1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Lúng túng xử lý doanh nghiệp vắng chủ

Luật hóa quy trình xử lý nhanh tài sản của các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn sẽ sớm giải quyết quyền lợi người lao động.

Cách đây một tuần, khi nghe tin các ngành chức năng TP HCM họp bàn giải quyết tình hình tại doanh nghiệp (DN), nhiều công nhân (CN) Công ty TNHH Lê Hoàng (huyện Hóc Môn) mừng khấp khởi. Thế nhưng, hy vọng ấy sớm tắt ngúm bởi giải pháp đưa ra chỉ dừng lại ở mức hướng dẫn CN khởi kiện ra tòa.

 

“Máy móc và hàng thành phẩm trong kho còn rất nhiều, nếu các ngành chức năng cứ niêm phong rồi để đó thì sẽ sớm xuống cấp. Khi giá trị tài sản DN không còn và trông chờ khởi kiện thì coi như CN trắng tay” - một cán bộ chuyên trách LĐLĐ huyện Hóc Môn nhận xét.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Đụng đâu cũng vướng

 

Vụ việc tại Công ty Lê Hoàng không phải là cá biệt. Tình trạng DN làm ăn thua lỗ rồi chủ bỏ trốn, “xù” quyền lợi của CN không còn là chuyện lạ và thời gian gần đây lại tái diễn, gây lúng túng không ít cho các cơ quan chức năng.

 

Liên quan đến tình hình chủ DN bỏ trốn, từ năm 2009 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2009 (ngày 23/2/2009) và Công văn số 1490 (ngày 24/9/2012) chỉ đạo tạm ứng ngân sách trả lương cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, TP HCM gặp không ít trở ngại. Nổi cộm là việc xác định tiêu chí “DN có chủ bỏ trốn”.

 

Công nhân Công ty Lê Hoàng thất thần khi hay tin chủ doanh nghiệp bỏ trốn
Công nhân Công ty Lê Hoàng thất thần khi hay tin chủ doanh nghiệp bỏ trốn

 

Theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH,“DN có chủ bỏ trốn là DN không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của NLĐ và được UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền xác định”. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn cụ thể tiêu chí này. Do vậy, các cơ quan chức năng của TP đành chào thua.

 

Trở ngại khác là quy trình xử lý tài sản của DN có chủ bỏ trốn. Điểm c khoản 2 mục III Thông tư liên tịch số 06/2009 của Bộ LĐ- TB-XH và Bộ Tài chính nêu: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính thực hiện việc xử lý tài sản của DN để hoàn trả tạm ứng từ ngân sách địa phương”. Tuy nhiên, theo UBND TP HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chỉ là cơ quan chuyên môn, không có chức năng thu giữ và quản lý tài sản của DN.

 

Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa xác định cơ chế xử lý nhanh tài sản của DN có chủ bỏ trốn để bảo đảm việc xử lý tài sản đúng quy định, bảo toàn giá trị tài sản và hoàn trả số tiền ngân sách đã tạm ứng. Do đó, sau khi ứng lương cho NLĐ, việc xử lý tài sản của DN rơi vào bế tắc bởi quy trình phá sản rất nhiêu khê.

 

Chính những trở ngại này gây khó khăn cho TP HCM trong việc tạm ứng ngân sách trả lương cho CN tại những DN có chủ bỏ trốn, dẫn đến việc khó thu hồi ngân sách. Điển hình trong năm 2010, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Tài chính tạm ứng ngân sách hơn 1,62 tỉ đồng để chi trả hộ tiền lương cho CN tại Công ty TNHH Sin B (quận 12), Công ty TNHH Hoàng Nghiệp (quận Bình Tân) và Công ty TNHH May Dục Quân (quận 8). Tuy nhiên, đến nay, TP chỉ mới thu hồi số tiền hơn 34 triệu đồng từ nguồn thanh lý tài sản của Công ty TNHH Sin B do Cục Thi hành án dân sự phát mãi. Đối với số tiền tạm ứng còn lại, TP vẫn chưa thu hồi được do chưa xử lý được tài sản các DN này.

 

Người lao động thiệt đủ đường

 

Theo luật định, khi DN phá sản, ưu tiên hàng đầu là giải quyết quyền lợi NLĐ. Tại TP HCM, một trong những giải pháp mà các ngành chức năng triển khai là hướng dẫn NLĐ thông qua LĐLĐ quận - huyện đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản DN hoặc đề nghị NLĐ khởi kiện dân sự đối với khoản nợ lương. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không khả thi do thủ tục phá sản phức tạp, kéo dài.

 

“Việc khởi kiện dân sự tại tòa án đối với NLĐ khó thực hiện được, nguyên nhân là do thủ tục ủy quyền. NLĐ phải lo tìm việc làm mới, không thể tiếp tục theo đuổi vụ kiện theo yêu cầu về thủ tục của tòa án hoặc thời hạn xử kiện đã hết”- bà Bùi Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, dẫn chứng.

 

Theo Công văn số 1490 của Thủ tướng Chính phủ, việc tạm ứng ngân sách địa phương để trả lương cho NLĐ chỉ áp dụng đối với NLĐ không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các DN có chủ bỏ trốn. Như vậy, NLĐ đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các DN này thì không thuộc đối tượng áp dụng. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc giải quyết nợ lương cho NLĐ.

 

Mặt khác, do quá trình xử lý vụ việc kéo dài nên tài sản của DN bị xuống cấp, giá trị còn lại của tài sản thường thấp hơn giá trị tài sản tạm xác định ban đầu. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến địa phương càng khó khăn hơn khi giải quyết chế độ cho NLĐ.

 

Linh hoạt xử lý tài sản doanh nghiệp

 

“Để giải quyết dứt điểm khoản tạm ứng ngân sách chi trả hộ tiền lương cho NLĐ của các DN có chủ bỏ trốn, các bộ - ngành cần quy định tiêu chí xác định “DN có chủ bỏ trốn” để làm cơ sở thực hiện việc tạm ứng ngân sách địa phương hỗ trợ khoản nợ lương cho NLĐ. Nhằm đẩy nhanh việc xử lý tài sản của DN, tránh tình trạng xuống cấp, làm giảm giá trị tài sản, đồng thời để sớm thu hồi tạm ứng cho ngân sách địa phương, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ - ngành hướng dẫn quy trình xử lý nhanh tài sản của các DN có chủ bỏ trốn không phụ thuộc vào quy trình xử lý theo Luật Phá sản” - công văn của UBND TP HCM nêu rõ.

 

Theo Khánh An

NLĐ
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm