN trả cho người lao động đã cao hơn rất nhiều so với lương tối thiểu. Cụ thể, tiền lương bình quân của người lao động năm 2003 đã là 1.610.000đ/tháng; năm 2004 là 1.790.000đ/tháng và 6 tháng đầu năm 2005 là 1.750.000đ/tháng.
Trong đó, cao nhất là khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (6 tháng đầu năm 2005 là 1.950.000đ/tháng) và thấp nhất là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh (1.480.000đ/người/tháng); khối doanh nghiệp nhà nước đạt mức trung bình 1.830.000đ/người/tháng.
Theo đánh giá của Vụ Tiền lương-tiền công (Bộ LĐTBXH), thực tế của nền kinh tế thị trường những năm gần đây, mức lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa là “lưới chắn” để DN không được trả thấp hơn và là căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, làm căn cứ để tính mức lương trong hệ thống thang bảng lương, phụ cấp... chứ không phải là mức thu nhập thực của người lao động.
Theo Vụ Tiền lương-tiền công, cùng với việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, việc phân vùng lương tối thiểu cũng sẽ được thực hiện. Thực chất, quy định thực hiện mức lương tối thiểu vùng là phân về chính sách tiền lương, mức sàn mà thôi, còn điều tiết như thế nào là do DN đó điều chỉnh.
Mục đích của việc phân vùng lương tối thiểu là để thu hút đầu tư về những vùng khó khăn, có mức lương thấp, qua đó cũng để khuyến khích sử dụng lao động tại chỗ.
Dự kiến đến 2010, chúng ta sẽ thống nhất lương tối thiểu, nhưng sẽ phân vùng về mức lương tối thiểu.
Theo Trịnh Xuân
Báo Lao động