Lợi nhuận 4.000 tỉ đồng/năm từ ngô

(Dân trí) - Một phương pháp cực kỳ đơn giản, đơn giản đến bất ngờ mà hiệu quả thì lại rất lớn, năng suất tăng từ 40-50% trở lên. Đó là đề tài nghiên cứu “phương pháp trồng ngô với mật độ cao” của hai vợ chồng kỹ sư Chu Văn Tiệp và Trịnh Thị Thanh.

Cả hai ông bà đã nghỉ hưu, ông là kỹ sư nông nghiệp, bà tốt nghiệp trung cấp Nông Lâm. Tuy vậy, “đôi vợ chồng già” chẳng học cùng ngành nhưng lại cùng có niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Tác giả Chu Văn Tiệp

Tốt nghiệp đại học Nông nghiệp I (1967),  công tác tại  Bộ NN&PTNT từ 1970 qua các vụ Trồng trọt, cục cây công nghiệp, vụ kế hoạch, ban xuất nhập khẩu, vụ Quan hệ quốc tế. Nghỉ hưu 1/2005.

Các công  trình khoa học: Phát triển sản xuất đậu tương thành cây trồng chiến lược sau có vị trí sau cây lúa; Phát minh khoa học “Định luật di truyền về mặt phẳng tán lá tương lai trong phôi của loài ngô”; Được cấp bằng đồng tác giả sáng chế độc quyền “phương pháp trồng ngô mật độ cao”; Đăng ký độc quyền sáng chế “phương pháp trồng ngô mật độ cao bằng phương pháp định vị phôi”, đã được công báo quốc tế; Chuẩn bị công bố bộ sưu tập nhiều loại hình “siêu lúa” với hàng trăm giống mới.

Phương pháp trồng ngô mới mà hai ông bà là tác giả được đánh giá và ghi nhận như một “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực tăng năng suất cây ngô. Giải thích về lý do nghiên cứu về cây ngô, ông cho biết, trên thế giới có ba loại cây lương thực chủ yếu là lúa nước, lúa mì và ngô trong đó số người đói lại tập trung chủ yếu vào khu vực sử dụng ngô và lúa nước.

“Bằng phương pháp trồng ngô mật độ cao thì với bất cứ giống nào cũng có thể tăng năng suất từ 40-50%, chỉ cần... 10 phút tính toán và 3 tháng thực nghiệm”, ông khẳng định như vậy và vụ thu đông 2004, với gần 10ha trồng thử nghiệm ở hai huyện Thanh Miện, Tứ Kỳ (Hải Dương) năng suất nơi thấp nhất cũng tăng 30%, nơi cao nhất tăng tới 80-100%. 

Bà vợ ông, đồng tác giả kể, khi dẫn lãnh đạo ngành nông nghiệp của một số tỉnh đến đây tham quan, chẳng có ai tin, họ tranh luận suốt dọc đường và chỉ đến khi tận mắt chứng kiến sự thật họ mới tin.

Ông bà đã tìm ra phương pháp trồng ngô phù hợp với quy luật mặt phẳng tán lá, tức là chỉnh tán lá trong cùng hàng song song với nhau, vuông góc với hàng ngô, mở rộng khoảng cách hàng cho phù hợp với độ rộng của tán và thu hẹp khoảng cách giữa các cây trong hàng, làm tăng đột biến mật độ cây trồng và năng suất thu hoạch.

Thực tiễn cho thấy, đối với bất kỳ giống ngô nào, mật độ cây trồng cũng đều tăng 70-75%, năng suất tăng từ 5-7 tấn thâm canh hiện nay lên 8-10tấn/ha. “Nếu phổ cập phương pháp canh tác mới này, mỗi năm  có thể  có thêm 4000-5000 tỉ đồng lợi nhuận và sẽ tạo ra một cuộc “cách mạng xanh” mới trong trồng ngô ở Việt Nam”.

Ngay sau khi thành công với phương pháp trồng ngô mật độ cao, ông đã cho công bố phát minh khoa học “Định luật di truyền về mặt phẳng tán lá tương lai trong phôi loài ngô”.

Với phát minh này, việc trồng ngô theo phương pháp tăng mật độ cây ngô đơn giản hơn nhiều, “mặt phẳng tán lá tương lai” được định vị ngay từ trong phôi ngô, không phải sử dụng cách thủ công là đặt bầu và chỉnh tán lá cây con như cách hiện nay nữa.

Đức Hoà