Lúa trúng mùa nhưng nông dân khóc giá

(Dân trí) - Mấy ngày gần đây lúa vụ 3 ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào mùa thu hoạch. Theo ghi nhận, nhiều nơi lúa trúng mùa (4,5 tấn/ha) nhưng nông dân không vui vì giá xuống rất thấp.

Lúa ở một số tỉnh hiện xuống mức giá từ 3.300 - 3.600 đồng/kg, có nơi 3.000 đồng/kg nhưng vẫn “hiếm” tư thương đến thu mua. Đang vào mùa nên lúa thu hoạch về được bà con để khắp nhà, thậm chí nhiều nơi nông dân còn chất lúa ở ngoài bờ kênh, chân ruộng...

Nhiều nông dân ở huyện Tịnh Biên (An Giang) cho biết, giá quá thấp nếu bán lúa sẽ rất thiệt thòi, lỗ nặng. Dù lúa nhà nào cũng chất đống nhưng tiền thì cháy túi khiến nợ nần đè nặng lên vai người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Quới (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, nông dân ở đây không ai bán lúa vì giá quá thấp, với lại cũng chẳng thấy thương lái nào đến mua. Mấy chục ngàn ha lúa chín vụ 3 vẫn phải thu hoạch rồi chất đống.

“Kham hết nổi” nhiều món nợ ngân hàng, vật tư nông nghiệp, con cái học hành và các chi phí sinh hoạt, một số nông dân ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đành bấm bụng bán lúa với giá 3.800 đồng/kg. “Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp phải mua lúa của dân từ 5.000 đồng/kg trở lên nhưng có thấy ai đếm xỉa gì đâu” - nhiều nông dân kể trong nước mắt.

Đi dọc đất mũi Cà Mau theo các tuyến quốc lộ chạy dài hàng trăm km về phía biên giới Tây Nam (An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang) đâu đâu cũng thấy một quang cảnh lặng lẽ: nhà máy đồng loạt đóng cửa chỉ lâu lâu mới thấy vài cơ sở nhỏ lẻ xay xát gạo để ăn.

Lúa trúng mùa nhưng nông dân khóc giá - 1
  

Lúa không bán được chất đống ngoài bờ ruộng.

Nhiều chủ doanh nghiệp xay xát ở huyện Phú Tân (An Giang) cho biết, những ngày gần đây mọi hoạt động xay xát, thu mua đã đóng băng vì doanh nghiệp xuất khẩu không đặt hàng mua gạo. Ngay cả những nhà máy “lỡ” mua một lượng lúa của dân giờ cũng đành ôm chịu vì xay xát ra không biết bán cho ai.

Một tư thương thu mua lúa ở xã Phước Hưng (huyện An Phú, An Giang) than vãn, từ đầu vụ hè thu đến giờ mới chỉ mua và bán được 3 chuyến hàng. Giá gạo không ngừng biến đổi, mới sáng doanh nghiệp “ăn” giá 6.100 đồng chiều đã ép xuống 5.650 đồng/kg gạo.

Theo ước tính của Chi cục Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 720 cơ sở, nhà máy xay xát lúa. Hiện đa số hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa, trong đó đã có đến cả trăm điểm rao bán. Tình trạng này đang lan rộng khắp ĐBSCL.

Chưa khi nào hạt lúa, mặt hàng chiến lược mang ngoại tệ lớn về cho đất nước lại rẻ mạt đến thế. Thân phận “một hạt lúa vàng, chín giọt mồ hôi” càng trở nên tồi tệ khi bên ngoài vật giá vẫn leo thang.

Huỳnh Hải