Luật cho - không dám; luật cấm - được làm?!
Trong một xã hội văn minh, các doanh nghiệp không được làm những gì mà pháp luật ngăn cấm và được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm đoán. Tuy nhiên, trong hoạt động tín dụng hiện nay, dường như khó làm được điều đơn giản ấy?
Điều 57, Hiến pháp và điều 7, Luật Doanh nghiệp khẳng định công dân và doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Nhưng trong hoạt động tín dụng ngân hàng, có những điều pháp luật đã quy định rõ là được làm, mà các ngân hàng lại vẫn không dám làm.
Đó là việc thu các loại phí liên quan đến hoạt động cho vay như phí cấp hạn mức tín dụng, phí thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, phí gia hạn nợ... Các khoản phí này là bình thường theo thông lệ quốc tế và cũng rất hợp lý ở chỗ, ngân hàng sẽ thu thêm phí khác nhau đối với một số khoản vay, trong trường hợp phải bỏ ra nhiều thời gian và chi phí hơn, thay vì nâng lãi suất đồng loạt đối với khách hàng vay vốn.
Điều 54, Luật Các tổ chức tín dụng có nhắc đến một trong những quyền của tổ chức tín dụng (TCTD) trong cho vay là “được miễn, giảm lãi suất, phí”.
Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành cũng nêu rõ việc thu loại phí trả nợ trước hạn. Các loại phí khác tuy không được đề cập đến, nhưng tuyệt nhiên không có văn bản pháp luật nào ngăn cấm hay hạn chế thu phí tín dụng, kể cả các nghị định, thông tư về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Tuy nhiên, ngày 10/6/2008, NHNN lại có Công văn số 5158, tiếp đó là Công văn số 5455 ngày 19/6/2008 yêu cầu “các tổ chức tín dụng không được thu phí liên quan đến hoạt động cho vay”.
Cho đến thời kỳ này, hai công văn này vẫn ràng buộc các ngân hàng không được thu bất kỳ loại phí cho vay nào, kể cả trường hợp cho vay dưới trần lãi suất.
Như vậy là pháp luật thì cho phép, nhưng NHNN chỉ bằng những công văn mà lại cấm thu tất cả các loại phí cho vay là không hợp lý, đặc biệt là loại phí trả nợ trước hạn đã được điều 478, Bộ luật Dân sự quy định rất rõ: “Bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, nếu không có thỏa thuận khác”.
Tuần trước, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt trích dẫn lời của Thống đốc NHNN: “Luật pháp nghiêm cấm triệt để hành vi đảo nợ trong bất luận trường hợp nào. Bởi vì, một nền kinh tế chấp nhận cho vay đảo nợ, tức là chấp nhận cách làm ăn không mang lại hiệu quả, đồng thời gây thất thoát tài sản, chưa kể gây rối ren trong công tác quản lý”. Nếu trích dẫn trên là đúng, thì lại là một ví dụ nữa cho thấy, các ngân hàng không được phép làm một việc mà pháp luật không hề cấm đoán.
Điều 54, Luật Các TCTD đã quy định rất rõ: “Việc đáo nợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ”, tức không phải là hành vi bị cấm. Tiếp đó, điều 9, Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng hiện hành do NHNN ban hành đã cụ thể hóa hơn nữa: “Việc đảo nợ, các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định riêng của NHNN Việt Nam”.
Đã hơn 11 năm nay, các TCTD mòn mỏi mong chờ hướng dẫn nghiệp vụ trên. Nay người đứng đầu ngành ngân hàng lại phủ nhận điều luật trên, phủ nhận trách nhiệm chậm trễ của ngành mình?
Luật pháp cấm đoán nhưng lại được làm
Lãi suất cho vay trong nền kinh tế nói chung, của các ngân hàng nói riêng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN quy định. Giới hạn này đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 theo Bộ luật Dân sự năm 2005.
Tuy nhiên, cho đến tận ngày 19/5/2008, thì các ngân hàng mới “phải” thực hiện, sau khi có Quyết định số 16 của NHNN. Trước đó, các ngân hàng tha hồ cho vay vượt 150% lãi suất cơ bản. Chính NHNN cũng áp lãi suất đấu thầu giấy tờ có giá lên tới 171% lãi suất cơ bản vào giữa tháng 2/2008.
Điều luật trên vẫn giữ nguyên giá trị, nhưng lại được các văn bản dưới luật vận dụng ngược lại hoàn toàn so với việc thu phí cho vay nói trên. Ngày 3/12/2008, NHNN ban hành Quyết định số 33, cho phép Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở cho vay với mức khống chế là 165% lãi suất cơ bản.
Ngày 23/1/2009, NHNN ban hành Thông tư số 01 hướng dẫn các TCTD được cho vay phục vụ đời sống không bị giới hạn theo mức lãi suất 150% nói trên. Tuy trong văn bản không thể hiện rõ điều này, nhưng trên thực tế đang được chấp nhận lãi suất cho vay trên 200% lãi suất cơ bản.
Các văn bản này được ban hành sau khi có Nghị quyết ngày 6/11/2008 của Quốc hội, trong đó có nội dung: “Các TCTD điều hành lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất cơ bản của NHNN theo quy định của pháp luật và được phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với một số dự án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả cao”.
Với câu chữ như thế này, thì không thể hiểu rằng pháp luật đã cho phép cho vay vượt 150% lãi suất cơ bản, đặc biệt là đối với loại cho vay tiêu dùng. Không những thế, cả về nguyên lý cũng như thực tế, thì những “dự án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả cao” sẽ là những khoản vay có lãi suất thấp nhất chứ hoàn toàn không cần đến nghị quyết “bật đèn xanh” để cho vay vượt trần lãi suất.
Như vậy, trước yêu cầu thực tiễn thì có thể là cần thiết, nhưng tất cả lại đều chưa đủ cơ sở pháp lý và việc được làm hay phải làm của các ngân hàng đều không bảo đảm về luật pháp. Ngân hàng không thể không lo ngại nếu giao dịch bị đưa ra xử kiện trước toà án.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức
Thời báo Kinh tế Sài Gòn