Luật quảng cáo cần có quy định khung rõ ràng

(Dân trí) - Pháp lệnh quảng cáo hay các văn bản hướng dẫn hiện chưa có quy định khung rõ ràng, do đó các địa phương thường tự thêm các quy định không cần thiết gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đó là ý kiến của hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo tại Việt Nam tại buổi góp ý kiến về dự thảo Luật quảng cáo nhằm hoàn thiện để trình Quốc hội phê chuẩn thay thế cho Pháp lệnh quảng cáo đã áp dụng 10 năm trước đây do Hiệp hội quảng cáo Việt Nam (VAA) và Báo Phát Luật TP HCM tổ chức hôm qua (24/3) tại Đà Nẵng.

 

Ông Kha Kim Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội quảng cáo Đà Nẵng phát biểu: Chúng tôi mong muốn có Luật quảng cáo rõ ràng, không quá chi tiết và cũng không quá chung chung nhưng phải cụ thể để doanh nghiệp không phải lo lắng thi thực hiện.

 

Theo ông Hùng, hiện nay quy định quảng cáo ngoài trời phải xin phép theo từng hợp đồng riêng cho các doanh nghiệp nên đây là một dạng “giấy phép cháu” của Pháp lệnh quảng cáo. Do đó, các doanh nghiệp cho rằng đối với một địa điểm thì chỉ nên xin phép một lần, rồi các doanh nghiệp quảng cáo sẽ thực hiện hợp đồng cho khách hàng nào là quyền của mình.

 

Luật quảng cáo cần có quy định khung rõ ràng  - 1
Bảng quảng cáo đẹp là nhờ có quy hoạch chuẩn. 
 

Giám đốc một Công ty quảng cáo tại TPHCM nêu lên một ví dụ: Tại TPHCM, trong hồ sơ xin phép thực hiện quảng cáo phải có hợp đồng kinh tế, trong khi hợp đồng có những nội dung cần bảo mật như giá cả, thời hạn... trong khi nhiều tỉnh khác không đòi. Hay như ở Cần Thơ, mới đây lại thêm thủ tục phải nộp bản vẽ xây dựng panô ốp tường trong hồ sơ xin phép thực hiện quảng cáo khiến doanh nghiệp phải làm thêm bản vẽ này để nộp.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Dịch vụ quảng cáo Kim Minh (TPHCM), cho biết: Luật quảng cáo phải thống nhất toàn quốc, là kim chỉ nam để các công ty quảng cáo làm theo. Nếu có thể thì nên bỏ bớt thủ tục chứ không được thêm vào nhiều thủ tục, nhất là ở các địa phương.

 

Bà Phương ví Luật quảng cáo đơn giản như phải dừng khi đèn đỏ và đi khi có đèn xanh. “Không thể chỗ này đèn đỏ thì dừng nhưng địa phương khác thì xe lại chạy thì không được”, bà Phương nói.

 

Một doanh nghiệp tại Đà Nẵng cho biết: Quy định bảng quảng cáo cao tối thiểu 1m là không thực tiễn. Hoạt động quảng cáo sinh nhiều giá trị gia tăng cho xã hội, diện tích quảng cáo càng lớn càng hiệu quả về mặt kinh tế, thẩm mỹ vì vậy không nên gò bó trong khuôn khổ này. Ngoài ra, với tỉ lệ này sẽ không đảm bảo được tính hợp lý về chiều cao bảng quảng cáo so với không gian mặt tiền.

 

Như tại TPHCM đã có Quyết định 39 quy định chi tiết về quảng cáo tại TP, trong đó không hề ghi cấm panô vượt tường nhà, chỉ cấm đặt panô trên nóc nhà, nóc cao ốc. Thế nhưng, doanh nghiệp đặt panô áp tường nhà, tường cao ốc và có cao hơn tường nhà, nóc nhà một chút thì bị Thanh tra Sở phạt, bị buộc tháo dỡ, do trong giấy phép thực hiện quảng cáo có ghi thêm câu “không được vượt khỏi tường nhà”...

 

Cũng tại TPHCM 15 năm trước, doanh nghiệp xây dựng một panô quảng cáo lớn, đến 2003 thì Quận 1 lại yêu cầu panô quảng cáo không được vượt quá 70 m2. Mười năm trước, doanh nghiệp xây dựng panô quảng cáo 10m x 20m dọc đường xa lộ, lúc đó không có quy định khống chế chiều cao, chiều rộng của bảng. Đến nay, theo Quyết định 39 của UBND TP.HCM thì bảng quảng cáo chỉ được cao 8 mét và rộng 16 mét mà thôi. Theo đó, buộc doanh nghiệp phải sửa lại bảng cũ, mà sửa thì rất tốn kém cho doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, việc thiếu tiêu chí cho địa phương xây dựng quy hoạch dẫn đến việc cơ quan quản lý ít quan tâm đến quyền lợi của doanh nghiệp. Ngoài Sở VHTT-DL, các Công ty quảng cáo còn phải xin phép bên Sở Xây dựng, cây xanh, cầu đường…

 

Ông Hà Văn Tăng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAA cho biết, hiện tại ở Việt Nam, quảng cáo ngoài trời chỉ chiếm từ 10-15% trong tổng doanh thu quảng cáo nhưng lại có quá nhiều rắc rối vì mỗi địa phương lại có một quy định riêng đối với lĩnh vực này. Do đó có doanh nghiệp tại tỉnh thành này khi thực hiện hợp đồng cho khách hàng của mình ở tỉnh khác thì lại gặp ngay phiền phức vì đủ thứ các quy định, thủ tục phải xin phép...

 

Do đó, theo ông Tăng lần này các đại biểu trong VAA mong muốn góp ý vào dự thảo để có Luật quảng cáo tiến bộ, toàn diện, phản ánh đúng nhu cầu xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước - nhà quảng cáo - nhà tiêu dùng - ngôi nhà chung. Luật này phải khắc phục được hạn chế nhược điểm của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhất quán, đồng bộ tạo điều kiện thông thoáng cho ngành quảng cáo Việt Nam non trẻ phát triển kịp thời đại.

 

Công Bính