Lương lao động Vinacomin sụt còn 7 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Với tình trạng khó khăn kéo dài suốt 9 tháng và dự kiến đến hết năm 2012, Vinacomin bên cạnh việc buộc hạ giá thành đã phải cắt giảm thu nhập công nhân, khiến lương bình quân liên tục sụt giảm. Trong khi đó, công nợ vẫn còn bị "treo" hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), do ảnh hưởng của suy thoái, trong 9 tháng đầu năm, việc sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đã bị ảnh hưởng, gặp không ít khó khăn.

Đến hết quý III/2012, doanh thu tập đoàn ước đạt 60.400 tỷ đồng, sản xuất 33,2 triệu tấn than. Than tiêu thụ ước đạt 27,7 triệu tấn bằng 61% kế hoạch năm và bằng 84% so cùng kỳ.

Cũng theo cập nhật của Vinacomin, thu nhập bình quân của người lao động trong Tập đoàn 9 tháng 2012 xấp xỉ 7 triệu đồng/người/tháng. Mức này đã giảm so với mức bình quân 6 tháng đầu năm là 7,2 triệu đồng/người/tháng và so mức 7,7 triệu đồng/người/tháng hồi năm ngoái.

Trong số các con nợ của Vinacomin, EVN vẫn đang là đơn vị treo nợ nhiều nhất.
Trong số các "con nợ" của Vinacomin, EVN vẫn đang là đơn vị "treo" nợ nhiều nhất.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn cũng đã nói thẳng rằng, do tình hình khó khăn, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã yêu cầu Vinacomin năm nay dù tăng lợi nhuận hay đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định thì lương 2012 cũng không cao hơn 2011.

Tập đoàn chỉ có thể giữ được mức chi tả tương ứng năm ngoái cho thợ lò, còn tất cả các công đoàn thuộc Vinacomin đều sẽ phải giảm tiền lương so năm 2011 trên 10% và còn có thể phải giảm tiếp.

Theo thống kê hiện nay, có trên 108.000 thợ mỏ đang làm việc tại vùng than Quảng Ninh. Vinacomin đã tính toán, cộng với những người thân trong gia định của công nhân, tình hình khó khăn của ngành có thể sẽ tác động xấu tới gần nửa triệu người, chiếm 1/2 dân số của tỉnh.

Do đó, trong thời gian vừa qua, Vinacomin đã liên tục có đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn. Đến nay, các kiến nghị về giá bán than cho điện, thuế xuất khẩu than đã được Chính phủ xem xét giải quyết từng bước. Từ ngày 15/9 giá than cho điện đã được điều chỉnh bằng xấp xỉ 70% giá thành năm 2011; thuế suất xuất khẩu than đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giảm xuống 10%. Hiện Bộ Tài chính đang giải quyết theo trình tự thủ tục.

Tích cực thu hồi  hơn 2.000 tỷ đồng công nợ

Quý IV/2012, theo dự kiến của Vinacomin, tình hình tiêu thụ sản phẩm của Tập đoàn vẫn sẽ còn tiếp tục khó khăn do nền kinh tế thế giới và trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi.

Sản lượng tiêu thụ còn lại của 3 tháng cuối năm là 12,3 triệu tấn than, trong đó, xuất khẩu 6,1 triệu tấn, trong nước 6,2 triệu tấn, than nguyên khai sản xuất còn lại khoảng 10,8 triệu tấn. Với các chỉ tiêu này, quý IV đòi hỏi từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên sẽ phải đẩy mạnh tiêu thụ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến điều hành sản xuất tháng 10 và quý IV mới đây, ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Tập đoàn đã yêu cầu thời gian tới, Vinacomin sẽ phải đẩy mạnh tiêu thụ để giảm tồn kho.

Vừa rồi, Tập đoàn đã được Bộ Tài chính chấp thuận việc đăng ký giảm giá bán than tiêu thụ trong nước, áp dụng từ ngày 22/10 với mức giảm cao nhất là 9,5%.

Ngoài ra, một trong những điểm lưu ý mà ông Chuẩn đề cập đến đó là "tích cực thu hồi công nợ, theo dõi, đôn đốc khách hàng thanh toán đúng hạn; chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác thanh toán công nợ nội bộ Tập đoàn".

Thống kê của Vinacomin hồi đầu tháng 8 còn ghi nhận, Tập đoàn này đang bị "treo" trên 2.000 tỷ đồng công nợ của các đơn vị ngoài ngành. Trong số công nợ này, chủ yếu từ các đơn vị mua than, riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chiếm tới một nửa số nợ.

Tại thời điểm đó, ban lãnh đạo Vinacomin đã cứng rắn tuyên bố, ngoài việc sẽ tổ chức thu hồi công nợ cũ, Tập đoàn khẳng định, kiên quyết sẽ không bán than cho những đơn vị không có cam kết và chưa trả nợ quá 10 ngày khi than xuất bến. Đối với các đơn vị có cam kết, thời gian cũng không quá một tháng rưỡi.

Tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo cụ thể về tiến trình thanh toán nợ của EVN đối với Vinacomin.

Bích Diệp