Lợi nhuận ngân hàng: Giới chủ đã rút kinh nghiệm!

Sau nhiều năm, các ngân hàng thương mại mới có một mùa đại hội cổ đông chùng xuống ở chỉ tiêu lợi nhuận. Cán bộ điều hành và nhân viên dường như đã được giới chủ đồng cảm để chia sẻ áp lực.

Lợi nhuận ngân hàng: Giới chủ đã rút kinh nghiệm!
 
Mới rồi, trên trang cá nhân, giám đốc một chi nhánh ngân hàng thảng thốt: “Loáng cái, quý 1 đã qua. Thời gian lướt nhanh mà các chỉ tiêu kế hoạch còn ì ra đó”.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:



Dù không chia sẻ, nhưng hẳn cảm xúc của nhân vật trên có xen lẫn sự lo lắng. Làm “sếp nhỏ” ngân hàng, những năm gần đây và hiện nay, căng thẳng thường trực. Mỗi quỹ, mỗi năm chỉ tiêu ở trên giao xuống, để ghi điểm thì phải vượt, nhưng thực tế hoàn thành đã là khó. Không hoàn thành vài năm liền, ghế có thể đổi.

Áp lực cụ thể là lợi nhuận. Thông thường, các chỉ tiêu đưa ra và được giao đã được tính toán thận trọng và có tính khả thi cao. Thế nhưng, tại một số ngân hàng thương mại, người trong cuộc chia sẻ, mỗi lần hoạch định cho một năm kinh doanh mới, giữa giới chủ và ban điều hành luôn có đấu tranh căng thẳng, thậm chí “cò kè” vài chục tỷ đồng chỉ tiêu…

Giới chủ có lý lẽ rằng, chỉ tiêu đặt ra là dựa trên thực lực sẵn có, cũng để các anh phấn đấu. Ngược lại, thực tế đã cho nhiều câu trả lời cụ thể nhất. 2013 là năm thứ hai liên tiếp nhiều ngân hàng thương mại không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, thậm chí mức độ thực hiện chỉ vài ba chục phần trăm, một số được vài phần trăm và thoát lỗ là may…

Nhưng có vẻ như giới chủ vẫn chưa thực sự rút kinh nghiệm và thừa nhận thực tế khó khăn. Đơn cử như tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), năm 2013, kế hoạch lợi nhuận đặt ra 3.200 tỷ đồng là quá xa so với thực tế; thậm chí đến tận cuối tháng 10/2013, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị vẫn tính đến con số 1.600 tỷ đồng phấn đấu, nhưng cuối cùng chốt lại cũng lệch rất xa với 827 tỷ đồng.

Sự sai lệch quá lớn giữa chỉ tiêu với thực tế có thể tạo nên sai lệch sức ép không đáng có trong thực hiện mà nó dễ dẫn tới rủi ro. Con đường không còn bằng phẳng như trước mà đã trở nên gồ ghề, buộc cỗ máy vẫn phải giữ tốc độ cao dĩ nhiên là xóc nảy và dễ hỏng hóc. Sức ép quá xa thực tế có thể khiến các “sếp nhỏ” và nhân viên làm liều hoặc phải đánh đổi với rủi ro để đạt chỉ tiêu, để giữ ghế, giữ lương, giữ việc…

Nhưng, tình hình có vẻ đang thay đổi trong năm nay. Giới chủ ngân hàng dường như đã rút kinh nghiệm, đã thừa nhận thực tế khó khăn và không còn màu hồng của những năm tăng trưởng 2007-2011.

Cũng tại Eximbank, lần đầu tiên sau nhiều năm mới thấy một sự nhượng bộ rõ ở chỉ tiêu lợi nhuận. 1.800 tỷ đồng đặt ra cho năm 2014 là khác biệt rất lớn, hẳn là sau kinh nghiệm 2012 và đặc biệt trong 2013.

Hay tại Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), một trong những đầu tàu lợi nhuận những năm trước đã sớm thận trọng với chỉ tiêu đề ra năm 2013 chỉ hơn 1.500 tỷ đồng. Và năm nay, dường như lường trước môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, ngân hàng này chỉ đặt mục tiêu rất khiêm tốn so với những mức “khủng” trước đây: 1.181 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Ngay cả ở đầu tàu lợi nhuận hai năm qua, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đang tính đến một chỉ tiêu vừa sức, và có thể nói là không mạo hiểm đánh đổi với yêu cầu tăng trưởng, hay thêm sức ép tăng trưởng. Cụ thể, năm nay dự kiến MB chỉ đặt chỉ tiêu 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gần như không tăng trưởng so với mức 3.022 tỷ đồng năm 2013.

Các ngân hàng lớn và từng cho hiệu quả cao trước đây đã vậy, những ngân hàng nhỏ và đang gặp khó khăn nhiều hơn hẳn cũng không mấy khả quan ở chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.

Ở mức độ nhất định, chỉ tiêu của các nhà băng cũng phản ánh triển vọng của nền kinh tế nói chung. Triển vọng đó là vẫn nhiều khó khăn và thử thách - sự thật mà dường như đến mùa đại hội cổ đông năm nay giới chủ ngân hàng mới thực sự chịu thừa nhận (?).
 
Theo Minh Đức
VnEconomy
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước