1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lợn hơi “rơi” sát ngưỡng 70.000 đồng/kg, giá thịt bán lẻ vẫn đắt gấp đôi

Giá lợn hơi giảm sâu nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn cao bởi chưa có biện pháp kiểm soát khâu trung gian...

Lợn hơi “rơi” sát ngưỡng 70.000 đồng/kg, giá thịt bán lẻ vẫn đắt gấp đôi - 1

Bộ NN&PTNT nhận định, khi ủy ban về chống phá giá, cạnh tranh ra đời có thể kiểm soát được khâu trung gian làm tăng giá thịt lợn.

Giá thịt lợn bán lẻ vẫn đắt

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, hôm qua (4/9), giá thịt lợn tại các chợ dân sinh khu vực Hà Nội chỉ giảm nhẹ mặc dù giá lợn hơi liên tiếp giảm sát mốc 70.000 đồng/kg.

Tại chợ Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), giá thịt lợn bán lẻ dao động khoảng 130-170 nghìn đồng/kg, chỉ giảm khoảng 20-30 nghìn đồng/kg so với thời điểm giá lợn hơi đạt đỉnh 115 nghìn đồng/kg (cao hơn hiện tại khoảng 30-35 nghìn đồng/kg).

Cụ thể, giá thịt lợn ba chỉ, nạc vai 150-160 nghìn đồng/kg; Thịt mông 130-140 nghìn đồng/kg; Sườn thăn 160-170 nghìn đồng/kg; Sụn non 170 nghìn đồng/kg…

Chị Hằng, một tiểu thương chợ Ngọc Khánh cho biết, mặc dù giá lợn hơi có giảm mạnh, nhưng giá thịt móc hàm chỉ giảm khoảng hơn 10 nghìn đồng/kg nên giá bán lẻ cũng giảm tương xứng theo thịt móc hàm.

Hơn nữa, chị Hằng cho rằng, mức giảm giá thịt lợn bán lẻ không thể cân đối theo giá lợn hơi bởi còn phải qua nhiều khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng.

“Trước đây, lợn được nuôi phổ biến ở các hộ dân. Hiện tại chỉ có các trang trại lớn mới đầu tư nuôi lợn nên để mua được lợn xuất chuồng cũng phải mua qua nhiều khâu phân phối mới đến tay người giết mổ. Do đó, mỗi khâu đội lên vài giá nên giá lợn hơi dù có giảm sâu nhưng tiểu thương cũng không hưởng trọn”, chị Hằng nói.

Tương tự, tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), mức giá giao dịch cũng phổ biến ngưỡng 130-170 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 10-20 nghìn đồng/kg so với mức đỉnh.

“Những loại thịt được ưa chuộng như ba chỉ, sườn thăn và sườn non có mức giảm thấp hơn khoảng 10 nghìn đồng/kg do số lượng khách mua chỉ còn chưa đến 50% so với trước nên phải “gánh” các loại thịt còn lại”, Chị Liễu, một tiểu thương cho biết.

Theo ghi nhận, tại các chợ như Cổ Nhuế, Từ Liêm, Thanh Xuân… cũng có mức giá giao dịch quanh ngưỡng 130-170 nghìn đồng/kg. Các tiểu thương đều cho rằng, sức mua giảm cũng là nguyên nhân khiến giá bán lẻ không thể giảm sâu…

Cần có cơ chế xử lý khâu trung gian

Nhận định về việc giá lợn hơi giảm sâu nhưng giá thịt lợn bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn cao, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết: Hiện nay, có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào khâu phân phối nên để điều hành giá thịt lợn bán lẻ giảm xuống mức hợp lý thì cần có lộ trình.

Theo Thứ trưởng Tiến, mức giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng hiện nay cho thấy rất nhiều chi phí ở khâu phân phối và các khâu khác.

“Do vậy, cần phải có cơ chế, chính sách để xử lý chứ không đơn thuần chỉ là thông tin, tuyên truyền được”, ông Tiến nói.

Cũng theo Thứ trưởng Tiến, Bộ Công Thương đã có đợt kiểm tra giá thịt lợn và có đề xuất, trình Chính phủ về việc sẽ lập ủy ban về chống phá giá, cạnh tranh.

Do đó, nếu ủy ban này ra đời, chúng ta sẽ lập lại được trật tự trong khâu phân phối từ những thiết chế đi kèm.

Ông Tiến cũng cho biết, tổng đàn lợn cả nước đang ở mức trên 25,2 triệu con, đã hồi phục được khoảng 85% so với thời điểm trước dịch.

“Kế hoạch cung ứng thịt ra thị trường cơ bản được cân đối và đáp ứng đúng theo kịch bản năm 2020 với mức 8,5 triệu tấn thủy sản, 5,8 triệu tấn thịt các loại”, ông Tiến nói.