1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lợi nhuận quý III của Eximbank "bốc hơi" 76%, vì đâu nên nỗi?

Vĩ Quang

(Dân trí) - Eximbank báo lãi quý III đạt 307 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sụt giảm chủ yếu là do chi phí vốn huy động và chi phí dự phòng tăng cao.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 307 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2022.

Vì đâu lợi nhuận quý III Eximbank sụt giảm?

Báo cáo cho thấy, thu nhập lãi thuần - mảng kinh doanh cốt lõi chiếm 70% tổng thu nhập hoạt động - lãi 868 tỷ đồng, giảm gần 42% so với quý III/2022.

Mặc dù, thu nhập từ việc cho vay khách hàng đem về khoản lãi hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 16%. Thế nhưng, chi phí mà Eximbank phải trả lãi tiền gửi khách hàng tăng 60% lên hơn 2.636 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần bị sụt giảm.

Trong văn bản giải trình đính kèm, ngân hàng cho biết thu nhập lãi thuần sụt giảm do lãi suất huy động tăng cao từ cuối tháng 10/2022 làm chi phí vốn huy động tăng theo. Ngoài ra, ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay, khiến tác động đến thu nhập lãi vay.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 77 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,4%. Ở hướng ngược lại, lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 115 tỷ đồng, tăng gần 10%; mảng mua bán chứng khoán đầu tư lãi 141 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 19,5 tỷ đồng; hoạt động khác lãi 32 tỷ đồng, tăng 43%.

Chi phí hoạt động quý III ghi nhận 758 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng ở mức 170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập gần 300 tỷ đồng.

Với kết quả trên, Eximbank báo lãi trước thuế quý III đạt 307 tỷ đồng, giảm 76%. Lũy kế 9 tháng, lãi trước thuế 1.712 tỷ đồng, giảm 46%.

So với mục tiêu lãi trước thuế 5.000 tỷ đồng cho cả năm 2023, ngân hàng này mới thực hiện được 34% kế hoạch.

Nợ có khả năng mất vốn giảm, tỷ lệ nợ xấu tăng

Tính đến 30/9, tổng tài sản tăng 3,4% so với đầu năm lên hơn 191.336 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,2% lên 135.996 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro cho vay tăng 6% lên 1.388 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu ghi nhận 3.592 tỷ đồng, tăng 53% so với thời điểm 31/12/2022. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) gấp 2,5 lần lên 675 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp 3,1 lần lên 1.438 tỷ đồng.

Riêng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) ghi nhận có sự cải thiện khi giảm gần 10% xuống còn 1.478 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chất lượng nợ vay có phần đi lùi khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,79% đầu năm lên hơn 2,6% ở thời điểm cuối tháng 9. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 55% xuống còn 38%.

So với đầu năm, tiền gửi khách hàng nhích tăng nhẹ 3,6% lên 153.967 tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn tăng 1,5% lên 20.587 tỷ đồng.