Lợi ích vào túi chủ đầu tư, tiểu thương bị "bỏ rơi"

(Dân trí) - Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng TP Hà Nội cải tạo chợ thành các trung tâm thương mại thì 3/4 lợi ích trong cải tạo là của chủ đầu tư và chỉ 1/4 hoặc 1/5 là thuộc về tiểu thương.

Theo ông Phú việc cải tạo chợ là chủ trương đúng đắn của TP Hà Nội nhưng việc thực thiện đang xảy ra nhiều vấn đề bất cập. Ông Vinh nói: “Những duy ý chí trong làm chợ từ trước tới nay có nhiều kinh nghiệm. Một bài học về duy ý chí từng xảy ra  khi Hà Nội đặt chợ đầu mới ở Bắc Thăng Long, khi vào chợ phải qua 2 chặng kiểm soát vé, giao thông không thuận tiện nên đổ vỡ”.
 
Lợi ích vào túi chủ đầu tư, tiểu thương bị bỏ rơi
Ông Phú nói việc cải tạo chợ hiện nay chỉ là phần phụ mà chủ đầu tư đưa ra để thương thảo với tiểu thương, còn mục đích chính là trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê.
 
Vậy theo ông, việc cải tạo hoặc xây dựng mới chợ, siêu thị thì phải chú ý tới những yếu tố nào trước tiên?
 
Xây chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thì đầu tiên phải là tầm nhìn quy hoạch. Phải nắm được 10 hoặc 20 năm tới, dân số Hà Nội là bao nhiêu, cụ thể từng khu vực nội đô và ngoại đô. Thậm chí tầm nhìn phải tính đến 2030 và 2050.
 
Thứ 2, dựa vào GDP để tính sức mua. Thứ 3 khả năng tài chính của Hà Nội, cộng thêm đặc thù thủ đô, với những nguồn lực như vậy có khả năng đến đâu? Thứ 4, cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư.
 
Dựa trên những đặc điểm này,  quan điểm của tôi nên làm quy hoạch tổng thể. Trong đó tính đến quy hoạch vùng, phải tính được các vị trí ở đâu là đại siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tự chọn, hoặc một phút thực phẩm. Không phải là tất cả là chợ, tất cả siêu thị cũng hỏng. Phải đáp ứng tối đa nhu cầu mua, bán của người dân.
 
Vấn đề nữa, giao thông phải gắn với chợ siêu thị. Ở các nước phát triển, xuống tàu điện là siêu thị, là trung tâm thương mại, là chợ Phải gắn đầu mối giao thông để thuận tiện cho người mua và nâng cao doanh số hiệu quả của chợ, siêu thị. Khi làm các tuyến đường trên cao thì phải có chợ ngay ở dưới, người dân từ các phương tiện công cộng sẽ đi về nhà sẽ có luôn các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ phục vụ chứ không phải quay ngược lại tìm nơi mua sắm.
 
Tiếc với việc kết hợp vùng và giao thông sở Công thương hoàn toàn không tính đến.
 
Hà Nội đang thực hiện cải tạo chợ truyền thống thành trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và chợ. Dựa trên tổng cầu trên Hà Nội  hiện nay thì có cần thiết phải xây thêm các trung tâm thương mại, siêu thị?
 
Hà Nội có gần 400 chợ sau khi sáp nhập tỉnh, 74 siêu thị, 13 trung tâm thương mại. Số liệu này từ năm 2009, hiện nay có khả năng lên 10%. Hà Nội có đặc điểm 70% doanh số bán buôn, 30% bán lẻ thôi.
 
Tổng cầu về doanh thu, một tháng 5000 tỷ tiêu dùng, dân số 8 triệu dân tính cả vãng lai. Hiện nay doanh số siêu thị, trung tâm thương mại 20%, chợ 40%, cửa hàng lẻ và hàng rong 40%. Vậy 80% vẫn là cửa hàng lẻ, hàng rong. Trong 20 năm tới, siêu thị sẽ lên 40% thì chợ sẽ co lại. Theo tính toán, doanh số chợ sẽ giảm chỉ còn 20% trong 20 năm tới.
 
Đặc điểm của Hà Nội là trung tâm thương mại, chợ, siêu thị phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Chợ thì hầu hết chợ nhỏ, chỉ có 15% chợ hạng 1 là chợ lớn như chợ Hôm, chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, Đồng Xuân…Từ đó TP đinh hình chủ trương thành phố cải tạo hết chợ cũ thành trung tâm thương mại.
 
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi là những chợ truyền thống có lịch sử lâu đời của TP chỉ nên nâng cấp thôi chứ không chuyển đổi thành trung tâm thương mại. Ví dụ chợ Đồng Xuân không được phá. Vì nó gắn với truyền thống buôn bán.
 
Nhưng các chợ khác xuống cấp nên cải tạo, tuy nhiên cải tạo phải đáp ứng yêu cầu số một là diện tích kinh doanh tốt hơn chợ cũ.
 
Thứ hai, hiện nay chợ cóc, chợ tạm rất nhiều, ngoài gần 400 chợ chính thì có khoảng hơn 300 chợ cóc chợ tạm thì khi cải tạo chợ phải thu hút thêm cả bà con chợ tạm vào kinh doanh nữa. Làm vậy bớt chợ cóc, chợ tạm đi nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu buôn bán rất lớn của người dân.
 
Thứ ba, điều này quan trọng nhất là từ chợ truyền thống phải thành chợ và siêu thị. Lưu ý phần chợ thì chợ bán rau quả phải thông thoáng. Con cá lá rau mà kín bưng thì làm sao được. Như chợ Singapore chỉ có cột thôi và cấp thoát nước thông thoáng. Tầng hầm và tầng 1 phải như vậy. Nếu kín bưng là buồng tằm chứ không phải kinh doanh.
 
Lợi ích vào túi chủ đầu tư, tiểu thương bị bỏ rơi
Gần 500 tiểu thương tụ tập ở UBND quận Cầu Giấy để phản đối chủ đầu tư cải tạo chợ thành trung tâm thương mại
 
Hiện nay sau khi chuyển đổi từ chợ truyền thống thành trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê thì thực tế chợ đã giảm sức hút, tiều thương buôn bán cũng khó khăn hơn. Có thể nói việc cải tạo chợ từ mô hình chợ Hàng Da, Ô Chợ Dừa đã thất bại?
 
Khi cải tạo chợ thì không phải chỉ vỏ là quan trọng, vỏ thì chỉ mấy chục tỷ có thể xong. Cải tạo chợ xong thì văn minh thương mại phải nâng lên như: Niêm yết giá, hàng hóa có nguồn gốc, bán hàng có sơ chế rồi…
 
Cải tạo vật chất tốt rồi thì nâng cao văn hóa kinh doanh, văn minh bán hàng cũng phải nâng lên chứ không thể theo kiểu cũ.
 
Việc cải tạo chợ hiện nay không giống như việc xây chợ mới trước đây. Nếu trước đây xây chợ mới thì TP và người dân đứng ra thực hiện. Hiện nay, TP và doanh nghiệp, tiểu thương kết hợp làm việc này. Ý kiến của ông về vấn đề này?
 
Theo tôi cải tạo chợ vẫn là cải tạo nhưng TP phải cầm trịch, chứ không thể để nhà đầu tư ép tiểu thương dẫn đến hàng loạt cuộc phản đối như vừa rồi.
 
Nguyên tắc khi chuyển đổi, phải buôn bán tốt hơn nhưng thực tế không phải vậy. Buôn bán tốt hơn phải có cơ chế ưu tiên hợp lý, được thuê 20 đến 30 năm, giá cả hợp lý. Việc cải tạo chợ thì lãnh đạo phải có tâm, trách nhiệm, minh bạch công khai hết sức dân chủ.
 
Từ cải tạo các chợ truyền thống hiện nay thì nhóm lợi ích đã xuất hiện trong cải tạo chợ. Hiện nay cải tạo chợ thì thành cả là trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê. Nếu làm theo mô hình đang làm thì các nhóm lợi ích xuất hiện và họ thâu tóm hết. Các chủ đầu tư khi đầu tư vào cải tạo chợ,  mục đích chính của họ là thuê văn phòng, bán hàng cao cấp còn chợ truyền thống chỉ là yếu tố phụ nhằm thỏa hiệp với các tiều thương khi chuyển đổi.
 
Chủ đầu tư sau này là ban quản lý chợ chỉ cần lo tới kinh doanh những mặt hàng đắt tiền thu lợi nhuận cao, dần dần các chợ truyền thống sẽ mất dần giá trị.
 
Theo quan điểm của tôi, là chợ thì sau cải tạo vẫn giữ nguyên chức năng chính là chợ nhưng chỉ văn minh hơn. 3/4 lợi ích phải là chợ, 1/4 muốn làm thêm gì thì làm. Hiện nay 3/4 không phải là chợ, diện tích và lợi ích chợ sau khi chuyển đổi rất ít chỉ là 1/4 hoặc 1/5 thôi.
 
Thông Chí