Lợi nhuận Petrolimex vượt 1.000 tỷ đồng trong quý I nhờ nhập hàng giá rẻ

(Dân trí) - Nhờ hưởng lợi từ mặt bằng giá thế giới, giá vốn hàng bán giảm hơn 10.500 tỷ đồng trong quý I/2016, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đã tăng 146% so với cùng kỳ năm 2015, đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Số liệu hải quan cho thấy, các doanh nghiệp xăng dầu đã tranh thủ tăng mạnh nhập khẩu trong bối cảnh đơn giá giảm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất và của công ty mẹ trong quý I/2016. Theo đó, báo cáo hợp nhất cho thấy, quý I năm nay mặc dù doanh thu giảm so với quý trước nhưng lợi nhuận ròng thu được của Petrolimex lại tăng vọt so với quý I/2015.

Cụ thể, so với cùng kỳ, doanh thu của Petrolimex trong quý I/2016 giảm gần 10.400 tỷ đồng, còn 27.553 tỷ đồng. Song nhờ giá vốn giảm mạnh (giảm 10.567 tỷ đồng) còn 24.588 tỷ đồng, cộng với việc tiết giảm mạnh chi phí tài chính, lợi nhuận khác tăng... nên tổng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn tăng 2,4 lần lên 1.371,2 tỷ đồng.

Petrolimex và các doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi lớn nhờ mặt bằng giá thế giới giảm nửa đầu quý I
Petrolimex và các doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi lớn nhờ mặt bằng giá thế giới giảm nửa đầu quý I

Sau khi trừ chi phí thuế, khoản lợi nhuận hợp nhất mà Petrolimex còn lại trong quý I/2016 vẫn đạt 1.134,3 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong khi đó, báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ cũng ghi nhận mức lãi sau thuế quý I hơn 360 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với quý I/2015.

Báo cáo tài chính kỳ này của Petrolimex không thể hiện cấu phần đóng góp của mảng kinh doanh xăng dầu và các hoạt động khác vào kết quả doanh thu cuối cùng.

Hiện Petrolimex gồm công ty mẹ, 70 công ty con bao gồm 43 công ty xăng dầu do tập đoàn sở hữu 100% vốn thuộc khối xăng dầu trực thuộc và 27 công ty con khác, 1 công ty liên doanh và 13 công ty liên kết.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, trong quý I/2016, giá dầu có diễn biến phức tạp: nửa đầu quý giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm sau đó đảo chiều lên những mức cao nhất trong năm nay.

Trong quý I, ở thị trường trong nước, giá xăng được điều chỉnh 4 lần giảm giá và điều chỉnh tăng 1 lần: Cụ thể, ngày 4/1 giảm 370 đồng/lít; ngày 19/1 giảm 590 đồng/lít; ngày 3/2 giảm 729 đồng/lít; ngày 18/2 giảm mạnh 961 đồng/lít; giữ nguyên giá vào ngày 4/3 và tăng 670 đồng/lít vào ngày 21/3.

Tổng cộng từ đầu năm đến hết quý I, giá xăng giảm 1.980 đồng/lít. Dầu diesel 0,05S có 3 lần giảm 2 lần giữ nguyên và một lần tăng tổng cộng trong quý giảm 2.110 đồng/lít. Dầu hỏa có 3 lần giảm và 3 lần giữ nguyên, tổng số giảm 2.160 đồng/lít. Dầu mazut có 2 lần giảm và 4 lần giữ nguyên, với mức giảm tổng cộng là 940 đồng/kg.

Lần tăng giá xăng dầu vào ngày 21/3 là lần tăng giá đầu tiên trong hơn 5 tháng, mức tăng đã được kiềm chế nhờ sử dụng quỹ bình ổn. Dầu hỏa và dầu mazut được giữ nguyên giá nhờ quỹ bình ổn.

Số liệu hải quan cho thấy, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 2/2016 là gần 932 nghìn tấn, tăng 18,2% so với tháng 1/2015, với trị giá đạt gần 294 triệu USD.

Cơ quan Hải quan cũng cho biết do sự sụt giảm về đơn giá nên lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 2 tháng/2016 là 1,7 triệu tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng lại giảm 33,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015.

Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 2 tháng/2016 có xuất xứ từ: Singapore với gần 836 nghìn tấn, tăng 51,2%; Thái Lan: 206 nghìn tấn, tăng 2%; Trung Quốc với 200 nghìn tấn, giảm 40,8%; Malaysia với 196 nghìn tấn, tăng gấp hơn 10 lần mức nhập khẩu của 2 tháng đầu năm 2015.

Bích Diệp

Lợi nhuận Petrolimex vượt 1.000 tỷ đồng trong quý I nhờ nhập hàng giá rẻ - 2